Kem ngọt hơn nhiều khi để lạnh. Thịt nguội sẽ mặn hơn khi ăn ấm. Tuy nhiên, sự khác biệt về hương vị chỉ là một khía cạnh trong cuộc chiến nóng và lạnh.
Ăn đồ lạnh tiêu thụ nhiều calo hơn
Kết quả này được các nhà nghiên cứu Amanda Pruski Yamim, Robert Mai và Carolina Werle thuộc trường Grenoble Ecole de Management (trường kinh doanh sau ĐH của Pháp) công bố trên tạp chí học thuật quốc tế Journal of Consumer Research, tháng 7/2021. Các chuyên gia nghiên cứu hơn 2.600 người trưởng thành Pháp, Mỹ và Brazil ở mọi lứa tuổi.
Cụ thể, người ăn đồ ăn lạnh hấp thụ calo nhiều hơn 31%, 37% chất béo và hơn 22% carbohydrate so với người ăn thức ăn nóng. Vì vậy, các chuyên gia nếu giải pháp với những người béo phì là nên ăn một món nóng, bên cạnh salad nguội.
Cơ thể khó khăn hơn khi tiêu hóa thức ăn lạnh
Anne Fleming, huấn luyện viên sức khỏe người Mỹ cho biết, cơ thể tiêu hóa thức ăn bằng cách đưa nó về nhiệt độ cơ bản. Điều đó có nghĩa nếu ăn thứ lạnh, cơ thể phải nỗ lực gấp đôi để làm ấm thức ăn trước rồi mới tiêu hóa. Ví dụ, nếu ăn súp, dạ dày chỉ mất 15 phút để tiêu hóa, nhưng sữa hay kem lạnh thì mất tới 30 phút đến hai giờ.
Không phải vậy là chúng ta phải ngừng ăn đồ lạnh, vì trái cây hay rau quả không thể không ăn lạnh. Điều bạn nên làm là giữ chúng trong miệng lâu hơn để các enzym phá vỡ và hâm nóng nó.
Fleming cũng lưu ý, thay vì luộc thực phẩm, nơi “bạn thực sự đổ hầu hết các chất dinh dưỡng xuống bồn rửa khi xả nước” hãy hấp, rang hoặc nướng.
Thực phẩm nóng thường nhiều chất dinh dưỡng hơn
Thức ăn ấm được tiêu hóa dễ dàng hơn nên đương nhiên chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thụ cũng nhanh hơn. Không chỉ vậy, khi một số loại rau, chẳng hạn như cà chua được nấu chín, lượng lycopene sẽ tăng lên. Ngoài ra, ngũ cốc nóng như yến mạch, rất giàu chất xơ và không có đường như ngũ cốc lạnh.
Tuy nhiên, một nhược điểm của việc nấu chín trái cây và rau quả là các vitamin bị tan ra. Vì vậy, với rau trái, càng nấu ít càng tốt.
Nước lạnh hấp thụ nhanh hơn nước nóng
Chuyên gia dinh dưỡng Nicole Senior cho biết, nước lạnh thải ra khỏi dạ dày nhanh hơn nên được hấp thụ tốt hơn so với khi nóng. Một lợi ích khác là nước lạnh giúp tăng sức bền cho người tập luyện hàng ngày hoặc thường xuyên.
Chuyên gia khuyên, nhiệt độ nước lý tưởng để uống là 16 độ C. Tuy nhiên, cần cẩn trọng và cân nhắc khi uống nước lạnh nếu mắc bệnh lý ảnh hưởng thực quản.
Thức ăn nóng giúp bạn no lâu hơn
Các chất dinh dưỡng được giải phóng trong thức ăn làm nó ngon hơn rất nhiều. Vì vậy, cảm giác hài lòng của cơ thể tăng lên rất nhiều khi ăn món nóng và tốc độ tiêu thụ món ăn giảm xuống. Ăn chậm, não nhận được tín hiệu rằng bạn đang bắt đầu no và ngăn chặn cảm giác thèm ăn lâu hơn.
Ví dụ ăn súp không chỉ ăn nóng mà còn hầu như chỉ có nước. Chất lỏng giúp bạn ăn dễ dàng hơn và no nhanh hơn rất nhiều so với thức ăn rắn, lạnh.
Thực phẩm nóng hay lạnh đều có thể tăng nhiệt độ cơ thể
Đồ uống nóng như cà phê, trà, súp có thể khiến bạn thấy nóng. Một số đồ uống và thực phẩm lạnh cũng có thể góp phần tăng nhiệt độ cơ thể.
Kem là món ban đầu khiến bạn ớn lạnh, nhưng sau đó, nó lại mang đến cảm giác ấm áp. Bởi hàm lượng chất béo và protein cao trong kem sẽ làm nóng cơ thể trong lúc tiêu hóa.
Ngoài ra, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa chất béo, nỗ lực đó làm tăng nhiệt độ, khiến bạn nóng hơn.
Thức ăn nóng tốt cho đường ruột
Khi bạn nấu một bữa ăn trên 65 độ C, rất khó để bất kỳ vi sinh vật nào có thể tồn tại và gây hại. Điều tương tự cũng áp dụng cho nước mà bạn không chắc chắn về chất lượng.
Trong khi đó, đồ uống có ga lạnh, như soda, có thể gây khó chịu cho dạ dày, thậm chí buồn nôn. Thức ăn lạnh có thể gây hình thành khí trong ruột, dễ dẫn đến đầy hơi.
Nhật Minh (theo Brightside)