HỒI KÝ CỦA BÀ TÙNG LONG - KỲ 1

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

LỜI GIỚI THIỆU

Người đọc ở thành phố trong Nam cuối những năm 50, suốt những năm 60 và đầu những năm 70 – trên dưới 20 năm – quen với cây bút của nhà văn, nhà báo nữ Tùng Long, thường ký kèm kèm chữ “bà” ở trước tên. Bà Tùng Long nổi tiếng ở các truyện gọi là tâm lý xã hội, đăng trên các nhật báo như một số loại phụ trương nhiều kỳ mà vào thời ấy gọi là “feuilleton”. Bà cũng nổi tiếng về các mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các mục cố định của một số tờ báo hằng ngày hoặc định kỳ. Tờ báo mà bà Tùng Long có mặt thường xuyên hơn hết là Sài Gòn Mới do bà Bút Trà, chị dâu của chồng bà làm chủ nhiệm.
Vào tuổi quá bát tuần, bà Tùng Long viết hồi ký. Đương nhiên, hồi ký của một cây bút thì có chuyện văn chương, chuyện viết lách. Song, tôi tìm thấy trong hồi ký bà những nét đậm lạt của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước ta, của miền Nam, chủ yếu là Sài Gòn, nơi quy tụ những sự kiện lớn của vùng đất mà cách mạng nối tiếp công việc chưa xong của mình, đối mặt với chính quyền do Mỹ dựng nên. Bà Tùng Long không phải là nhà chính trị, ít nhất, như bà nói trong hồi ký. Tuy nhiên, hồi ký của bà Tùng Long vẫn là một hồi ký không loại bỏ được các nền chính trị đương nhiên tác động lên bà. Bà Tùng Long cũng không phải là nhà văn, nhà báo cách mạng, bà viết, như đã nhắc tới nhắc lui trong hồi ký, là để kiếm tiền nuôi chín đứa con và chồng, song bà không đứng trong hàng ngũ “cách mạng quốc gia” hay “cần lao” hoặc đại loại như vậy, dù rằng về phương diện giao thiệp, bà quan hệ với những nhân vật thuộc chính quyền. Bà cũng từng ứng cử nghị viện Sài Gòn vào thời cuối của triều đình Ngô Đình Diệm – không tự nguyện, không thích, nhưng không thể từ chối.

Anh Lê Phương Chi đã lên danh mục tất cả 50 đấu sách của bà từ năm 1956 đến nay, trong đó có 16 đầu sách tái bản và in mới sau năm 1975 – tôi chỉ nói những tiểu thuyết đã xuất bản thành sách mà hầu hết được đăng tải trên các báo. Tôi cũng không nói về nội dung những mục như “gỡ rối tơ lòng”, “tâm tình cởi mở” hay đường hướng của những tờ báo mà bà làm chủ bút, thư ký toà soạn, hay cộng tác viên, tôi làm một công việc đơn giản - giới thiệu hồi ký của bà.

Tập hồi ký chia làm 6 chương thì 3 chương đầu nói về thời niên thiếu, tuổi học sinh và mốt tình đầu của bà, 3 chương sau thuật lại quãng đời viết văn, làm báo. Nếu 3 chương đầu giúp cho người đọc hôm nay nhớ lại một thời mìên Trung nước ta từ Đà Nẵng ra Huế rồi trở vào Tam Quan những năm 20 và 30 của thể kỉ XX ở Sài Gòn, thì phần sau lại giới thiệu với người đọc một góc của khung cảnh với ký ức văn nghệ Sài Gòn sau Hiệp định Genène. Sách báo hiện nay vẫn còn tương đối hiếm về khung cảnh sinh hoạt vào thời điểm kể. Tuy bà Tùng Long không chủ yếu làm sống lại một cách đầy đủ khung cảnh ấy nhưng vẫn giúp cho người đọc hình dung được chừng nào hoàn cảnh của đất nước mình.

Người đọc có thể còn mong muốn bà Tùng Long nói nhiều hơn những gì bà thấy, bà nghe trong một xã hội chuyển động nhanh chóng, thậm chí không có quy củ, nhưng và chỉ cung cấp chừng ấy thôi, ta không thể đòi hỏi hơn.

Tôi vui lòng viết mấy lời giới thiệu tập hồi ký của bà Tùng Long.

TRẦN BẠCH ĐẰNG
12 -2002

Vài lời thưa cùng bạn đọc
Năm 1985, sau khi nhà tôi bỏ đi trước, cuộc sống của tôi trở nên quá trống vắng, thừa thãi. Các con đều đã lớn, có gia đình riêng, một số lại ra sống ở nước ngoài… Ngồi buồn, tôi lấy giấy bút ra ghi lại những kỉ niệm ngày trước của mình, vì thật sự từ nhỏ tôi đã có thói quen và sở thích viết lách, đến giờ - tôi ngồi cầm bút viết những dòng này vào đúng ngày sinh nhật 88 tuổi - vẫn không thay đổi. Thoạt đầu, tôi không dám gọi đây là hồi ký, mà chỉ là những bài ghi chép, theo những hồi ức và cảm hứng bất chợt, mỗi khi được nhắc nhở một điều gì. Tôi viết về cha tôi, trong đám dỗ của người; về nhà tôi – anh ấy thường về thăm tôi trong những giấc mơ; về một người bạn cũ, khi đọc được tin người ấy qua đời (hằng ngày tôi vẫn đọc đủ các báo, nghe đài, thói quen không thể bỏ được từ thời làm báo); về những học trò củ của tôi mà tình cảm của các em dành cho tôi thật đáng trân trọng; về những kỷ niệm với bạn đọc mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại qua những tờ thư cũ; về một đứa cháu nhỏ khi nó từ nước ngoài về thăm tôi lần đầu với những cảm nhận đầu tiên về Việt Nam….Tôi viết, chỉ để thoả đam mê cầm bút của mình, và cũng để các con tôi sau này đọc lại mà thương mẹ hơn. Vậy thôi…

15 năm sau, tôi cứ ngồi viết như thế, không đầu không đuôi, nhớ gì viết nấy (chính vì vậy, trong tập sách này, chắc chắn sẽ có nhiều sai sót và đôi chỗ trùng lặp, lộn xộn về thời gian viết, mong được bạn đọc tha thứ). Mười mấy cuốn sổ tay đã được tôi viết kín, và cứ để đó. Cho đến một hôm, thằng con trai út của tôi (cũng bày đặt theo nghề viết văn, làm báo) đem về cho tôi đọc những cuốn hồi ký của các ông Trần Văn Khê, Sơn Nam…., và thuyết phục tôi hãy cho in một phần những gì mà tôi viết, để người đọc có thêm một ít tư liệu về một quãng thời gian lịch sử đã qua và chia sẽ đôi điều với những tâm sự đời tôi, một người viết văn đã đóng góp ít nhiều trong đời sống văn chương – báo chí của miền Nam Việt Nam trước 1975. Họ trò tôi trong ngày họp mặt mừng sinh nhật tôi đều ủng hộ đề nghị đó của nó. Rồi nhà xuất bản cũng đặt yêu cầu….

Cuối cùng các bạn đã có cuốn sách trên tay. Những gì tôi muốn nói, muốn kể với các bạn về cuộc đời tôi, hầu như đã có đầy đủ trong những trang giấy này. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã giành thời gian quý báo để nghe tôi truyện trò ,tâm sự. xin cảm ơn tất cả những người đã giúp tôi sắp xếp, hoàn chỉnh bản thảo và giúp đỡ cho ra đời cuốn sách sau cùng này của đời tôi. Nhìn lại, tôi thấy mình quả đã may mắn. Xin cảm ơn tất cả các bạn đọc…

TP.HCM, ngày 1-8-2002

Tùng Long – Lê Thị Bạch Vân

CHƯƠNG 1. THỜI THƠ ẤU

Cha ơi! Hôm nay con đứng ở hành lang cư xá nhìn xuông sân thấy mấy đứa trẻ đang xúm nhau dán diều, rồi sau đó chúng xách con diều giấy chạy qua chạy lại cho diều lấy đà để bay bổng lên không, con bỗng nhớ cha vô hạn. Thời gian trôi qua mau quá cha nhỉ, mới đó mà đã 75 năm! Con đã già, hơn tám mươi tuổi rồi, còn cha đã ra người thiên cổ từ lâu (cha mất năm Bính Thân – 1956).

Hồi con mới lên năm tuổi, cha từ Đà Nẵng đổi vào Tam Quan, một huyện miền biển của tỉnh Bình Định. Mới năm tuổi nhưng con đã biết đọc biết viết do cha dạy. Suốt thời thơ ấu và niên thiếu con, cha luôn luôn là ông thầy nhân từ mà cũng rất nghiêm khắc. Với năm tuổi ấy, con được cha dạy rất nhiều, nào những bài thơ dạy con của Nguyễn Trãi, những bài ca trù con thường nghe cha đọc, cho đến những bài hát bộ mà khi hứng lên cha hát và phùng man trợn mắt như một Lưu Bị hay một Địch Thanh.

Mỗi sáng sớm, vào lúc năm giờ, con thường theo cha ra biển để thả diều ô. Diều của cha là một con diều lớn, làm bằng những miếng tre vót kỹ, có hình thù một con chim, với đôi cánh dài và cái đuôi như cánh quạt, được bồi bằng những tờ giấy màu thật đẹp. Hai cha con , cha đi trước cầm con diều, con đi theo sau ngắm vầng thái dương mới ló dạng ở chân trời. Gió biển buổi sáng thật mát, thật trong lành và mặc dù phải dậy sớm, trong khi mẹ con còn ngủ với em, con vẫn tỉnh tào và chạy lạch bạch theo cha, lòng vô cùng thích thú.

- Cha ơi! Hôm nay trời mát quá cha nhỉ?

- Mau lên con, gió đang lên, diều sẽ bay cao…

Bãi biển với những cồn cát rất quen thuộc với tôi, nhưng mỗi ngày tôi luôn khám phá ra một chuyện gì đó rất mới mẻ để mà theo đuổi trong khi cha tôi đang điều khiển sợi dây cước cho diều lên, lên cao, lên cao. Tôi đi tìm những ổ trứng của các con chim biển đẻ trên bãi cát. Chim chỉ cần bươi một cái hộc cạn rồi đẻ. Có khi tôi lượm được ba trứng, có khi năm, và sau đó cắc ca cắc củm đem về luộc ăn. Có khi tôi tìm thấy cả một đống trứng ba ba hay con vít, làm dấu để đó, không dám hốt, chờ khi cha tôi cuốn dây cước, hạ diều xuống, hai cha con mới hốt về. Thế là được một bữa ăn lạ miệng. Khi không tìm được trứng chim, tôi đi hái những trái ma vương chín ở các bụi gai mọc rải rác trên bãi biển, dưới chân các nống các. Trái ma vương có mùi thơm, ngọt ngọt, chua chua, ăn rất dòn và ngon hơn cả trái sơri. Gặp mùa, tôi hái bỏ đầy cả hai túi áo. Khi về, hai cha con vừa đi vừa ăn thật thích thú.

Cha tôi thỉ thả diều đến sáu giờ hơn, khi mặt trời đã đã lên khỏi chân trời và rọi sáng mặt biển, vì cha tôi còn phải về ăn sáng rồi đi làm việc.

Sáng nào cũng vậy, nếu trời không mưa là cha con tôi đi thả diều. những buổi sáng ấy là những ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi, sau này và mãi mãi không bao giờ tôi tìm lại được.

Cha tôi làm thông phán ở Sở Thương chánh Tam Quan, ngày nay đó là công việc của một viên chức hải quan lo chuyện xuất nhập của ghe thuyền. Sở nằm trên một ngọn đồi cao nhìn ra biển và nhà của chúng tôi ở cách đó một cây số. Sở làm bằng bê-tông cốt sắt, còn ngôi nhà của cha tôi gồm ba gian một chái, một bếp lợp tranh, nền xi măng, lát gạch, nằm giữa một ngôi vườn rộng và quay mặt ra sông, quay lưng ra biển. Trước nhà là một con đường đất bằng phẳng chạy dài, một bên là con sông, một bên là hàng dừa ngút ngàn. Ngoài cổng nhà là một giàn thiên lý, đêm đêm hoa toả hương thơm cả xóm.

Cha tôi rất thích trồng cây, nhất là hồng, đủ thứ, đủ màu. Có lẽ cha tôi mạng thủy nên hễ cây cha tôi trồng là tươi đẹp và lắm bông. Phần tưới cây là phần của tôi, cha tôi mua cho tôi một cái đồ tưới nhỏ, vừa với sức của tôi để tôi sáng và chiều tưới những chậu hồng nhung, những bụi tường vi dọc rào và những chậu mẫu đơn. Cha tôi dạy tôi sử dụng cái bay để xới đất: “Phải xới đất để rễ cây thở và cây xanh hơn”.

Cha tôi nói: “Hồng nhung là biểu tượng của sự trung trực, hồng trắng sự trinh bạch, còn hồng vàng là sự phản bội”.

Tôi hỏi:

- Vậy sao cha trồng cả hồng vàng làm gì?

Cha tôi nói :

- Vườn hoa cũng như trường đời, có người trung trực, trinh bạch thì cũng có kẻ phản bội, vô ơn bạc nghĩa… Ra đời phải biết phân biệt ai tốt ai xấu con ạ.

Có lần tôi nói:

- Con thấy hoa mẫu đơn chả thơm tho gì sao cha trồng làm gì vậy?

Cha tôi liền đọc:

- Mẫu đơn thiên hạ xôn xao

Ham mùi phú quí biết bao nhiêu người

Rồi cha nói:

- Vườn hoa phải có nhiều loại, chả lẽ mình trồng toàn hồng cả sao? Huống chi mẹ con lại thích hoa mẫu đơn để ngày rằm, ngày mồng một hái vào cúng Phật nên cha trồng.

Trong những lúc đi biển, cha tôi thường kể cho tôi nghe về cuộc đời người.

Xuất thân từ một gia đình nho giáo, học chữ nho đến năm 12 tuổi, sau đó vì thời cuộc đổi thay nên đổi sang học quốc ngữ. Cũng như các thanh niên khác ở thời kỳ ấy, lòng yêu nước khiến họ do dự trước khi bước chân vào đời. Những người có sĩ khí không chịu đi làm cho người Pháp, mặc dù dù đã theo học ở các trường Pháp Việt. Cha tôi là con trai duy nhất của một gia đình. Ông nội tôi quê từ Nghệ An trong một chuyến đi buôn vào Hội An, gặp bà nội tôi, rồi định cư ở đó. Ông nội tôi rất giỏi võ, mấy đời các ông trong gia tộc đã làm quan võ dưới trướng ngày Lê Văn Duyệt. Đến đời ông nội tôi vì không muốn làm cho Pháp, nên bỏ đi buôn với chiếc ghe bầu, từ Bắc chí Nam.

Bà nội tôi là một người đàn bà đảm đang và có tài nói năng hoạt bát, từ khi còn con gái đã buôn bán giỏi có tiếng. Bà chuyên đón các ghe ngoài Bắc vào hay trong Nam ra cửa bể Hội An để mua cả chuyến hàng trên ghe như lúa gạo, hột vịt trong Nam, mạch nha, tương ngoài Bắc. mua như vậy chỉ cần nhắm hàng trả giá tổng quát, khi chủ ghe chịu thì bà đứng ra kêu các hiệu buôn bán lại. Xong đâu đó mới nộp tiền cho chủ ghe, buôn lối ấy gọi là buôn kiểu đầu nậu.

Với cái nghề ấy bà tôi gặp ông tôi trong một chuyến ông tôi chở đường và tương ra Bắc vô Nam. Và rồi người cảm tài, kẻ phục đức, hai bên đã xây tổ ấm ở một làng tên gọi Hội Sơn gần Bàng Thạch, cách Hội An một buổi đò dọc.

Ông nội tôi ngày trứơc cũng như các cụ khoa bảng đều có chân trong trong các hội chống Pháp bằng cách làm việc, dành dụm tiền đóng góp cho Hội để đưa người ra nước ngoài vận động cho phong trào chống Pháp. Để tìm thêm hội viên ở khắp các tỉnh miền Trung. Vì vậy cha tôi khi còn đi học đã gia nhập phong trào Duy Tân, theo các bậc đàn anh làm chính trị, và sau khi học xong, cha tôi vẫn không chịu làm cho Pháp. Khi bà tôi còn buôn bán, gia đình tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ xài, việc cha tôi phải tìm kế sinh nhai bà tôi không quan tâm cho lắm. Khi còn buôn bán, bà tôi là người nổi tiếng là giàu lòng từ thiện. Mấy làng ở Hội An, như Hội Sơn, Bàch Thạch, chợ nội Rang…, không ai là không biết tiếng bà Quyền. Cứ đến ngày mồng một và ngày rằm là bà tôi sai một người chú bà con của tôi và cũng là người làm vườn, săn sóc nhà cửa cho bà tôi, nấu chè, nấu xôi múc ra, đĩa bát bày đầy cả ba nong sắp giữa sân rồi kêu những người đi xin ở các chợ về ăn. Họ có thể kéo đến bất cứ giờ nào, cứ tự tiện ngồi vào các chiếc chiếu trải ngoài sân và muốn ăn bao nhiêu cũng được. Cứ thế bà tôi đã làm công việc từ thiện ấy suốt cả thời gian bà tôi còn ăn ra làm nên. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần theo cha về thăm ông bà, tôi đã chứng kiến được cảnh ấy…

Nói đến chuyện đi tăm ông bà cả chuỗi dài kỷ niệm của một thời thơ ấu êm đềm vô giá. Trước khi cha tôi vào làm ở Tam Quan, thời thơ ấu của tôi đã trải qua trên thành phố Đà Nẵng, con sông Hàn, ở làng Trẹm của bờ biển Đà Nẵng.

Lúc ấy là lúc ông bà tôi gặp một chuyện tai biến, bao nhiêu tiền của bị mất sạch vì mấy chuyến buôn bán thua lỗ, mà nguyên nhân chỉ tại chánh quyền Pháp nghi ngờ việc cha tôi gia nhập phong trào Duy Tân.

Cha tôi là con trai duy nhất nên ông bà tôi rất e ngại bị mất cha tôi, vì thế cứ khóc lóc nài nỉ cha tôi phải kiếm việc làm hợp tác vói chánh phủ Pháp để khỏi bị tình nghi và theo dõi. Vì thế cha tôi phải ra Đà Nẵng lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Không khí ở đây dễ thở hơn các tỉnh thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Các đồng chí đàn anh hiểu hoàn cảnh cha tôi nên khuyên cha tôi xin làm cho một hãng buôn của Pháp, hãng Sica làm rượu, nấu rượu bán cho dân để dễ hoạt động và cũng để che mắt bọn mật thám Tây, bọn này dạy cho cha tôi và không khỏi khen cha tôi có chí. Khi làm ở đây thì tôi ra đời, hoàn cảnh sinh sống lại càng khó khăn, nay kẻ này bị bắt, mai kẻ khác bị kêu lên Sở Mật thám để điều tra.

Về chuyện này bà nội tôi hết sức lo nghĩ, tâm thần bất an nên sinh ra bệnh hoạn, công việc làm ăn lại bị trở ngại. Ông nội tôi cứ với lai lịch ở Nghệ An, cái nôi của bao nhiêu cuộc nổi dậy chống Pháp,từ chối không chịu làm cho các quan cai trị dưới chế độ Pháp thuộc, nên lúc nào cũng bị theo dõi. Đã vậy ông tôi rất giỏi võ, một mình có thể đánh với một lũ cướp gồm hai ba chục người nên lại càng bị nghi là thuộc nhóm người võ trang chống Pháp. Bà tôi bệnh kéo dài trở thành viên phổi mãn tính, phải cần thuốc thang tĩnh dưỡng, với mẫu vườn trồng khoai, bắp và mì, thêm mấy sào ruộng không đủ cho ông bà tôi sống qua ngày, thế là cha tôi phải đi làm hãng Sica. Là một thanh niên có học, có tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, dù làm cho một hãng buôn Pháp cha tôi vẫn giữ sự ngay thẳng, làm việc siêng năng cần mẫn, nhờ vậy ông chủ hãng mấy lần đã bênh vực cha tôi khi sở mật thám bí mật cho biết cha tôi là một đồng chí của phong trào Duy Tân.

Mùa đông năm ấy, thời tiết ở Đà Nẵng rất xấu, lụt bão lung tung, nhà cha mẹ tôi ở ven biển, làng Trẹm, nên trong một trận lụt lớn đã ngập nước. Nước dâng lên cao, ngập cả sân nhà, tràn vô nhà, tràn lên giường chiếu, lúc bấy giờ cha mẹ tôi lo dọn đồ đạc trong nhà mang vào hãng gởi. Chiếu nôi của tôi treo trên cao, lúc ấy tôi mới năm, sáu tuổi, không ai ngờ nước có thể lên đến, vả lại trong một giờ đem đồ gởi xong trở về có ai nghĩ là nước sẽ dâng mau, lên đến nóc nhà hay ngập cả chiếc nôi treo lơ lửng trên cột. Cũng may lúc bấy giờ một bác nông dân trong hãng được cha tôi nhờ chạy về khuân đồ đạc bắt gặp nước đã liếm lên đáy nôi mà tôi thì cứ nằm yên, ngon giấc. Bác công nhân này vôi vàng ôm toi trùm trong chiếc áo mưa, bỏ cả đồ đạc lội về phía thành phố, cứu tôi khỏi bị nước cuốn trôi đi. Lúc bấy giờ cha mẹ tôi hoảng hốt nhớ lại chiếc nôi không biết nước có dâng cao hơn không, vội vã chạy về thì dọc đường gặp bác công nhân đang ôm tôi vào lòng, chạy về hướng thành phố.

Thật hú hồn và ai cũng bảo là mạng tôi lớn nếu không bị nước cuốn trôi đi mất rồi. Sau này mỗi lần gặp tôi, bác ấy thường nhìn mặt tôi nói:

- Không có bác thì nước lụt đã cuốn mất cháu đi rồi.

Lụt bão làm hư hại mùa màng, gây ảnh hưởng lớn ở các vùng nông thôn lân cận, vì vậy sự tiếp tế cho các đảng viên cũng gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để nuôi các đồng chí trong tù, không có tiền để giúp một số tahnh niên trong phong trào Duy Tân trốn ra nước ngoàivà cũng không có tiền để một số cán bộ nữ làm kinh tài. Trong khi làm việc ơ hãng Sica, cha tôi đã xin vào đảng Phục Hưng, lúc bấy giờ do bác Pham Thành Tài cầm đầu. Theo mẹ tôi kể lại thì mấy chú mấy bác đảng viên lấy nhà cửa của cha tôi làm chỗ liên lạc. Mỗi tháng bác Phan Thành Tài (cha của ông Phan Bá Lân và Phan Thuyết, Phan Kình, Phan Út) mang tiền từ Quảng Nam ra giao cho cha tôi (do tánh cha tôi liên khiết, cẩn thận, ngăn nắp kính đáo, nên đảng đề nghị cha tôi giữa tiền, tức là làm thủ quỹ cho đảng), sau đó có người đến lấy để lo công việc tiếp tế cho đồng đội. Mẹ tôi nói, bác Thành Tài nhét tiền trong một cái ruộng tượng dài mang quanh người, ăn mặc rách rưới, đầu đội nón lá, đi bộ từ Quảng Nam ra, di dọc theo đường rầy xe lửa, nguỵ trang như một người đi ăn xin ra tỉnh tìm việc làm. Các bác các chú mỗi lần đền gặp cha tôi rất thương tôi, ãm bồng nâng niu và không khỏi lo lắng cho cha tôi, e rằng công việc khó qua mắt bọn Tây mật thám và tôi sẽ mất cha khi còn quá nhỏ. Những chú còn trẻ chưa lập gia đình, chưa có con thì thương tôi như con. Các bác đã già như bác Tám Vận, bác Thành Tài thì con cái đã lớn, xem cha tôi như em út và mỗi lần đến là nuông chìu tôi, cho quà bánh.

Thế rồi cuối năm Ất Mão, bác Thành Tài trong một chuyên đi liên lạc các nơi bị mật thám bắt. Bác nhất định không chịu khai và bị kê án tử hình. Việc này làm một số đồng chí phải chốn chui trốn nhủi. Bác Tám Vận sai người bí mật bảo cha tôi phải cho mẹ tôi ãm tôi về quê nội (Hội Sơn, một làng ở cách Hội An hai giờ dò dọc) sống với ông bà nội tôi. Một mặt khác, các bác khuyên cha tôi thu xếp nhà cửa gọn gàng đâu vào đó, như là nhà cửa một kẻ độc thân, bao nhiêu giấy tờ liên quan đến hội, danh sách các đồng chí đều đốt hết. Ban đêm ba tôi ôm sách đi học tiếng Pháp với tụi lính Tây trong đồn như cũ, như không có chuyện gì xảy ra.

Khi mẹ tôi ãm tôi về quê nội thì cha tôi liền thủ tiêu hết tất cả giấy tờ quan trọng, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Trong khi ấy bác Tám Vận và nhiểu bác khác bị bắt, bị tra tấn nhưng không ai khai cho cha tôi. Tuy vậy, lính mật thám vẫn đến xét nhà cha tôi vì biết cha tôi có quen với bác Thành Tài. Tụi nó lục lạo từ trên xuống dưới. Trần nhà, cỗng rãnh, bất cứ chỗ nào chúng nghi ngờ là lục lạo, nhưng không thấy có gì đáng nghi cờ cả. Tiền bạc thì cha tôi chỉ có năm ba đồng, sổ sách thì chỉ có tiền gởi về nhà cho ông bà nội tôi, cùng tên thuốc men mua ở tiệm thuốc tây vì bà tôi bị suyễn. Tủ giường ngăn nắp, giấy ti72 đâu vào đấy, tụi nó đành kéo nhau về đành nói với cha tôi: “Thật là một thanh niên có thứ tự”. Không có chứng cớ, họ không bắt cha tôi. Nhờ vậy một số các chú các bác làm ở các cơ quan nhà nước Pháp không bị bắt. Những bác bị bắt đều bị đày ra Côn Đảo lãnh án tù từ 10 đến 20 năm. Tôi còn nhớ khi tôi học ở trường Đồng Khánh năm 1931, trong mùa hè niên học ấy bác Tám Vận được thả về có đến thăm cha mẹ tôi và khi thấy tôi đã lớn, bác mừng rỡ cười nói om sòm, chỉ tôi và nói:

- Cái con nhỏ này hồi tụi tao tụ tập tại nàh ba mày thì mày mới có sáu, bảy tuổi. Nếu không vì mày, không thương cha mày là con một và mày là đứa cháu nọi của dòng họ Lê thì tụi tao sau những trận tra tấn xé thịt nát da thì đã khai ra cha mày rồi!

Thế là cha tôi khỏi bị tù đày nhưng điều này khiến cha tôi không khỏi áy náy trong lòng và lúc nào cũng nghĩ là mình mang cái tình che chở của bao nhiêu người đã huy sinh, kẻ bị án tử hình như bác Phan Thành Tài, bác Thái Phiên và còn bao nhiêu người bị dày ra Côn Đảo. Khi phong trào này êm dịu bớt, mẹ tôi mới đưa tôi về Đà Nẵng sống với cha tôi.

Sống trong một gia đình như vậy làm sao tôi không chịu ảnh hưởng của các bậc cha chú và lẽ nhiên tôi lớn lên trong một bầu không khí có nhiều gương tốt đẹp, đáng noi theo. Tiếc vì tôi là con gái mà ở vào cái xã hội ấy,cái xã hội bị đô hộ, bao nhiêu lớp người đã huy sinh, bao nhiêu đảng phái bị tan rã, tôi cứ thường nghe các bậc cha chú than thở: “Các bác, các chú còn không làm được việc gì! Các cháu là con gái thôi thì cứ ráng lo học hành, học công dung ngôn hạnh. Ngay như các bác, các chú và cả cha con phải tìm kế sanh nhai, phải đi làm công chứ cho Pháp. Các con của bác Phan Thành Tài còn phải để cho bọn Tây giúp đỡ đi học”. Lúc ấy tôi nghĩ: Lớp người này làm không được thì lớp người sau tiếp tục làm, miễn là tinh thần yêu nước, cái tinh thần bất khuất của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vẫn còn sỗng mãi trong đầu óc người dân Việt.

Còn bác Thành Tài khi bị kêu án tử hình thì người con trai lớn là anh Phan Bá Lân đang học ở trường tiểu học Đà Nẵng hay Hội An gì đó. Mật thám can thiệp không cho anh học, buộc nhà trường phải đuổi anh. Tôi cũng nghe các người làm ở toà khâm sứ Huế kể lại, lúc ấy anh Phan Bá Lân tìm gặp ông khâm sứ và đã giận dữ nói: “On a tue’ mon père, et on a fermé I’école à moi !” (Người ta đã bắn cha tôi, người ta còn đóng cửa trường với tôi !). Thấy thái độ phẫn nộ của anh Phan Bá Lân lúc ấy, viên khâm sứ tên Chatel-nếu tôi nhớ không lầm-đã cho anh Phan Bá Lân học lại và cũng từ đó giúp đỡ anh học cho đến thành tài. Có người còn nói anh Lân là con nuôi của Chatel. Việc ấy tôi không biết có đúng không? Nhưng theo tôi hiểu thì anh Lân nhân cơ hội này học hành thành tài và cả đàn em của anh người nào cũng có bằng cử nhân, bằng tú tài và cả các con của các anh này đều học rộng, tài cao, hiện giờ một số vẫn làm nghề giáo. Sau này vào khoảng năm 1930, anh Lân mở trường tư thục Chánh Thanh ở Sài Gòn và thu hút được nhiều giáo sư giỏi về dạy. Trong ấy có ông Phan Khôi dạy Việt và Hán văn. Anh Lân còn là bạn tâm giao của anh Hồng Tiêu, chồng tôi. Khi anh Hồng Tiêu cưới tôi, anh Phan Bá Lân đã mừng ngày cưới chúng tôi cả một giường nệm có mùng theo kiểu Tây, một cái gương to treo trên tường, và suốt những năm chúng tôi sống ở Sài Gòn vẫn gặp anh Lân rất thường.

Khi Nhật xâm chiếm Việt Nam và sau đó Mỹ thả bom ở Sài Gòn, năm 1943, tôi đưa các con về Quảng Ngãi quê chồng,mất liên lạc với anh Phan Bá Lân. Sau hiệp định Genève, tôi nghe tin anh Phan Bá Lân ở ngoài Bắc và năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, tôi nghe tin anh Lân về Sài Gòn, đôi mắt bị mù. Anh về trong Nam, nghe nói có nhờ người đi tìm nhà tôi và anh Bút Trà nhưng lúc ấy Sài Gòn đang hồi bể dâu, nên chẳng ai dám chỉ, họ sợ mang vạ vào thân. Thành ra những người bạn thân xa nhau những bao nhiêu năm vậy mà trước chuyện sống chết lại không có cơ hội gặp nhau, để cùng bắt tay nhau một lần chót. Thương tâm và cũng chua xót thật ! Bây giờ khi tôi ngồi viết những dòng này thì tất cả anh em Phan Bá Lân, Phan Kình, Phan Thuyết (cựu hiệu trưởng trường Đạt Đức ở Phú Nhuận), Phan Út (cựu hiệu trưởng trường Tân Thịnh ở Tân Định) đều đã ra người thiên cổ.

Trở lại chuyện sao khi Đảng Phục Hưng bị bể bạc. Bà tôi khi nghe tin về chuyện bọn Tây đến lục xét nhà cho tôi và trong đường tơ kẽ tóc, cha tôi có thể bị bắt và bị đi đày thì đâm ra hoảng hốt, gọi cha tôi về, thuyết đủ mọi cách,nào hăm doạ bị tù đày, bỏ vợ bỏ con không ai nuôi,nào cha mẹ già không chỗ nương tựa. Lời nói không làm xiêu lòng cha tôi, thì bà nội tôi lại lấy nước mắt để cha tôi phải nghe theo. Ông tôi không hề nói gì vì ông xuất thân từ một tùy viện của ngài Lê Văn Duyệt, có võ, không thể ngăn cản con mình vì nó cũng đi vào con đường mà mình đã trải qua. Nhưng ông tôi chỉ nói là nếu không ai lo cho ông bà tôi trong lúc tuổi già bóng xế thì ông tôi sẽ trở về Nghệ An vì ngoài ấy ông tôi có cả một đại gia đình có thể sống yên thân cho đến cuối cuộc đời. Nghe thế bà tôi càng khóc lóc than thở: “Sắp mất con bây giờ lại sắp mất chồng”.

Thế là cha tôi trở lại công việc ở hãng Sica. Nơi đây người chủ Tây rất mến nể cha tôi vì cha tôi làm việc chuêyn cần thanh liêm, công nhân trong hãng cũng rất yêu mến. Mấy lần cha tôi xin thôi việc để thi vào một công sở không có liên quan gì nhiếu đến việc chánh trị như là Bưu Điện, Sở Thương chánh, hay phòng Thương mại, nhưng ông chủ hãng cứ cho lên lương mỗi lần cha tôi muốn nghỉ, để giữ cha tôi lại. Cho đến khi cha tôi thi đậu vào Sở Thương chánh Đà Nẵng, làm ở làng Trẹm, và sẵng có người chông mới cưới của dì tôi, một nhân viên có tay nghề, biết đánh máy, chịu nhận công việc của cha tôi thì ông xếp mới bằng lòng cho cha tôi nghỉ. Chuyện đổi việc làm này một phần do sức ép của bà nội tôi, muốn con làm trong cơ quan nhà nước có nhiều tiền hơn và có tương lai hơn.

Bà tôi hay tin mới yên lòng và mẹ con tôi lại từ quê nội ra sống bên cha tôi. Thời gian này tôi sống bên cha mẹ dược hấp thụ sự dạy dỗ chu đáo và tình yêu thương vô bờ bến. Tôi mãi đến bốn tuổi mới có em nên thời gian này được sự nuông chiều của cả cha nẹ lẫn ông bà nội ngoại.

Trong những năm tháng này tôi thường thao cha mỗi tuần về thăm ông bà nội tôi. Cứ chiều thứ bảy cha tôi và tôi xuống ghe-đò dọc-ở sông Hàn để sáng lại về đến Hội An, qua Bàng Thạch về thăm ông bà nội tôi. Một đêm tên sông nước, nhìn phong cảnh ahi bên bờ sông, được cha tôi kể chuyện sông nước,cuộc sống của những người chài lưới trên sông, và gặp những đêm sáng trăng thì tha hồ mà ngắm cảnh đẹp, nghe tiếng hát của các cô gái chèo thuyền, hát đối đáp với các chàng trai trên các chiêc ghe khác cùng đi về một hứơng hay ngược dòng sông. Những kỷ niệm ấy ngày nay tôi không còn làm sao tìm thấy được,những kỷ niệm ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi sau bao nhiêu vật đổi sao dời. Sáng chủ nhật ghe cập bến trước nhà ông bà tôi, cha tôi và tôi mang hành lý lên sống bên ông bà tôi suốt một ngày, để tối lại có ghe đến rước. Rồi cũng suốt đêm trên cuộc phiêu lưu giữa sông dài, trời rộng, cho đến năm giờ sáng thì đến bến chợ Hàn kịp để cha tôi về nhà ăn sáng rồi đi làm.

Với những chuyến đi ấy, tôi học được rất nhiều điều lạ, bổ ích mà các trẻ em ở cái tuổi ấy chưa chắc đã biết được. Nào cuộc sống của người mò cua bắt cá trong đêm, họ vưà làm việc vừa hát hò đối đáp, dường như không thấy được cái cảnh lấy đêm làm ngày nhọc nhằn, khổ sở. Nào những con đò xuôi ngược, họ quen nhau vì thường gặp nhau trên đoạn đường này. Mỗi lần gặp nhau họ kêu ơi ới, chào hỏi vui vẻ. Có ghe câu được cá liền ném qua cho các ghe chưa có gì để nấu buổi cơm tối cho khách trên ghe. Thường thì chúng tôi được mời ăn cháo lúc mười giờ đêm, gọi là ăn khuya, món cháo cá vừa câu được, hay cua tôm mua được của những người đi mò dưới sông. Sống ở thành phố, có biển, có hàng phi lao vi vu của bãi tắm Đà Nẵng, có sông có núi, tôi về quê được sống với những người nông dân chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt quanh năm, tôi có thêm nhiều kiến thức. Tôi chứng kiến những bữa cơm đạm bạc của họ. Một rổ rá cơm ghế khoai lang hay ghế bắp, thường thì khoai hay bắp nhiều hơn gạo, với một tô mắm cá cơm đã mặn còn bỏ thêm một vốc muối, ít khi có rau và chỉ có những quả cà pháo bỏ trong mắm. Vậy mà người nào người nấy ăn rất ngon, có người ăn cả năm sáu bát, khiến tôi cảm thấy chán cơm trắng của tôi mà bà nội tôi đã bỏ đầy cá thịt không còn ngon lành, trái lại còn vô vị nữa là khác. Và tôi đã năm nỉ chú Đài của tôi, người bà con trong họ giúp việc cho ông bà nội tôi, đổi chén cơm của tôi lấy một chén cơm trộn khoai hay bắp. Chú Đài không dám đổi mà những người đến làm thuê cho ông bà nội tôi cũng không ai chịu đổi. Tôi năm nỉ mãi và cuối cùng tôi cũng đạt được ý muốn trẻ con ấy. Nhưng mà mấy người này khuyên tôi nên bưng cơm ra bụi tre mà ăn đừng để ông bà tôi thấy. Ôi! Cái hồi đó tôi thấy chén cơm ghế khoai lang hay ghế bắp sao mà ngon đến thế! Sau này khi tôi đưa các con tôi về Quảng Ngãi, rồi tản cư lên Mỹ Thịnh, vì đồng lương của tôi chỉ đủ mua có hai mươi ngày gạo, đó là không nói đến thức ăn, tôi phải thêu may mướn mới có tiền mua thịt cá. Còn mười ngày gạo kia phải thêm bắp hay khoai lang khô vào cơm. Mấy đứa con tôi chẳng đứa nào chịu ăn bắp ăn khoai mà lừa lại, bới toàn cơm không.

Bà tôi bị suyễn vì vậy mỗi lần cha tôi về đều có mang theo thuốc xông hạ cơn, trà tàu cho ông tôi và dầu bạc hà hiệu Khuất Thần cho bà tôi nữa. Ngoài ra còn có những thứ như lạp xưởng, giò lụa hay khô bò, thịt chà bông mà mẹ tôi đã thức cả đêm trước để làm bỏ vào các hũ, lọ.

Tôi còn nhớ có lần cha tôi không tìm ra loại thuốc suyễn dùng để xông cho hạ cơn nên khi về thiếu món này thì bà tôi giận bắt cha tôi nằm xuống đánh mấy roi. Ôi! Giáo dục gia đình thật nghiêm khắc. Bà tôi là người sâu sắc, ban ngày ban mặt mẹ tôi có làm gì lầm lỗi, không vừa ý bà thì bà chẳng bao giờ rầy la ngay, chờ lúc đêm khuya thiên hạ hàng xóm đều an giấc, kẻ ăn người ở trong nhà đều ngủ yên,lúc ấy mới kêu mẹ tôi dậy, bảo cha tôi cũng đứng một bên mẹ tôi để nghe bà tôi dạy bảo bổn phận làm dâu, làm vợ.

Bà tôi có tánh sạch sẽ đến ai cũng phải nể. Nền nhà bằng đất, đâu phải nền gạch hay nền xi măng, mà mỗi khi đặt chân xuống nghe có cát đất là bà tôi bắt chú Đài của tôi phải quét lại nhà. Bà tuy rất thương tôi nhưng không hề bồng ẵm, chỉ vuốt tóc hay hôn nhẹ lên má tôi. Trên bờ ao ngoài vườn là một bụi tre lớn rậm rạp để che mắt cho người nhà khi ra lấy nước tưới cây hay rửa ráy đồ đạc, vậy mà mỗi ngày chú Đài hai ba lần phải vớt lá khô để nước ao được sạch sẽ, khỏi ủng hôi vì lá úa.

Sau này mẹ tôi cũng học được tánh sạch sẽ, ngăn nắp của bà tôi, và chị em chúng tôi cả thảy bảy người con gái cũng sạch sẽ, ngăn nắp, như manh trong người dòng máu di truyền của bà.

Cha tôi và tôi mỗi tuần, dầu mưa hay nắng, ấm áp hay giá lạnh đều làm một cuộc hành trình trên chuyến đò tre như thế, cho đến khi tôi lên năm tuổi. Có lẽ vì tình hình chánh trị lúc ấy trở lại lộn xộn nên bà tôi mới để cha tôi thay đổi chỗ làm. Nhân có một người bạn làm ở Sở Thương chánh Tam Quan (một huyện nhỏ ở Bình Định) muốn về Đà Nẵng, cha tôi đã bằng lòng xin hoán đổi. Đi xa như vậy theo tôi biết cũng là một sự bất đắc dĩ, vì cha tôi là con trai duy nhất, bà tôi lại đau ốm, từ Tam Quan ra Đà Nẵng xa lắm, đâu có thể mỗi tuần về viếng an bà tôi.

Thế là cha mẹ tôi đưa tôi và em gái tôi vào Tam Quan, và cuộc đời thơ ấu của tôi bước vào giai đoạn khác. Những chuyện tôi viết trên đây về những lần đi thả diều ở bãi biển là ở thời điểm này. Thời kì sống ở Tam Quan là thời kì êm đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Ở đây tôi bắt đầu học đọc học viết, giúp cha trồng hồng và săn sóc đủ loại hồng mà cha tôi đã kiếm giống về.

Tôi đã nói nhiếu về cuộc sống ở Tam Quan, nhưng viết mấy tôi cũng cảm thấy chưa đã chút nào. Vì chính nơi này, những năm tháng sống ở nơi này, tôi thấy tôi ở gần với thiên nhiên và cảm nhận một cách tự nhiên cái đẹp của sông núi của cát đất, của cây cỏ, của tìngh người mộc mạc, của những kẻ suốt đời chỉ biết làm việc và làm việc… Là tất cả những gỉ tôi cảm nhận lúc ấy. Tôi cũng chưa hiểu rõ tình yêu quê hương. Sau này lớn lên tôi mới biết quê hương của mình thật đáng yêu và không đâu đẹp bằng quê hương của chúng ta cả.

Từ thuở nhỏ, tôi đã sống với sách báo, thơ văn, vì cha tôi lúc ấy một công chức Sở Thương chánh bất đắc dĩ, nên ngoài những giờ làm việc ở sở ra, cha tôi đọc báo, đọc sách, và viết những bài báo gởi ra Bắc cho báo Nam Phong của Phạm Quỳnh hay Hữu Thanh của Tản Đà. Cha tôi mua thật nhiều sách báo lúc bấy giờ, để đầy các tủ, và mẹ tôi lãnh phần chăm sóc đống sách báo ấy không cho mối mọt gặm nhấm. Cứ mỗi tháng một lần, mẹ tôi chọn ngày nắng ráo đem ra phơi, và cái phần trông chừng sách, lại là phần chủ tôi. Với những ngày phơi sách, tôi cứ cắm đầu đọc các tờ báo, các quyển sách, và có khi say mê đến nỗi ngồi ngoài năng mà không hay biết.

Cha tôi rất nghiêm như không nóng nảy. Mẹ tôi rất nóng tánh, khi giận lên là gặp roi quất roi, gặp cán quạt là khẻ, nhưng tôi không hề một lần nào bị đánh hay bị khẻ. Có lần tôi ra sân mải mê cất những ngôi nhà bằng cát, quen cả giờ đi tắm, bị mẹ tôi đập mới cái là cha tôi không bằng lòng, bảo “Đừng đánh nó !”. Từ ấy tôi không bao giờ bị đánh.

Một dịp phơi sách là một dịp đọc say mê, đọc mà đôi khi chưa biết những trang sách quá khó đối với cái tuổi quá nhỏ của tôi, nhưng tôi vẫn đọc. Vì vậy tôi rất thích văn chương. Chiều chiều sau giờ ở sở về, cha tôi dắt tôi cùng người cậu em của mẹ tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, đi dạo trước hàng dừa, vừa đi cha tôi vừa kể cho tôi và cậu tôi nghe những bài ngụ ngôn của Fontaine, những bài trong tập Nhị thập tứ hiếu, hay đọc những lời giáo huấn của Nguyễn Trãi…

Tuổi thơ bình thản, ngày tháng trôi qua êm đềm như vậy, đã gây trong đầu óc tôi nhiều cảm nghĩ về thơ văn, về sách vở. Thấy mỗi tối cha tôi viết bên ngọn đènmanchon, tôi rất muốn viết như cha tôi lúc bấy giờ, và có lẽ mầm văn chương đã nảy nở trong đầu óc tôi lúc ấy.

Sáu, bảy tuổi, tôi đã quen với những bộ tiểu thuyết Tàu, mà mỗi lần mẹ tôi bận may, bảo tôi đọc mẹ nghe những trang Mạnh Lệ Quan. Thế là ông nội tôi đề nghị phải dạy tôi học chữ nho, không cho tôi được tự do ngao du sơn thuỷ theo kiểu của tôi , đi bắt bướm, gài bẫy những con ong mun, hay chạy đua với lũ trẻ trên con đường trước nhà, rợp mát bởi những hàng dừa xanh tươi. Con gái gì mà đi chơi ngoài nắng suốt ngày, đen như chà và. Tôi bắt đầu học Tam Tự Kinh từ đó. Tập viết chữ vói cây bút lông. Nét nào phải viết trước, nét nào phải viết sau tôi không cần để tâm, tôi viết như vẽ, muồn vẽ sao cho có chữ thì thôi, thì bị ông tôi rầy la, ghép vào khuôn khổ. Tôi chỉ học được vài năm, ngày dăm ba chữ. Trong khi đó tôi còn phải chỉ cho ông tôi đã gần 80 tuổi học chữ Việt. Và chiều nào cũng vậy, ông tôi dẫn tôi và chú Huấn,cậu Sắc tôi ra bãi biển. Trong khi chú và cậu tôi tắm biển, đá banh, thì tôi lại đọc Mạnh Lệ Quân (Tái Sinh Duyên) hay chuyện Chiêu Quân Cống Hồ cho ông nôi tôi nghe. Ông tôi già nhưng đầu óc rất trẻ trung, thích sống hợp trào lưu, và ông tôi vốn là người ở Nghệ An vào Quảng buôn bán, gặp bà nội tôi rồi lập nghiệp luôn ở đấy. Tôi thấy ông tôi ngồi tập viết chữ quốc ngữ mà không khỏi khâm phục.

Hai năm sau tôi phải ra Đà Nẵng học và không còn học chữ nho với ông tôi nữa

Tôi sở dĩ nói dông dài như thế để các bạn thấy tôi đã nuôi mộng viết văn từ khi còn quá nhỏ, chưa có một khái niệm gì về tình ình đất nước cũng không hiểu tại sao cha tôi, một người Việt Nam lại phải làm việt dưới quyền một người Pháp. Và trên đất nước mình lại có những người Pháp ăn trên ngồi trước, coi dân Việt Nam như cỏ rác.

Khi còn nhỏ, tôi thường được bà con và những người quen nhận xét là tôi rất lì, không hề sợ những lời nhát ma hay đe doạ. Đêm tối ở thôn quê, cha mẹ sai đem quà cho một nhà xa ở trong xóm, tôi vẫn đi. Tôi còn nhớ có lần lúc ấy tôi mới lên sáu, bảy tuổi gì đó, cha mẹ tôi bưng một thố chè qua nhà chú Phán làm cùng sở với cha tôi (ở Tam Quan), hai bên đường là những hành dừa cao vút và phía trước là dòng sông chảy lững lờ. Tôi vừa ra khỏi cổng, cách nhà độ 15 thước, bỗng một bóng người to lớn từ đâu chạy xô đến cười hăng hắc và ồ ề nói: “Con nhỏ kia, đi đâu đó, bưng cái gì ngon vậy, đưa cho tao ăn mau !. Tự nhiên một laính tính báo cho tôi biết người này không phải là ma, cũng chẳng phải kẻ gian, kẻ cướp, mà là một người hàng xóm có tánh hay đùa giỡn, phá phách ổi tiếng ở đây, tên là Thiện. Tôi đứng ngay lại và nói: “Chú thiện đừng hòng doạ nạt tôi. Chú mà ù tôi, tôi liệng thố chè này vào người chú liền bây giờ!”. Chú Thiện nghe vậy cười lớn: “Con nhỏ này gan thật, tao chịu thua đó”. Khi đi về, tôi liền kể cho cha mẹ tôi nghe. Cha tôi nói “Giỏi đó!”, rồi kêu chú Huấn tôi lên và nói: “Em thấy đó, con Vân có sợ ma như em đâu”.

Trườc đó, hễ trời tối là chú Huấn tôi, lớn hơn tôi độ năm tuổi, không bao giờ dám ra ngõ hay đi quanh nhà. Chú sợ ma ghê lắm. Có lần cha tôi sai chú ra ngoài cổng coi ai gọi ngoài đó, chú không dám đi, phải nhờ tôi. Buổi tối chú thường rút dưới nhà bếp với vú Lạc, không dám ngồi ở cái chòi phía nhà sau mà học, vì cái vòi này xây mặt ra biển, mà trên bãi biển có bãi tha ma. Để trị tật sợ ma của chú, cha tôi hay trói chú ngoài cổng, chú khóc lóc van xin mấy cha tôi cũng không tha. Nhưng rồi cái tánh sợ mà của chú vẫn không chừa được. Tôi thì lại thích những đêm trăng ra ngoài đường ngồi dưới gốc cây dừa nhìn trăng và nhìn ra sông xem các con thuyền đi đánh cá…

Ôi! Viết sao hết những kỷ niệm của những năm tháng ở Tham Quan, ở làng Thiện Xuân, một vùng đất dưới sông, có biển, cồn cát, hàng dừa. Tam Quan là xứ dừa mà. Công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tham Quan. Mà thời kỳ này tôi đã bắt đầu học, đọc sách và cái tính ham thích văn chương cũng khởi động trong tôi lúc ấy. Cha tôi là một người ham học, mê đọc sách nên không có sách nào vừa xuất bản mà cha tôi không mua. Cha tôi mua cả các loại ngoài Bắc, trong Nam, báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, báo Hữu Thanh của Tản Đà, các báo hằng ngày nhưTrung Bắc Tân Văn, Lục Tỉnh Tân Văn… Cha tôi cắt những bộ tiểu thuyết đăng mỗi ngày (feuilleton) trên các báo, đóng thành sách như các bộ Tài Sanh Duyên tức Mạnh Lệ Quân và Phi Giao Hoàng Hậu, Chiêu Quân Cống Hồ, Bình Sơn Lãnh Yến do Đỗ Mục dịch từ các tiểu thuyết Tàu. Những chuyện này đã in sâu vào đầu óc trẻ thơ của tôi, đề cao vai trò của người phụ nữ ở xã hội, lòng trung hiếu của người dân trong một nước và nhất là chuyện Bình Sơn Lãnh Yến với các nâhn vật Bình Như Hành, Sơn Đại, Lãnh Giáng Tuyết và Yến Bạch Hạm với tài nhả ngọc phun châu khiến tôi thấy cái thú làm thơ viết văn là con đường chắc sau này tôi phải chọn. Bao nhiêu hoài bão để trở thành nhà văn đã nảy sanh ra từ lúc đó. Lại thêm những ngày thơ ấu sống với thiên nhiên, đã có tôi một tâm hồn thật bình thản, thật tự tin và cũng thật muốn phục vụ, phụng sự cho một cái gì đó cao đẹp mà tuổi còn nhỏ cũng chưa hiểu rõ lắm đó là cái gì, từ trong bụng mẹ đã mang giòng máu yêu nước của cha, sự đấu tranh để khỏi làm người dân nô lệ, ra đời trong tình yêu thương cha mẹ, ông bà, được dạy dỗ đầy đủ và ngay từ lúc tập tành đi hay bập bẹ nói đã học được những kiến thức mà một đứa bé khác dù sống trong giàu sang phú quí ở thành thị cũng không bao giờ có được. Khi ngồi trên chiếc ghe đi trên sông để về thăm ông bà nội, cha con cùng ngắm trời sao, sông nước. Cha tôi chỉ có tôi sao Bắc Đẩu, sao Nam Tào, rồi sao Thần Nông, sao Hôm, sao Mai, giải Ngân Hà, và kể nào chuyện Chức Nữ Ngưu Lang, kẻ đầu sông Thương người cuối sông. Gặp những đêm sáng trăng thì kể chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa, chị Hằng trên Nguyệt Điện.

Chính những chuyến đi này và nhiều chuyến đi khác mà tôi đâm ra thích đi du lịch.

Ngày nào cha tôi cũng dạy tôi học, biết đọc, biết viết, biết cả bốn phép toán nhưng mới năm tuổi thì làm sao vô lớp năm (tức lớp 1) bây giờ. Hồi đó chưa có những lớp mẫu giáo, học sinh ở phần đông tuổi nhỏ học chữ Hán, không học ở các trường tiểu học nên vô học chữ quốc ngữ rất trễ. Mãi đến năm tôi lên sáu mới vào trường tiểu học, mà là học chung với bọn con trai. Thấy tôi nhỏ, học giỏi lại được thầy cưng, các học trò trai thường tìm cách ăn hiếp, khi thì ăn cắp bình mực khi giấu quyển tập, khi ra về thì bắt nạt đủ điều. Lúc đầu tôi còn nhịn vì giáo dục gia đình không cho phép tôi hung dữ, cãi cọ, gây gỗ với bạn bè, nhưng lần lần không chịu được sự ăn hiếp, tôi phản đối kịch liệt, không sợ ai, hễ gặp cái gì tôi liệng cái ấy, có lần tôi liệng cả bình mực vào đầu một nam học sinh có tiếng là rắn mắt, khiến cả bọ thấy làm ngạc nhiên. Nhưng tôi vừa liệng bình mực vừa hô hoán để thầy nghe vào can thiệp vì là giờ ra chơi. Những đứa học trò ngày thường ăn hiếp tôi, tưởng tôi hiền, nay thấy tôi chống cự lại thì không khỏi nể nang, sửng sốt. Chúng còn nể nang vì học thua tôi. Những bài toán chúng làm không ra phải cầu cứu đến tôi, những bài luận văn cũng nhờ tôi viết.

Từ khi biết chạy cho đến lớn rồi ra đời, tôi chưa hề bị một lần cha mẹ đánh đập, cha tôi rất yêu thương tôi, đến nỗi mẹ tôi cũng phải nể tôi mà không nỡ đánh.

- Nó là con cưng của cha mày.

Mẹ tôi thường nói với em tôi nhưng thế. Và các em tôi, tám đứa đều sợ tôi và răm ráp nghe theo lời tôi.

Cho đến những người giúp việc khi học lầm lỗi gì, đều cầu cứu đến tôi để khỏi bị quở phạt.

Cha tôi thích ăn cơm nhão, mẹ tôi lại thích cơm khô. Nấu cơm để vừa ý cả nhà tôi, chị bếp phải có một nghê thuật riêng trong khi cơm vừa cạn. Nhưng rủi lần nào cơm bị khô, cha tôi tỏ vẻ không bằng lòng là tôi nói liền: “Thưa cha, tại con coi chừng nồi cơm cho chị bếp, vì con nhờ chị đi mua cho một trái dừa”

Chị bếp đã năn nỉ tôi phải nói như thế và cha tôi không còn bực mình nữa.

Chuyện cơm khô, cơm nhão là chuyện nhỏ, còn chuyện quan trọng hơn tôi cũng đứng ra gánh để những người giúp việc trong nhà khỏi bị rầy.

Có lần cha tôi lên phố mua cây đèn manchon, lúc ấy nhà ai có cây đèn manchon kể như là sang lắm. Cha tôi rất tự hào khi mỗi đêm thắp cây đèn sáng toả khắp cả phòng. Rồi cha tôi đọc sách đọc báo, mẹ tôi vái may bênh cạnh, tôi làm bài nơi bàn, các em tôi chơi bên thềm nhà, gia đình êm ấm, vui vẻ.

Có đêm mẹ tôi ngủ sớm với các em tôi, cha tôi đem đèn ra sân để dưới giàn thiên lý rồi ngồi gảy đàn. Cha tôi có cây đàn nguyệt, đàn những bài Hành vân, Tứ đại cảnh, còn tôi thì ngồi làm bài gần đó.

Tiếng sóng xa xa vang lại phía sau nhà, tiếng nước sông vỗ vào bờ phía trước hoà cùng tiếng đàn khoan nhặt của cha tôi giữa đem khuya, thật dễ xoa diệu những tâm hồn mệt mỏi.

Cha tôi quý cây đèn lắm. Khi vô dầu cũng như khi lên đèn, cha tôi đều tự làm không sai ai, dù trong nhà lúc đó cũng có hai người chú họ của tôi được cha tôi đưa từ Quảng Nam vào để học. Một trong hai chú tôi hôm quét bù hóng gián nhện ở trần nhà vô ý thế nào mà làm bể cái chụp đèn. Chú tôi hốt hoảng khóc lóc với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng không biết làm sao. Từ nhà tôi lên phố phải qua một con đò ngang rồi còn đi đến năm cây số nữa mới tới, làm sao mua kịp mà chú tôi cũng không quen chuyện này. Tôi vừa đi chơi ngoài bãi biển về với mấy đứa bạn hàng xóm thì chú tôi chạy ra kể lể và năn nỉ:

- Cháu nhận giúm chú là cháu làm bể.

Cha tôi rất ghét ai nói láo, nên tôi hơi do dự.

Nhưng mẹ tôi nói:

- Nói láo để giúp một người khỏi bị rầy la quở trách thì không có tội đâu con.

Thế là tôi ra đường đón cha tôi. Thấy cha tôi từ xa đi về, tay cầm mấy tờ báo là tôi phóng lên phía trước, đón cha. Cha tôi vui vẻ đứng lại chờ tôi rồi câm tay tôi dắt về nhà.

- Lại chuyện gì thế?- Cha tôi hỏi khi thấy tôi có vẻ lo sợ.

Tôi ngập ngừng:

- Cha đừng rầy con thì con mới dám nói.

- Thì chuyện gì thế? Nói thật cha không rầy đâu.

Tôi nói một mạch:

- Chú Hộ quét bù hóng gián nhện, con giành cây chổi quét và vô ý làm bể bóng đèn manchon rồi!

Cha tôi khựng lại nhìn tôi rồi nói:

- Con còn nhỏ như vậy tại sao chú Hộ để con làm?

- Tại con mà !

Cha tôi thở dài:

- Tối nay không có đèn sáng rồi ! Ngày mai mới lên phố mua được.

Nói xong cha tôi lại nắm tay tôi hối hả về nhà vừa đi vừa nói:

-Một đêm với cây đèn dầu hoả tù mù cũng chẳng sao. Mình quen ăn cơm từ khi trời chưa tối, cũng không cần đàn.

Tình thương của cha tôi như vậy đó, làm sao mỗi khi nhắc đến cha, tôi không cảm thấy một cái gì xao xuyến trong tim, mặc dù hôm nay tôi đã ngoài 80 tuổi.

CHƯƠNG 2. NHỮNG NGÀY TƯƠI ĐẸP


1. CHÍN TUỔI ĐÃ XA NHÀ ĐI HỌC
Những năm đẹp nhất của tôi ở Tam Quan rồi cũng trôi qua. Tôi học đến lớp ba, lúc bấy giờ Bộ Giáo dục bày ra chuyện thi bằng sơ học yếu lược, không những học sinh có một bằng cấp để có thể tìm việc làm (vì thời ấy, học đến đó cũng đủ để xin một chân tống thư văn ở các sở vì đã có chút ít vốn liếng tiếng Pháp để nghe và hiểu người chủ sai bảo cái gì) mà còn để giúp những người lớn tuổi đang làm ở các làng xã, thi có bằng cấp mới có thể tiếp tục lo việc hành chánh.

Năm ấy tôi cũng đi thi, từ Tam Quan phải lên phủ Bồng sơn để dự thi. Cha tôi phải xin nghỉ việc để đưa tôi đi thi, đường xa mấy chuc cây số dốc đèo hiểm trở phải đi xe kéo. Lúc ấy tôi mới lên chín tuổi, vào thi thấy toàn mấy ông già lý trưởng, hương cả, thôn trưởng, thư kí ở các nha, và những người ở cỡ tuổi ba mươi, bốn mươi cũng mang giấy tờ, bút mực đi thi, tôi không khỏi lo ngại. Tôi cứ theo hỏi cha tôi, người ta lớn như vậy mà đi thi thì làm sao con đậu được. Cha tôi giải thích, người ta thi để bổ túc giấy tờ đi làm việc, còn con thi là để ghi một giai đoạn đã học qua và là nấc thang đầu tiên để con bước lên các cấp khác trên đường học vấn.

Khi ngồi trên xe, cha tôi đã dạy kĩ tên làng xã, phủ huyện, quê quán, ngày tháng, năm sinh cùng tên cha, tên mẹ. Vậy mà khi ngồi trước mặt tờ giấy mà một giám khảo phát cho để điền và làm bài, tôi quên bẵng không còn nhớ gì cả. Nhưng từ nhỏ tôi đã chẳng biết sợ ai, rất dạn dĩ. Tôi ngó qua lớp thi thấy lố nhố toàn các ông bịt khăn đóng, bên cạnh để cây dù, mà là thí sinh đồng khóa với tôi, tôi không khỏi buồn cười và cảm thấy mình nhỏ quá. Tôi liền đứng dậy lên xin phép ông giám khảo cho tôi ra ngoài gặp cha tôi để hỏi lại quêï quán của tôi, vì chỗ tôi ở hiện nay không phải chánh quán. Người ta chưa phát đề bài nên không ai làm khó dễ tôi về việc này. Tôi còn nhớ kĩ, cái đề luận hôm ấy là “Lợi ích của cây dừa”. Vì Bình Định là xứ dừa mà hằng ngày tôi được mắt thấy tai nghe về những gì mà người ta thâu được lợi với cây dừa, lá để lợp nhà, trái làm dầu, nấu ăn, vỏ để chụm, hay đập ra đánh thành cây dừa, yếm dừa, thân dừa, gốc dừa … đều có việc dùng, không bỏ một thứ gì. Nước dừa còn để uống bồi bổ con người khi mệt nhọc. Ôi thôi, tôi viết tràng giang đại hải và mấy ông bà già thấy vậy kêu nhau nói:

- Con nhỏ này, con nhà ai mà học giỏi quá vậy?

Cha tôi đứng ngoài nhìn vào thấy tôi viết không ngừng cũng yên lòng và tôi đã góp bài luận trước ai hết, được phép ra ngoài để còn thi tiếp môn toán.

Lẽ dĩ nhiên năm ấy tôi thi đậu và cũng vì có cái bằng sơ học yếu lược này mà cuộc đời thơ ấu của tôi lại đi vào một khúc quanh khác. Vì ở Tam Quan không có trường dạy cấp hai, cũng không có trường riêng cho nữ, trong khi cha tôi rất quan tâm đến chuyện đi học của tôi. Ông nội tôi cứ nói rằng tôi là con gái mà ngang bướng quá, lại thêm được cha tôi quá nuông chiều, còn mẹ tôi thì nói ở nhà không ai dám rầy la tôi, mẹ tôi còn không hề đánh tôi một cái tát nhẹ. Phải tìm cho tôi một trường nữ. Mà trường nữ phải về Đà Nẵng hay là ra Huế học trường Đồng Khánh ở luôn trong ký túc xá.

Nghe thế tôi không hề ngán chút nào, đi thì đi, miễn là được tiếp tục học, đừng bắt ở nhà vá may, thêu thùa, công dung ngôn hạnh và làm việc nhà như bao đứa con gái khác ở thời buổi của tôi.

Cha mẹ tôi đang trù tính thì bỗng xảy ra một chuyện thu xếp ở gia đình. Số là bà ngoại tôi có một cậu con trai duy nhất. Cậu của tôi vì quá được nuông chiều nên không chịu đi học, trong nhà không sợ ai, muốn làm gì thì làm, đi học muốn bỏ là bỏ; còn nhỏ, lớn hơn tôi vài tuổi, mà muốn đá banh là nhập bọn đi đá suốt ngày. Vậy mà cậu tôi chỉ sợ có cha tôi. Lúc cha tôi ở Đà Nẵng, mỗi lần cậu tôi làm điều gì sai trái, bà tôi chỉ cần nói “để tao sai đi mời anh Tường mầy về đây trị mầy mới được” là cậu tôi sợ ngay. Trong một lần mẹ tôi về thăm bà tôi và cũng thử chở cây dừa về Đà Nẵng bán giúp thêm tiền cho gia đình, bà tôi ngỏ ý muốn gởi cậu tôi vô Tam Quan ở với cha mẹ tôi. Nhưng bà tôi lại nói thêm: “Nó đi rồi chắc tao cũng buồn nhưng làm sao bây giờ, muốn nó nên người thì đành vậy thôi”.

Mẹ tôi liền đề nghị: “Hay con gởi con Vân về đây ở với má, vì trong ấy không có trường nữ mà nó thì rất muốn đi học. Đi xa nó không sợ”.

Thế là thực hiện ngay một sự trao đổi. Năm học ấy (1924), tôi ra Đà Nẵng, còn cậu Sắc của tôi thì vào Tam Quan. Tôi được vào học trường Tiểu học Nữ Đà Nẵng.
Đà Nẵng là một thành phố thuộc địa của Pháp, nên từ bậc tiểu học, học sinh đã học theo chương trình Pháp, rất có nhiều giờ tiếng Pháp. Ở đây nữ sinh lớp ba đã biết thêu may, học tiếng Pháp rất giỏi và nhiều môn khác mà khi tôi học ở Tam Quan không có, vì thế tôi không được vào lớp nhì mà ở lại lớp ba, ngoài này chả ai cần cái bằng Sơ học yếu lược cũng chẳng ai lấy nó làm nấc thang đi lên lớp nhì cả. Thế là tôi lại mất thêm một năm học lớp ba. Ở đời trong cái rủi thường có cái may. Nhờ học đi học lại cái mình đã biết từ năm nảo năm nào, thành ra mình càng đi sâu vào sự hiểu biết, cũng như sau này khi tôi đã có một vốn học Pháp ngữ, mỗi lần đọc một kiệt tác của nhà văn Pháp như Les Misérables của Victor Hugo, hay quyển Sans Famille của Hector Malot, quyển Le Petit Chose của Alphonse Daudet cũng như các tác phẩm khác, là một lần tôi cảm nhận cái hay một cách khác. Lần đọc đầu khi còn đi học, thường là để biết những câu chuyện mà tác giả kể một cách hấp dẫn. Đến khi đã lập gia đình, thường xuyên tiếp xúc với đời, tôi mới thấy tác giả viết rất thâm thúy và tôi thường rút tỉa ra bao cái hay, cái đẹp, cũng như cái xấu xa mà hoàn cảnh đã tạo ra cho con người. Rồi sau này khi tôi ngoài sáu mươi tuổi, rảnh rang không còn bận rộn với công việc, có dịp đọc lại tôi thấy quả thật Victor Hugo là một đại văn hào, Alphonse Daudet có lối viết về những năm trai trẻ thật trung thực, và Litenberger viết cho tuổi thơ vô cùng lý thú. Cứ học đi học lai một bài văn hay một bài toán, tôi lại có dịp nghiền ngẫm, mình cũng có thể tả được như họ, hay tìm ra một cách giải bài toán khác với cách thầy giáo đang giải trên bảng đen.

Nói về chuyện học ở Đà Nẵng thật là cả một khoảng đời đầy kỷ niệm thật vui và thật đáng nhớ.

Mới chín tuổi mà phải xa nhà, nhất là khi ở nhà lại là một đứa con được nuông chiều và thương yêu nhất, vậy mà khi nghe đi Đà Nẵng học, tôi rất vui mừng, bằng lòng đi ngay không một chút bịn rịn. Từ nhỏ tôi đã phải chứng kiến những cảnh ly biệt, chia tay, nên sau này ra đời, gặp phải cảnh xa người thân yêu, xa chồng, xa con cái, tôi vẫn có đủ can đảm chấp nhận, không hề than thở buồn rầu.

Lần đầu về lại Đà Nẵng để đi học, tôi được mẹ đưa đi, lo việc đơn từ và chỗ ăn chỗ ở cho tôi tại nhà bà ngoại. Bà ngoại tôi có một tiệm buôn lớn gần nhà ga nhỏ Đà Nẵng mà người ta gọi là nhà ga chợ (vì gần chợ Đà Nẵng), trên con đường ngó ra sông Hàn và đây cũng là trung tâm của thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ. Bà ngoại tôi là một người đàn bà giàu lòng bác ái, nhưng lại rất nóng tánh, đa nghi và không hề biết sợ ai. Bà tôi lấy chồng Tàu, ông ngoại tôi đã mất khi tôi ra ở đây. Mẹ tôi, dì và cậu Năm tôi đều là con nuôi của bà ngoại tôi. Bà tôi có chồng cả chục năm mà không có con, vì vậy bà tôi nuôi mẹ tôi từ tấm bé do một người đàn bà mang đến cho. Rồi năm lụt sau đó ở Quảng Nam, nhà cửa mất, ruộng vườn ngập, người ta nghèo đói không thể nuôi con, nên có người đem con cái ra Đà Nẵng bán. Bà tôi liền mua cả hai chị em con của một nông dân nghèo về nuôi. Thế là bà tôi có mẹ tôi rồi dì tôi cùng một tuổi với nhau, và cậu Năm, tất cả ba đứa con mà bà tôi đều nuôi dạy tử tế và xem như con ruột. Cả chục năm sau bà tôi mới sanh được một người con trai, đó mới là máu mủ của bà.

Mẹ tôi không đẹp, nhưng rất giỏi dang, giúp bà tôi rất nhiều trong việc nhà và việc buôn bán. Còn dì tôi rất đẹp lại còn thích ăn chơi, chưng diện. Sau mẹ tôi gặp cha tôi, còn dì tôi thì kết hôn với một người Tàu giàu có. Bà tôi thật là người hiếm có trên đời. Bà thương đám con nuôi và thương cả lũ cháu như ruột thịt. Và khi ở với bà tôi, tôi được thương yêu rất nhiều. Nhờ vậy mà tôi không nhớ nhà, sống bên bà như sống với cha mẹ. Bà thích ăn ngon và ăn toàn các thứ bổ – quen theo ông chồng Tàu của bà – nên tôi cũng được ăn uống theo bà, toàn là những thứ mua ở các tiệm Tàu: gà hầm thuốc bắc, mì thánh, cơm Dương Châu, vịt hầm măng, yến chưng đường phèn, heo sữa quay …, thôi thì đủ thứ mà từ nhỏ tôi chưa hề được ăn vì Tam Quan là một vùng ven biển toàn cá và cá.

Bà tôi rất giàu lòng nhân ái, thương người nghèo khó, nhưng rất ghét bọn cậy quyền ỷ thế. Tánh bà lại nóng nảy không chịu thua ai và rất chống đối những ai ăn hiếp bà. Vào những năm sống dưới quyền cai trị của người Pháp, ai cũng sợ bọn phu-lít (police – cảnh sát), bọn Hải quan đi khám xét các cửa hàng để đánh thuế. Vậy mà những người này phải tránh đụng chạm đến bà tôi, vì bà tôi dám chửi phu-lít trước mặt mọi người mà chẳng chút kiêng nể, khi họ kiếm cách phạt bà tôi. Riết rồi họ không dám đụng chạm đến bà tôi, và họ nói với nhau: “ Đừng có đụng đến bà Hòa Tai” (tên chồng bà tôi). Họ không bao giờ bắt nạt và ăn được của bà tôi một đồng xu nào. Nhưng bà có một lối xã giai khác, thỉnh thoảng những lúc bà vui, bà cũng mời họ vài ly rượu, hay biếu họ một món quà nếu hay tin vợ sanh con trai hay họ lên lon. Nghĩa là đừng bao giờ bắt nạt bà trái phép hay hăm dọa bà.

Tôi học ở trường Đà Nẵng, cứ Tết hay nghỉ hè là về Tam Quan sống với cha mẹ và các em. Nhưng các bạn có biết mỗi lần đi về như vậy, tôi đi với ai và về với ai không? Tôi chỉ mới chín, mười tuổi thôi mà! Tôi đi một mình! Khoảng đường từ Đà Nẵng vào Tam Quan phải đi qua Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) rồi Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ (Quãng Ngãi), rồi mới đến Tam Quan (Bình Định). Đi xe thơ (xe lớn chở thơ đi các tỉnh và lấy khách luôn), phải mất từ sáng đến tối mới đến. Nghĩa là phải ngồi suốt trên xe cả ngày. Xe chỉ ngừng ở các tỉnh lị để đưa thơ, và hành khách chỉ được xuống xe ở thị xã Quảng Ngãi, ngay tại nhà bưu điện, để ăn trưa và nghỉ đó hơn một giờ rồi đi tiếp.

Mỗi lần tôi phải ra Đà Nẵng thì cha tôi thường đưa tôi từ cửa Thiện Xuân ra nhà bưu điện Tam Quan, mua vé xe rồi gửi tôi cho bác tài xế, chọn cho tôi một chỗ ngồi ở chiếc ghế sau lưng bác, như gửi một món hàng. Tôi bình thản ngồi vào ghế, giao cái vali cho bác tài, còn mình thì giữ lại cái giỏ xách có đựng một bịch cơm và một gói thịt nướng để ăn trưa, một chai nước trà nóng cùng mấy trái chuối, cam, hay một gói bánh ngọt. Cái khăn lau mặt, vài quyển sách giáo khoa để học. Khi xe chạy, cha tôi mới về. Ai lúc ấy cũng bảo tôi quá gan lì, dạn dĩ. Khi xe đến Đà Nẵng thì bà tôi đã sai người ra đón và đưa tôi về nhà. Lúc ấy tôi chả thấy có gì phải lo sợ. Tôi rất thích ngồi gần cửa để nhìn phong cảnh bên đường. Những hàng dừa bạt ngàn của Tam Quan, những bãi cát trắng xóa của Bình Sơn, những dãy núi trùng trùng điệp điệp hùng vĩ bao la thay đổi màu sắc tùy theo giờ giấc của ngày, của thời tiết. Và tôi quên tất cả những nỗi buồn xa nhà, xa cha mẹ, các em.

Khi tôi từ Tam Quan ra Đà Nẵng học thì cậu Sắc của tôi, người con duy nhất của bà tôi đẻ ra, lại được gửi vào Tam Quan để cha tôi dạy. Vốn là con cưng, cậu hư hỏng đâm ra lười biếng không chịu học. Vì cậu lúc nhỏ chỉ sợ có ba tôi, ông anh rể lớn trong nhà. Vì vậy mỗi lần tôi đi ra là cậu Sắc đi vô, mà tôi trở về Tam Quan thì cậu trở về Đà Nẵng. Xe thơ gặp nhau tại Quảng Ngãi và cậu thường ném qua xe tôi một gói bánh mì lạp xưởng hay chả lụa cùng những thứ trái cây nhập từ Trung Quốc: cam Tiều, quýt Tàu, hồng khô … Gói quà này do bà ngoại dặn cậu đưa cho tôi tại bưu điện Quảng Ngãi khi xe ra vô gặp nhau.

Ở với bà tôi, ngoài những buổi đi học, tôi thường giúp bà buôn bán. Bà tôi thường bị người dâu vợ cậu Năm lấy cắp nhiều thứ mỗi khi về thăm bà, và các chị giúp việc cũng không thành thật, họ thường lợi dụng lúc bà tôi đi mua hàng , đi chùa, … là lấy tiền, bán hàng không đưa tiền cho bà tôi. Giờ có tôi, biết tôi rất thật thà và không bao giờ xin xỏ gì cả, bà giao hàng cho tôi, hoặc các buổi trưa bà ngủ, tôi thức coi hàng và hễ bán được bao nhiêu, tôi ghi rõ và đưa hết cho bà. Vào ngày nghỉ, bà thường cho tôi đi chơi khắp Đà Nẵng với bạn bè hay với các cô giáo, vì vậy hang cùng ngõ hẻm nào ở Đà Nẵng tôi cũng biết. Tôi theo bạn bè về các vườn ăn ổi, ăn mận, hái quýt hái cam. Những năm sống ở Đà Nẵng đã mở cho tôi một chân trời mới.

Năm tôi lên lớp nhì (1ère Année) thì tôi không còn học với bà Phạm Đoàn Điềm, một giáo viên người Huế, vợ một dược sĩ có một tiệm thuốc lớn trên đường bờ sông. Bà Điềm hiền lành, dễ thương và là cô giáo đầu tiên của tôi khi bắt đầu đi học. Tôi rất thương cô giáo và những ngày chủ nhật rỗi rảnh tôi thường đến thăm cô, chơi với các con cô nhỏ tuổi hơn tôi. Giai đoạn ở niên học này không có gì là xuất sắc và những ngày êm đềm đã trôi qua thật nhanh để tôi bước vào năm học mới với thật nhiều kỷ niệm nhất của đời học sinh ở Đà Nẵng của tôi.

Cô giáo mới dạy tôi ở lớp nhì là cô Trần Phạm Thị Loan, người Nghệ An, đã trên ba mươi tuổi nhưng còn độc thân. Cô xuất thân từ trường Đồng Khánh (Huế), có tiếng là một học sinh xuất sắc, khi ra dạy là một giáo viên có tài và rất thích hoạt động, tham gia các đoàn thể thống Pháp. Vì cô tham gia vào những phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, quyên góp tiền cho các nhà chí sĩ đi du học ở Nhật, ở Tàu, nên cô bị đổi từ Nghệ An vào Đà Nẵng và còn bị chánh phù Pháp cho người theo dõi. Cô dạy giỏi, tánh tình hoạt bát, có phần bồng bột, nóng nảy và không chịu nể ai, chống đối với cả bà hiệu trưởng Casanova người Pháp, dạy lớp nhất.

Tụi mật thám Pháp thường theo dõi cô, nhưng cô cứ tỉnh bơ muốn đi đâu thì đi, thăm ai thì thăm, các nhà chí sĩ bấy giờ là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Sào Nam và cả các nhân sĩ trong phong trài Duy Tân. Cô thường dẫn theo vài nữ sinh mà cô thương và tin cậy nhất. Khi biết cha tôi cũng đã từng ở trong tổ chức phong trào Duy Tân thì cô rất thích tôi, lại thấy tôi học giỏi cả hai môn Pháp và Việt văn nên cô thường bảo tôi hãy đến chơi với cô vào những ngày chủ nhật hay chiều thứ năm. Còn những hôm dạy xong các tiết buổi chiều, cô thường hướng dẫn học sinh trong lớp ra biển chơi, hóng gió biển, lội nước. Hồi đó, các nữ sinh tắm biển không phải mặc đồ tắm hở hang như bây giờ. Chúng tôi chỉ xăn hai ống quần, quấn hai vạt áo dài gọn lại và lội nước, đùa với các đợt sóng. Như vậy cũng là quá nhiều và nếu không có cô Loan hướng dẫn thì chúng tôi không dám ra bãi biển lúc bấy giờ. Vì trường nữ của chúng tôi ở trên một gò cát gần đất thành Tây và phía sau lưng là biển. Gần trường là đồn lính Tây. Chúng tôi ít khi dám đi ngang qua đồn lính, nếu đi một mình là phải đi vòng phía đất thánh Tây để khỏi bị lũ lính Tây kêu réo chọc ghẹo. Cô Loan chẳng hề sợ bọn lính này. Hễ bị bọn nó ghẹo là cô đứng lại mắng nhiếc tụi nó là vô lễ và đòi vô mét với những sĩ quan cấp chỉ huy của tụi nó. Cô nói tiếng Pháp rất cừ nên tụi nó sợ.

Tôi còn nhớ có lần sau buổi học chiều, cô dẫn số nữ sinh ra bãi biển chơi. Thầy trò thường ngồi dưới rặng phi lao và nhìn ra biển, chờ nắng dịu bớt mới ra đùa với sóng. Khi thầy trò đang vui đùa với những con sóng đua nhau chạy vào bờ thì từ đằng xa có một bọn lính Tây, cỡi xe đạp, cũng đang đùa với sóng biển. Tụi nó thấy thầy trò tôi thì a thần phù đạp đến cố làm cho nước tung toé ướt cả áo quần chúng tôi và còn đưa tay ra vỗ vào đầu vào lưng chúng tôi ra vẻ thích thú. Có đứa còn lấy cả nón lá của chúng tôi rồi cười ngặt nghẽo. Cô Loan tức lắm, mấy lần la to mắng tụi nó vô lễ. Nhưng tụi nó chỉ nghe răng cười, tứa thì đứa nào đi ngang là cô xô chúng nó làm nhào cả xe lẫn người trên sóng. Có thằng sừng sộ đến gây với cô, nhưng cô vẫn không hề sợ, cãi tay đôi với bọn nó rồi còn lôi kéo tụi nó bảo đi theo cô về đồn để kiện cô, cô cũng không sợ. Thấ là cả bọn rủ nhau chuồn mất và cô đứng nhìn theo cười ồ lên, bọn chúng tôi cũng cười ầm ĩ. Từ hôm đó khi thấy chúng tôi ngoài biển thì bọn lính Tây kéo đi thật xa, không dám lại gần. Những cử chỉ này của cô khiến tụi tôi hết sức khâm phục. Khi bà hiệu trưởng người Pháp hay được chuyện này thì bà mời cô vào phòng hiệu trưởng, khuyên cô nên tránh đụng chạm với bọn lính Tây. Bà nói một là chúng nó ít học, thô lỗ, ỷ quyền ỷ thế. Mình chống lại với nó không ích gì. Nay mai nếu chúng nó gặp nữ sinh, chọc ghẹo trả thù mà không có cô ở đó thì chỉ phiền phức cho các nữ sinh thơ ngây yếu đuối mà thôi. Nghe bà hiệu trưởng nói vậy, cô không bằng lòng nhưng cũng hứa với bà từ rày không dẫn học sinh ra biển chơi nữa. Bà hiệu trưởng nói với cô là bà sẽ viết một văn thư cho cấp chỉ huy của đồn lính Tây yêu cầu họ phải răn dạy bọn lính thiếu lịch sự này. Lúc ấy cô Loan mới không tức giận cho rằng tụi Pháp binh nhau.

Đến năm tôi học xong lớp nhì thì lại xảy ra một chuyện thay đổi ởbộ giáo dục. Người ta bày ra hai lớp nhì, Moyen 1ère Année và Moyen 2è Année. Thế là thay vì chỉ cần học một năm lên lớp nhất, tôi phải học hai năm lớp nhì theo chương trình giáo dục lúc bấy giờ nhằm đào tạo học sinh giỏi Pháp văn để khi lên lớp nhất học toàn các môn bằng tiếng Pháp. Tôi lại phải mất thêm một năm học, nhưng nhờ vậy mà tôi rất giỏi môn Pháp văn, luôn luôn đứng nhất lớp.

Vì cô Loan dạy giỏi nên bà hiệu trưởng đề nghị cô dạy tiếp lớp nhì 2è Année. Học với cô thêm một năm nữa, tình thầy trò càng thêm khăng khít. Trong năm học này xảy ra một việc rất quan trọng. Cụ Phan Châu Trinh, một nhà chí sĩ từng đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam thời bấy giờ, bị bệnh nặng qua đời. Ở các tỉnh khắp nước, nơi nào cũng làm lễ truy điệu cụ, mà lễ truy điệu lớn nhất là làm tại Đà Nẵng, quê hương của cụ. Cô Loan đã tham gia lễ truy điệu này. Cô huy động các giáo viên và học sinh cùng cô cầm cờ đi dự lễ. Cô rất tích cực, đọc điếu văn kể cuộc đời đấu tranh vì độc lập nước nhà của cụ, cô quyên góp tiền, cô túc trực bên đám tang … Cô sốt sắng đến nỗi bà hiệu trưởng phải cảnh cáo cô, không cho cô huy động học sinh, khuyên các cô giáo khác không nên tham gia vì chánh quyền đã có văn thư ngăn cấm. Cô cứ mặc, cô vẫn tham gia, vì vậy cô bị Sở mật thám mời đến cảnh cáo mấy lần và hăm dọa sẽ bắt cô nếu cô không thay đổi thái độ và không bỏ ý định lôi kéo cả trường tjheo cô làm chính trị.

Bà hiệu trưởng đòi đổi cô đi, nhưng không có trường nào ở tỉnh chịu nhận cô về. Cô bất mãn và những hôm chủ nhật chúng tôi đến thăm cô, cô thường khuyên chúng tôi đừng đến nữa, sợ liên lụy cho gia đình chuýng tôi. Mùa hè năm ấy, thay vì về Nghệ An thăm gia đình thì cô lại nhận lời một bạn đồng nghiệp đang dạy ban tiểu học ở trường Đồng Khánh, ra Huế chơi và luôn cơ hội này thăm cụ Phan Sào Nam đang bị giam lỏng ở Bến Ngự. Khi cô đi thì chúng tôi đã học hết lớp nhì 2è Année và sau khi nghỉ hè sẽ lên lớp nhất học với bà hiệu trưởng người Pháp. Cô có vẻ rất bịn rịn lớp học cũ vì chúng tôi đã học vơi cô suốt hai năm trời. Riêng với tôi, cô rất thương.

Nhưng sau ba tháng nghỉ hè, cô lại trở về trường Nữ học Đà Nẵng và tiếp tục dạy lớp nhì 2è Année, khiến chúng tôi rất vui mừng khi gặp lại cô. Cô cho chúng tôi biết cô chỉ còn dạy ở đây một thời gian thôi, không biết có dạy hết năm không, vì cô dự định xin đổi về Nha Trang. Khi cô nói chuyện này với tôi, tôi thấy cô có vẻ hớn hở vui tươi như một thiếu nữ. Chúng tôi không khỏi lấy làm lạ và cứ hỏi nhau cô mình có chuyện gì vui vậy kìa? Hay cô sắp đi ra nước ngoài? Thực hiện được giấc mộng làm chánh trị?

Sau đó, bọn học trò cũ chúng tôi chỉ còn lại sáu đứa còn theo học lớp nhất với bà Cassnove, một số khác đã đổi ra học nghề, một số khác đã tìm việc làm để giúp đỡ cha mẹ. (Thời tôi đi học, cha mẹ ít cho con gái học nhiều. Vừa học xong bậc tiểu học đã kiếm việc làm hay lập gia đình). Bà Cassnova là một hiệu trưởng nghiêm khắc nhưng khi dạy lại rất dễ thương. Bà dạy rất nghiêm túc, khi rảnh còn dạy thêm giờ cho chúng tôi và bà tuyên bố năm học ấy trong mấy đứa chúng tôi phải có một đứa thi tiểu học đậu thủ khoa để lấy tiếng cho trường Nữ. Bên trường Nam, lớp nhất có ba bốn chục học trò, Pháo văn thì học ông hiệu trưởng Rivìere, một dân Pháp gốc Algérie hay Martinique, còn các giờ khác thì học với thầy Thái Viên, một giáo viên có tiếng dạy giỏi nhất về môn Toán. Năm học với bà Cassanova, tôi luôn đứng nhất, về nhà còn được cha tôi dạy thêm Pháp văn và Việt văn. Bà Cassanova thương tôi lắm, bà thiên vị thấy rõ, cái gì của tôi làm, viết, vẽ, bà đều cho là giỏi nhất. Năm học này, với các môn khác như khoa học, toán, sử, địa tôi chỉ cần xem qua vài lần rồi với vốn tiếng Pháp của mình, tôi đứng lên trình bày chớ không cần phải học thuộc lòng. Đó là một lợi thế để tôi có thì giờ đọc sách Pháp, tha hồ mà đọc vì cha tôi có cả một tủ sách Pháp thích hợp cho tuổi thanh niên, sách lành mạnh, cổ điển và có thể thâu lượng làm tài liệu viết văn sau này. Tôi ham mê đọc sách vào lúc ấy, có khi đọc quên cả học.

Trong thời gian này, tôi không còn gần gũi cô Loan nhiều, nhưng thỉnh thoảng vào ngày nghỉ tôi vẫn cùng vài người bạn đến thăm cô. Tôi nhận xét một điều là cô rất ít nói đến chính trị như lúc trước. Cô vui vẻ , hăng hái với công việc hàng ngày hơn, thậm chí không tỏ thái độ ghét Tây, chửi bọn quan lại như trước nữa. Tôi hơi lấy làm lạ và tự nhiên trong thâm tâm, tôi cảm thấy như bị ai đó xúc phạm, khiến không còn thích đến thăm cô thường nữa.

Trong giờ ra chơi, các cô giáo tụ họp dưới sân, người đan , người thêu, vừa làm vừa nói chuyện , cười vui không khác gì học trò. Những hôm ấy tôi để ý thấy cô Loan thường bị các cô giáo khác chọc ghẹo và cô cũng vui vẻ tham gia trò đùa của các bạn chứ không ngồi lì trong lớp như những năm trước. Có lần cô Thục, một giáo viên độc thân, giựt lấy đồ len mà cô Loan đang đan, la lớn:

- Đan cho ai mà đan hoài vậy chị Loan, áo đàn ông à? Ghê thật! Sao bí mật thế, có ông nào rồi phải không?

Rồi cô Thục giựt cho được tấm đan trên tay cô Loan. Cô loan vừa chạy vừa cười thích thú:

- Ta đã nói là đan áo cho ông anh mà!

Cô Điềm vốn rất hiền lành và nghiêm nghị, cũng xen vào nói:

- Sao hai năm nay không đan áo cho anh? Anh nào thế? Hay là tình nhân?

Cô Loan vẫn cười và nói:

- Là tình nhân thì đã sao? Ở tuổi ngoài ba mươi rồi. Các cụ cứ ép phải lo bề gia thất, không thì cấm cửa không cho về nhà nữa.

Một lần khác, các cô đuổi nhau lấy cho được bức thư của người tình cô Loan ở Nha Trang gửi vào. Thấy mấy cô vui như trẻ con, học trò cũng vui theo, nhưng không dám lại gần. Cô Loan từ dạo ấy mặt mày tươi hẳn ra, lúc nào cũng vui cười, ngọt ngào với mọi người. Chẳng lẽ tình yêu tay đổi con người đến thế sao?

Lúc ấy, bọn học trò cũng muốn biết cô Loan sẽ kết hôn với ai, người được cô yêu là ngươi như thế nào, và người ấy ở đâu, làm gì. Ở Phan Thiết, họ gặp nhau vào lúc nào? Những chuyện này biết hỏi ai đây? Cô Điềm không bao giờ chịu nói chuyện người khác. Cô Triệu thì lớn tuổi rồi, dạy lớp năm và tôi không học với cô, chỉ còn có cô Thục, không trẻ lắm, cũng đã hai bảy,hai tám tuổi rồi. Ở cái tuổi ấy, xã hội ngày xưa đã lên án là ế, là hâm đi hâm lại rồi. Thấy cô Loan đã trên ba mươi mà còn lấy chồng nên cô Thục có vẻ không vui, cảm thấy thân phận hẩm hiu của mình. Sen, một bạn thân của tôi, đề nghị:

- Mình đến thăm cô Thục để dò hỏi, Vân chịu không?

- Vân không có học với cô Thục.

- Thì Sen học. Không học cũng là học trò của trường, có sao đâu.

- Vậy thì đi.

Nhưng mới đi được nửa đường, hai chúng tôi bỗng gặp Dõng, một học sinh kém nhất lớp. Dõng bàn là cô Thục không chịu nói đâu, mình cứ đến thăm cô Điềm là biết rõ, vì cô Điềm là người Huế, cô có bà con nhiều ở Huế.

Thế là cả ba cùng đến nhà cô Điềm. Cô từ trong nhà bước ra, thấy chúng tôi thì vui mừng tiếp đón, đưa ba đứa tôi lên lầu, ngồi ngoài bao lơn ăn bánh ngọt và hỏi:

- Sao có ba em? Còn Lợi và Mỹ đâu?

Sen trả lời:

- Thưa cô, chị mỹ phải phụ mẹ bán hàng Tết. Còn chị Lợi thì sắp nghỉ học học rồi cô ạ. Chị sắp lầy chồng, một chủ ghe xuôi ngược đường Đà Nẵng, Hội An, Tam Quan buôn thực phẩm.

Cô Điềm chép miệng:

- Sao Lợi không đợi đến cuối năm hãy nghỉ, như vậy may ra có bằng tiểu học, sau này muốn xin đi dạy cũng dễ.

Rồi không nghe bọn này trả lời, cô nói:

- Ừ, mà chuyện đời làm sao biết trước được.

Sen bấm tôi, vì thấy câu chuyện đang đi vào lợi thế. Tôi liền nói:

- Thưa cô, còn chị Dõng này, coi vậy mà đã đính hôn rồi đó. Chồng là ông lớn đó cô.

Dõng véo tôi một cái nhảy nhổm. Cô Điềm vui vẻ:

- Vậy cô mừng cho em Dõng. Nhưng chờ thi xong bằng tiểu học đã nhé, chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Mà ông lớn nào vậy em?

Sen vội vã:

- Thưa cô, ông Phán Mai làm ở Sở mật thám đó.

Cô Điềm liếc mắt nhìn Dõng, rồi cúi đầu làm thinh. Ông Phán Mai làm Sở mật thám thì ai mà không biết. Ông ta có tật nơi chân, tuổi đã gần tứ tuần, có tiếng là dữ và độc ác, dựa hơi bọn Pháp hăm dọa kẻ này kẻ khác để ăn tiền.

Một lát sau cô Điềm nhìn Dõng và hỏi:

- Thế em có bằng lòng không hả Dõng?

Dõng ấp úng:

- Em năn nỉ, khóc lóc với cha mẹ để em học đến bậc trung học, ra làm cô giáo rồi hãy lấy làm chồng, nhưng cha mẹ em nói, con gái càng học nhiều càng ế chồng và đàn ông, con trai ít ai muốn có vợ đi làm, có nghề nghiệp ngoài xã hội. Ba mẹ em còn nói: Phần đông các cô mụ, các cô giáo đều ế chồng.

Dõng rất đẹp, ông Phán Mai thường đi theo Dõng những lúc Dõng ở trường về nhà. Ông chọc ghẹo Dõng không được, mua quà tặng Dõng cũng không lấy, bèn lập kế bắt anh của Dõng và vu cáo là chống đối chánh phủ Pháp, rải truyền đơn ở các làng gần đó. Thế là cha mẹ Dõng phải tìm đến ông Phán mai nhờ ông cứu đứa con vô tội. Sau đó ông Phán Mai lui tới nhà cha mẹ Dõng rất thường và ngỏ ý muốn cưới Dõng, chỉ chờ Dõng thi đậu tiểu học là làm đám cưới. Ở thời 1925, con gái đâu dám cãi lời cha mẹ. Huống chi cha mẹ Dõng lại nghèo, gả con cho một ông Phán làm Sở mật thám là một chuyện ngoài sức tưởng tượng. Đây lại là chuyện đền ơn đáp nghĩa. Câu chuyện của Dõng khiến cô Điềm rất thương cảm, nên hôm ấy cô đã thổ lộ về chuyện cô Loan mà không cần bọn tôi gạn hỏi, Mặc dù tánh cô rất ít nói, không chịu nói những chuyện riêng tư của người khác.

Cô Điềm suy nghĩ một lát rồi thở dài:

- Bây giờ có một số chị em được đi học, có nghề nghiệp ngoài xã hội, nhưng cái xã hội còn phong kiến này chưa ai thay đổi được đâu. Tam tùng tứ đức, trọng nam khinh nữ, công dung ngôn hạnh, hôn nhân cưỡng bức … Những chuyện ấy chưa có ai đứng ra bênh vực cho phụ nữ. Cả nửa thế kỷ nữa chưa chắc đã có bình quyền bình đẳng giữa nam nữ ở nước ta. Cô hy vọng ở thế hệ các em đó. Vậy mà bây giờ Dõng còn là vật hy sinh cho cái xã hội phong kiến, hôn nhân cưỡng bức, thì thật đau lòng. Không biết cô Loan khi nghe câu chuyện này sẽ nghĩ thế nào? Cô thường chống đối những chuyện như thế này lắm.

Tôi đưa mắt nhìn Sen, Sen liền lên tiếng:

- Thưa cô, cô Loan cũng sắp lập gia đình rồi phải không cô?

Cô Điềm hỏi:

- Cô Loan nói với các em à?

Sen nói:

- Thưa cô, năm nay tụi em học với bà Cassanova, nhiều bài vở lắm nên tụi em không có thì giờ đến thăm cô Loan. Nhưng mỗi lần gặp cô Loan, tụi em thấy cô vui lắm, chắc là có chuyện mừng.

Cô Điềm liền nói:

- Cô Loan sắp lấy chồng. Tết này là đám cưới, và đến cuối niên khóa thì cô sẽ đổi về Phan Thiết, vì chồng cô là một tri huyện hay tri phủ gì đó.

Rồi cô Điềm thở dài:

- Thì cũng là một chuyện cưỡng bức hôn nhân, có gì khác đâu! Thật ra cô Loan đâu có muốn lập gia đình, cô chỉ muốn làm đại sự, muốn thay đổi thế cờ, muốn giải phóng phụ nữ, muốn thật nhiều chuyện, mà rốt cuộc cũng chỉ việc có chồng, có con, làm vừa lòng cha mẹ già. Người phụ nữ Việt Nam đến bao giờ mới tiến bộ, các em nhỉ?

Khi nghe cô Điềm nói, tự nhiên tôi thấy buồn buồn làm sao ấy.

Cô Điềm nhìn tôi và hỏi:

- Vân nghĩ gì thế? Em không muốn cô Loan lấy chồng sao? Người phụ nữ chỉ có một trách nhiệm thiêng liêng và cao cả là làm vợ và làm mẹ. Dù có tạo được cho mình một sự nghiệp gì chăng nữa thì thiên chức của người phụ nữ vẫn làm làm vợ, làm mẹ. Cô Loan tâm huyết, có tấm lòng yêu nước thương nòi, sinh ra khi nước đã mất, cô cũng muốn thấy nước mình độc lập, nhưng cô là một phụ nữ, dù cô làm hết mình thì một con én cũng không làm nổi mùa xuân. Cô bị áp lực bên ngoài, mà còn bị áp lực bên trong nữa. Cô còn cha già, mẹ yếu. Cha mẹ cô nghĩ bấy lâu nay cô đã phung phí cuộc đời cô nhiều rồi. Cả trên mười năm nay, cô đã làm những việc mà xã hội lên án, gia đình phiền trách. Bây giờ, nếu cô không ngừng lại để lo lập gia đình thì sẽ rước họa vào thân. Cha mẹ đã già rồi còn bị khổ lây là khác. Cô bị gọi về Nghệ An nhiều lần, mẹ cô đã trên bảy mươi tuổi đang đau nặng và chính quyền địa phương thì cứ hăm dọa bà phải dạy dỗ con gái, nếu không sẽ bị tán gia bại sản. Trước những áp lực như vậy, cô đành ngừng hoạt động chính trị, để hết tâm trí vào việc dạy dỗ học trò. Nhưng còn lập gia đình thì ngoài ba mươi rồi, muốn kiếm một ông chồng đâu phải là chuyện dễ. Các ông giáo ở tuổi cô đều đã có gia đình. Người cô yêu ngày xưa cùng một hoài bão, một ý chí thì nay đang bị giam cầm ngoài Côn Đảo. Cô có ý chờ đợi, nhưng tình thế này làm sao mà đợi? Không thể trái lời cha mẹ bây giờ. Anh em họ hàng ai cũng khuyên lơn dỗ dành. Gia đình cô vốn là một gia đình khoa bảng, mấy đời đỗ đạt, có người ra làm quan nhà Nguyễn, có người theo cách mạng bị tù đày. Muốn lập gia đình, cô phải kiếm một ngưừi xứng đáng, có chức phận, đủ sức để che chở cô, bảo đảm an ninh cho gia đình cô. Thế rồi một người chú của cô liền làm mai cho cô một ông tri phủ, con nhà quan thế phiệt, lại xuất thân từ trường Tây. Ông này đã ngoài năm mươi tuổi, trải qua một đời vợ và có con riêng đã lớn, sống với ông bà nội và có người em đang du học ở Pháp. Với một người có đầu óc cách mạng, nuôi bao nhiêu hoài bão như cô mà nay phải về làm vợ ông chồng như vậy, chắc cô phải chua xót cho thân phận lắm. Không nói đến chuyện ông chồng đã trên năm mươi, chỉ nghĩ gia đình ông ta là tôi trung của nhà Nguyễn phục tùng bọn Tây mà cô đã bỏ suốt mười năm chống đối, cũng biết cô đau lòng đến đâu. Vậy mà vào giờ ra chơi, tôi vẫn thấy cô cười đùa một cách vô tư với bạn đồng nghiệp. Nhưng có điều này tôi không khỏi lấy làm lạ là cô không hề may sắm áo cưới, không hề nói đến ngay cưới. Bạn bè hỏi, cô thường nói: “Cũng gần rồi”.

Chiếc áo cô đan mà các cô giáo ghẹo là đan áo cho ông chồng sắp cưới, chỉ là chiếc áo đan cho cụ thân sinh. Cô nói với tôi trong một lần tôi đến thăm cô mà nét mặt không vui. Cô sợ sau này khi đã có chồng sẽ không còn dịp đan áo ấm cho hai cụ. Bọn tôi đến thăm không hề giờ dám hỏi bao giờ có đám cưới và đám cưới xong cô có còn dạy ở trường này nữa không.

Cô Điềm hôm ấy cũng chỉ kể sơ tôi nghe, tôi biết cô cũng ngậm ngùi về chuyện hôn nhân của cô Loan, nhưng cô vốn xuất thân từ một nhà quan, không có tư tưởng chống đối, quan niệm sống của cô khác hẳn với quan niệm sống của cô Loan, nên cô cho rằng cô Loan lập gia đình là phải, và lập gia đình với một tri phủ là may mắn lắm rồi. Cô Điềm là vợ một dược sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, có cửa hàng thuốc Tây, có chồng giàu, có con đi du học, cô sống trưởng giả và cô cho thế là mãn nguyện. Đối với cô, người đàn bàhoàn thành được sứ mạng làm vợ làm mẹ thì không còn gì hạnh phúc bằng. Huống gì cô, cô còn có chức nghiệp nhà giáo, một nghề cao quý!

Hôm ấy ở nhà cô Điềm ra, tôi cứ đăm đăm nghĩ ngợi. Tôi muốn tự tai nghe cô Loan kể chuyện của cô, nhưng làm sao hỏi cô được? Trước kia khi hoạt động chánh trị thì cô rất cởi mở với lũ học trò cô thương, còn từ ngày cô có vị hôn phu thì dường như cô muốn tránh xa bọn tôi.

2. THỦ KHOA KỲ THI TIỂU HỌC PHÁP Ở ĐÀ NẴNG (1930)

Tết năm ấy, trường tôi có hai cái tin không vui. Bà Casanova đang dạy chúng tôi và tôi rất yêu thương bà vì bà là một nhà giáo rất có lòng tâm và trách nhiệm. Bà lại rất yêu thương tôi. Một hôm bà vào lớp và báo cho chúng tôi biết bà không thể dạy hết niên khóa vì chồng bà đang làm tại Tòa Sứ có lệnh dời qua Algérie và lẽ dĩ nhiên bà phải đi theo.

Tụi tôi ngồi sững hồi lâu không nói lên lời. Bà liền nói tiếp:

- Các con đừng lo, tôi đã đề nghị Ty giáo dục để cô Loan dạy các con vì cô Loan dạy rất giỏi và cô cũng là một cô giáo rất có lương tâm.

Sen liền hỏi:

- Sau này bà có trở lại Việt Nam không?

Bà cười:

- Tôi rất yêu Việt Nam, nhất là học trò Việt Nam, nhưng nếu tôi có trở lại thì các con đã ra trường rồi, có lẽ có con đã làm cô giáo là khác.

Rồi bà hỏi tôi:

- Vân, sau này con làm nghề gì?

Tôi nói, giọng thật buồn:

- Con không nghĩ chuyện ấy, mà điều con nghĩ là bà đừng đổi thì con vui mừng nhất.

Bà Cassanova tỏ vẻ cảm động. Rồi ba hôm sau, đi dự họp ở Ty giáo dục Đà Nẵng về, bà không được vui lắm. Bà nói với tụi tôi:

- Rủi quá, bà tưởng cô Loan có thể thay bà lãnh dạy lớp nhất và quyền hiệu trưởng trong thời gian chưa ai thay thế bà. Ai ngờ Ty giáo dục không đồng ý cho cô Loan thay thế. Vả lại, Tết này cô Loan về Huế lấy chồng và đến cuối niên học thì cô đổi vô Phan Thiết vì chồng cô làm tri phủ ở đó.

Sen vội hỏi:

- Rồi làm sao bây giờ?

Bà Cassanova nói:

- Lớp chỉ có năm nữ sinh, nên Ty có ý định đưa các con qua học chung với lớp nhất trường Nam, do thầy Thái Viên, một giáo viên đã có thành tích dạy giỏi, số học trò đậu cao nhất ở tỉnh này.

Chị Lợi, một nữ sinh lớn tuổi nhất lớp, lại là người học dở nhất, trong khi gia đình thì nghèo, ở trên một chiếc ghe đậu ở bến chợ Hàn, liền nói:

- Tôi có ý định nghỉ học cả tháng nay nhưng thương bà Cassanova nên chưa nghỉ, nay tình thế như vầy chắc tôi nghỉ quá.

Bà Cassnova không hiểu tiếng Việt nên hỏi Lợi nói gì vậy. Lợi nói lại bằng tiếng Pháp rồi ứa nước mắt khóc, khiến bà Cassnova cũng cảm động. Bà phân trần:

- Ta có muốn như vậy đâu.

Cái tin cô Loan sẽ về Huế làm lễ cưới và cuối niên khóa sẽ đổi vô Phan Thiết, khiến cả trường không khỏi bàn tán. Trước Tết Tây, bà Cassanova về nước, năm nữ sinh lớp nhất giờ đây còn bốn chuyển qua trường Nam và bắt đầu đi học. Chúng tôi ngồi chung một bàn đầu gần bàn của thầy Thái Viên. Những giờ Pháp văn, như giảng văn, luận văn, văn phạm, chúng tôi học với ông hiệu trưởng Rivière. Chúng tôi được phép đi cửa trước, cửa dành cho các thầy cô giáo và nhân viên văn phòng của trường, được vô lớp khi chưa có trống hiệu báo giờ học. Đó là ưu tiên cho các nữ sinh, để tránh chung đụng với đám nam sinh.

Từ đó, chúng tôi ít có cơ hội gặp gỡ cô Loan. Chủ nhật chúng tôi phải tụ nhau khi ở nhà tôi, khi ở nhà Sen để ôn bài, làm bài chung, để khỏi thua bọn con trai. Trong bốn chị em, chỉ có tôi là dạn dĩ nhất, tôi ỷ thầy Thái Viên là bạn thân của cha tôi, nên hễ có một nam sinh nào trêu ghẹo bọn tôi là tôi lên méc với thầy ngay.

Được cái là tôi rất giỏi Pháp văn, đọc tiếng Pháp như đầm và rất tự nhiên, không coi bọn nam sinh ra gì. Đến môn toán là môn tôi không giỏi lắm, vậy mà hễ thầy Thái Viên ra một đề toán và hỏi ai lên bảng giải, tôi đưa tay xin lên làm ngay. Lần nào cũng được thầy Thái Viên khen giỏi, còn viết văn thì khỏi nói. Bài luận văn nào tôi cũng đứng đầu, điểm cao, được khen. Mấy tuần đầu tụi con trai chưa biết tôi học Pháp văn ra sao, nên mỗi lần ông Rivière vô lớp, tụi nó ngồi sau lưng tôi và nói xầm xì: “Gọi Vân đi! Xem thử có giỏi không nào? Thầy Thái Viên nể nó, chứ nó đâu có giỏi:. Tình cờ một hôm ông Rivière kêu tôi đọc bài lecture tiếng Pháp, cả lớp đều im phăng phắc chờ tôi đọc. Khi tôi đọc thì cả bọn sửng sốt vì tôi đọc như đầmthật, sau đó ông Rivière gọi lên bảng viết, tôi viết rất rành mạch tiểu sử của nhà văn bằng nét phấn trên bảng đen thật đẹp đến nỗi ông Rivière phải khen và nói:

- Madame Cassanova sera très fière d’avoir une élève comme vous. (Bà Cassanova sẽ rất hãnh diện khi có một người học trò như em).

Sau lần đó, lần nào vô lớp ông cũng bắt tôi đọc những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, hoặc những bài văn của các tác giả Alfonse Daudet hay Anatole France. Nhờ vậy mà bọn học trò con trai không dám chọc ghẹo tôi. Môn gì tôi cũng thuộc, đến bản đồ châu Á tôi còn vẽ được trên bảng đen khiến thầy Thái Viên phải khen là giỏi.

Cuối năm học, tôi được sắp đứng đầu lớp và đi thi tiểu học, bằng Certificat d’études primairés của chương trình Pháp. Lúc bấy giờ giáo sư Nguyễn Khoa Toàn làm giám khảo, từ Huế đổi vào, khi vô vấn đáp, ông hỏi tôi môn Pháp văn và bắt tôi dịch bài: Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm…

Thầy Ngoạn, một giáo viên dạy lớp nhì trường nam, thấy vậy liền phản đối nói rằng đó là một bài thơ, một bài ca dao, một học sinh lớp nhất làm sao dịch được ra tiếng Pháp. Nhưng tôi cứ dịch tỉnh bơ:

On repique pour gagner quelque chose.
Moi, je repique en espérant beaucoup de chose.
J’espère en le ciel, en la terre, en les nuages.
J’espère en le pluies et les vents…

Tôi mới dịch đến đó thì ông Toàn đưa tay bảo ngừng lại, rồi nói với thầy Ngoạn: “Mais elle peut traduire le texte, voyez-vous?” (Nhưng nó đã dịch được, ông thấy chưa?).

Ông Toàn cho tôi mười điểm và còn đòi mời cha tôi đến để khen về đứa con rất có khiếu về văn, khiến thầy Ngoạn vui mừng khôn xiết, chạy đi báo tin cho cha tôi biết.

Còn nữa, khi vô hỏi vấn đáp về môn địa lý, một giáo viên người Pháp từ Qui Nhơn ra hỏi một nam sinh về một thành phố lớn và một hải cảng lớn ở Tây Bắc Mỹ, một thành phố lớn và một hải cảng lớn ở Đông Bắc Mỹ … Và vẽ lên bản đồ Bắc Mỹ. Lúc bấy giờ tôi đang đứng gần đó, chờ đến phiên mình vô vấn đáp. Tôi không để ý đến ông giám khảo đang hạch sách nam sinh kia một cách gay gắt, mà theo dõi nam sinh kia vẽ bản đồ nước Mỹ trên bảng. Bỗng nhiên, tôi bật cười vì nghe vị giám khảo chế giễu:

- Anh vẽ bản đồ Bắc Mỹ sao giống một củ khoai lang quá vậy?

Viên giám khảo thấy tôi cười liền xoay lại hỏi:

- Bộ cô vẽ được hay sao mà dám ngạo người ta? Giỏi thì lên vẽ đi? Đưa tấm thẻ đây.

Thế là ông ta cho điểm cậu học trò kia và lấy tấm thẻ đi thi của tôi. Tôi đâu có ngán. Tôi liền đi ngay lại tấm bảng đen, ung dung chùi bản đồ cậu nam sinh đã vẽ và cầm viên phấn vẽ liền bản đồ Bắc Mỹ không cần phải sửa chữa một vệt nào cả. Xong đâu đó tôi xoay lại nói với giám khảo về hai thành phố lớn bên hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cùng hai cảng lớn. Vừa nói vừa ghi trên bản đồ và xoay lại chờ câu hỏi tiếp. Nhưng ông giám khảo người Pháp liền trả tấm thẻ cho tôi và bảo rằng:

- Đủ rồi, giỏi lắm!

Lần thi đó tôi đậu thủ khoa và ban giám khảo đã mời cha tôi vào để khen và khuyên cha tôi nên cho tôi học tiếp. Lẽ dĩ nhiên là tôi được ghi tên thi vào lớp đệ thất trường Nữ trong học Đồng Khánh (Huế) và tôi cũng đậu luôn năm ấy (niên khóa 1930-1931).

Nhưng rủi ro cho tôi là ra học đệ thất với thành tích tôi đã gặt hái được ở ban tiểu học như vậy, thế mà tôi lại không phải là một học sinh giỏi. Vì tôi gặp một cô giáo người Pháp, cô Hélène Rérat, dân Pháp lai Maroc hay Algérie gì đó, dạy môn Pháp văn và sử địa. Buổi đầu tôi không hiểu tại sao cô lại rất nghiêm khắc với những nữ sinh ở Đà Nẵng ra, trong đó có tôi và chị Mỹ. Chúng tôi học thế nào, cố gắng đến đâu, cũng đều bị cô la rầy cho điểm thật gắt gao. Nhiều khi vô cớ cũng bị phạt, bị chép phạt bài cả mười trang giấy vì một tội không đâu. Chán nản vì sự bất công của cô, tôi không còn thiết học hành gì nữa. Tôi đâm ra bỏ bê bài vở, chỉ học những môn của các giáo viên khác. Lúc rảnh rỗi trên nội trú ngày chủ nhật không ra ngoài được, tôi học đan, học móc Crochet hay học thêu với mấy chị bạn các lớp trên. Vào giờ Etude (tức giờ học bài và làm bài có giám thị coi chừng vào buổi tối), tôi chỉ chép thơ, thơ Pháp, thơ Việt Nam mà các chị ở lớp đệ tam đệ tứ thường chép thành những quyển kiểu sưu tập. Vì vậy mà cuối năm tôi xếp hạng rất thấp lại còn bị thi lại các môn Pháp văn, toán, và lý hóa. Sau này, khi tôi hỏi một chị bạn cùng ở Đà Nẵng đang học lớp đệ ngũ về chuyện tôi bị cô Hélène Rérat đì đến nỗi không cất đầu lên được, thì chị này nói:

- Vân không biết là cô này thù bọn mình lắm sao? Học sinh nào ở Đà Nẵng ra là cô thù không đội trời chung mà.

- Tại sao vậy?

- Lúc tôi mới ra, tôi cũng bị đì cất đầu không nổi. Mình thuộc bài mà cũng bị bắt bẻ rồi bị chất vấn những câu ngoài đề, là bị ăn không điểm hay hai điểm. Lúc ấy tôi tức lắm, đi điều tra cho ra. Tôi được biết là có lần cô ta vô chấm thi Tiểu học ở Đà Nẵng, bị học sinh phản đối vì cô hỏi ngoài chương trình. Học trò làm reo kêu cô ta là con mọi xứ Maroc, không chịu vô thi môn cô. Rốt cuộc ông giám khảo chánh lúc bấy giờ là một giáo sư người Việt phải can thiệp, học trò mới chịu thi và năm đó số học sinh rớt Tiểu học đông lắm. Vì vậy cô thù học trò Đà Nẵng. Tôi cũng bị một năm khổ vì cô, liền đem chuyện này nói với cha tôi. Cha tôi làm thanh tra tòa sứ, tức lắm, đến tìm cô và hỏi tại sao bất công với học trò Đà Nẵng. Cô nói vì lý do riêng, không ai được quyền hạch hỏi cô, có giỏi thì đi kiện đi. Tuy vậy sau đó cô không dám ăn hiếp tôi và cuối năm cô cho tôi lên lớp.

Các cô bạn đồng hương về vai chị của tôi khuyên tôi: “Em đừng thèm cãi lại làm chi, ráng học qua năm học này là xong”. Nhưng cứ bị đè ép kiểu này thì làm sao lên lớp và còn tinh thần nào để học? Mấy môn khác làm sao kéo nổi môn Pháp văn mà cả trường chỉ có một lớp đệ thất. Nữ học sinh ở cái thời của tôi rất ít người đi học bậc trung học. Họ vừa đậu tiểu học là xin thi vào sư phạm để học và để ra dạy, có nghề càng sớm càng tốt.

Cũng may cuối năm học đệ thất ở Đồng Khánh Huế, vì ông nội tôi đã mất năm 84 tuổi, nên cha tôi xin hoán đổi với một người bạn ở Sài Gòn. Thế là tôi đã học tiếp bậc trung học ở trường Nữ Gia Long (nay là trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai) và những năm học sau này tôi vẫn là một nữ sinh xuất sắc về hai môn Pháp và Việt (Việt bị xem là một môn sinh ngữ!) và cả trường Gia Long trong những năm 1931 đến 1934 không ai không biết tên Bạch Vân. Trường Gia Long không phải như trường Đồng Khánh, mỗi một khóa có hai ba lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, có lớp riêng cho các nữ sinh theo học sư phạm, vì vậy bài nào hay các giáo sư thường đem đọc cho các lớp khác nghe và người có bài được đọc lẽ dĩ nhiên là được bạn bè biết đến. Thời kỳ tôi học ở Gia Long là thời kỳ vui nhất, nhiều bạn bè thương mến nhất và cũng được các giáo sư dạy văn để ý đặc biệt. Về Việt văn thì có cô Năm Phạm Văn Của, về Pháp văn thì từ đệ lục tôi học với cô Suzanne Thiệp (cô này dạy thế một bà giáo sư về Pháp nghỉ thường niên), cô Devilar, bà Cadillon, bà Ventournouz và còn một vài bà nữa mà tôi không nhớ hết, các bà này đều là giáo sư thuộc hạng giỏi. Ở giai đoạn còn là một học sinh vậy mà tôi đã nổi tiếng về văn chương, đây cũng là một phần ảnh hưởng cho cuộc đời cầm bút cho tôi sau này. Trong thời kỳ này, trường đã đưa tôi đi dự những chương trình văn chương Pháp như đề tài “Con Tem Bài Lao” cho các trường trung học ở Sài Gòn. Ngay lần đầu thi về “Le timbre antituberculeux”, vận động cho phong trào lao, tôi đã chiếm được một phần thưởng đem danh dự về cho trường Gia Long, đây là cuộc thi của cả các trường Pháp lúc bấy giờ là trường Chasseloup Laubat và trường Marie Curie. Học sinh học ở các trường Pháp đều tự phụ là giỏi hơn học sinh các trường Pháp Việt như Gia Long, Pétrus Ký, vậy nên khi tôi được giải thưởng lúc còn học ở lớp đệ ngũ, bà hiệu trưởng và bà giáo sư của tôi rất lấy làm hãnh diện.

Tôi kể những chuyện này để các bạn thấy rằng những ngôi sao văn trong số tử vi của tôi vào các cung có lợi cho sự nghiệp viết văn của tôi sau này. Và khi tôi thi ra trường để lấy cấp bằng Diplôme là cấp bằng dành riêng cho các trường Pháp Việt, chương trình Pháp Việt trung học, tôi còn ghi để thi hai bằng Brevet là Brevet Elémentaire và Brevet d’Enseignement Primaires Supérieur. Bà hiệu trưởng trường Gia Long chỉ ký chứng nhận cho tôi thi bằng Diplôme thôi vì đây là bằng của các học sinh trường Việt. Còn muốn thi các bằng kia, bà hỏi: “Tụi bây muốn tranh giành với tụi chương trình Pháp sao? Muốn thì cứ làm đơn thi tự do”. Một trường chỉ có vài ba chị cùng thi như tôi. Năm nào cũng vậy, và năm nào chúng tôi đã thi là chúng tôi đều đậu, không ai rớt, mặc dù thi Brevet có thêm nhiều môn mà ở Gia Long chúng tôi không được học thường xuyên như môn âm nhạc cả lý thuyết lẫn thực hành, môn vẽ và may cắt áo quần trên giấy, cả môn thể thao. Chúng tôi phải đem đơn ra Tòa Đô Chánh xin thị thực, và ngày thi phải tự lo lấy, không ai chỉ dẫn cả. Vậy mà tôi đã đậu cả ba bằng. Đậu với Mention Assez – bien (hạng Bình thứ) mới khoái chớ. Lẽ ra thì tôi phải thi và lấy bằng ở cuối niên học 1933-1934. Nhưng rủi là cuối năm học tôi lại bị bệnh, phải nằm bệnh viện và lần thi 2è section, tôi không đậu được. Năm sau (tháng 6-1935) tôi đậu cả ba cấp bằng, lúc ấy nếu tôi ghi tên học ở trường Pétrus Ký thì chắc có lợi cho công danh sự nghiệp về giáo dục hơn nhiều, nhưng sức khỏe của tôi thời đi học yếu lắm, cứ mỗi lần cuối năm là tôi đau cả tháng. Vì sức khỏe kém lại thêm tôi là chị cả trong gia đình tám con, cha tôi chỉ là một công chức, đồng lương chỉ đủ nuôi các con, và mẹ tôi phải cần kiệm tối đa mới khỏi thâm thụt. Lúc bấy giờ cha tôi cũng rất muốn cho tôi tiếp tục học nữa, nhưng tôi đề nghị để tôi ở nhà học thêm Việt văn, đọc sách, ghi tên học Pháp văn của trường Ecole Universelle bên Pháp qua lối hàm thụ. Tôi đã nghĩ đến các em tôi, nhất là đứa em trai duy nhất đang học ở trường Chasseloup Laubat và ba em gái kế tôi đang theo học ở Gia Long, ban tiểu học…

Tôi sở dĩ kể lể dài dòng như vậy để các bạn hiểu rõ có một thời gian dài tôi không còn gần cô Loan nữa.

Như tôi đã kể, khi bà Cassanova về Pháp thì tôi qua học ở trường Nam. Cô Loan dạy lớp nhì 2è Année nhưng không được làm hiệu trưởng, mà ông Rivìere bên trường Nam kiêm luôn hiệu trưởng trường Nữ.

Tết năm ấy cô Loan về Huế làm đám cưới, và nghỉ phép hai tuần để đi Phan Thiết – Phan Rang – Nha Trang, là nhiệm sở của ông chồng tri phủ. Đến tháng tư, lúc tôi đang bận rộn học bài thi tiểu học thì một hôm có một học sinh của cô tìm đến nhà và cho biết cô Loan muốn gặp tôi.

Tôi đến thăm cô vào một buổi sáng Chủ nhật và thấy cô đang lo xếp vải để cắt những bộ quần áo trẻ nít. Bên cô là một đống chỉ len màu xanh nhạt. Thấy tôi, cô vui mừng lắm và hỏi:

- Còn các em khác đâu chưa tới?

Tôi ngạc nhiên:

- Cô muốn hỏi Dõng, Sen?

- Và cả các em từng học với cô.

- Chi vậy cô?

- Để giúp cô may những chiếc áo này.

Tôi vui vẻ hỏi:

- Cô sắp sanh rồi sao?

Cô nói giọng thật vui.

- Qua nghỉ hè kia! Thế là niên học sau cô không dạy được, phải lo cho đứa con đầu lòng. Cô nghe cô Điềm nói em học thêu, học đan với con ông bà Thị Giảng nên khéo lắm phải không?

Tôi nói:

- Thật ra, em học với mẹ em nhiều hơn. Em có cả thảy sáu đứa em, nên những chuyện may đan áo trẻ em, em rành lắm.

Thế là tôi bắt tay vào việc thêu những chiếc áo nhỏ, còn cô thì may tã, thêu khăn lông … Cô cứ nói không ngớt là cô muốn có một đứa con trai. Cô tưởng ở tuổi cô, cô không còn có thai được nữa! Cô chỉ muốn có một đứa con trai, thế là mãn nguyện lắm rồi. Chắc cô phải về Huế sanh, vì ngoài ấy cô có mấy bà cô. Cô không thích về bên chồng sanh. Họ đâu có quý con cái của cô vì họ có khối con rồi.

Nói đến đây, cô biết mình bị hớ, nên đính chính: “Gia đình của thầy đông anh em lắm, người nào cũng làm lớn: phủ, huyện, án sát. Ông nào cũng có hai, ba bà nên con cháu đông lắm, chỉ có cô bây giờ mới có thai”.

Rồi cô nói như than:

- Người đàn bà không làm được sự nghiệp gì đáng kể như bà Trưng bà Triệu, cô Bắc cô Giang, thì ráng kiếm một đứa con để dồn hết tình thương cho nó, để lấy nó làm lẽ sống cuộc đời của mình chớ biết sao!

Lúc nghe cô nói thế, tôi chỉ hiểu lơ mơ là cô tiếc rẻ cuộc đời làm chánh trị của mình, chớ không hiểu nhiều về nỗi đau khổ riêng tư của một người đàn bà khí khái ngang tàng như cô mà phải khép mình trong hoàn cảnh làm vợ của một người chồng đã lớn tuổi và đã một lần có gia đình, có con với một người đàn bà khác.

Tôi ở cả ngày với cô, cùng Sen và Dõng để thêu những chiếc áo nhỏ xinh xinh bằng vải batit trắng, may những chiếc gối nhỏ, thêu góc các khăn tắm. Còn len thì tôi đem về nhà đan cho cô những chiếc áo, vớ, nón. Chủ nhật sau tôi mang lại cho cô.

Ngày chủ nhật hôm sau ấy là ngày tôi từ biệt cô. Vì tuần sau tôi trở lại thăm cô thì cô bạn làm y tá ở bệnh viện cho tôi hay là ông tri phủ chồng cô bị bệnh, đánh điện gọi cô về gấp và có thể cô sẽ ở luôn Nha Trang cho đến ngày sanh đẻ, không trở lại Đà Nẵng nữa.

Thế là tôi vừa mất bà Cassanova, bây giờ lại mất luôn cô Loan. Và cũng từ ấy tôi không còn gặp cô nữa. Tôi cũng không biết cuộc hôn nhân của cô có đem lại hạnh phúc cho cô không. Rồi tôi theo cha mẹ vào Nam, học tiếp ở trường nữ Gia Long. Rồi lập gia đình, làm báo Tân Thời được một năm, có con phải nghỉ, sau đó lại đi dạy học. Đến năm 1943, chồng tôi đi Huế để gặp ông Trần Trọng Kim và rồi vì bất đồng ý kiến sao đó nên bỏ về Quảng Ngãi. Tụi Pháp theo sát chồng tôi, vì vậy muốn đánh lạc hướng của tụi nó, chồng tôi nhắn về Sài Gòn bảo tôi đưa các cháu về Quảng Ngãi gấp. Lấy cớ là Mỹ đang thả bom ở Sài Gòn, mẹ con tôi phải về lánh nạn ở Quảng Ngãi. Lúc ấy anh chị Bút Trà phản đối việc này, vì anh chị nghĩ rằng mẹ con tôi làm sao sống được ở Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ tôi mới có ba đứa con, hai đứa con gái đứa lên sáu, đứa lên bốn, và trai đúng một tuổi. Anh chị tôi định tạm cư về Long An, quê chị tôi, một thời gian, bao giờ thời cuộc lắng dịu thì trở về Sài Gòn làm việc lại. Còn cha tôi được lệnh đổi về Trà Vinh cũng muốn đem tôi và ba cháu theo, nhưng chồng tôi khẩn khoản bảo phải đưa gấp mấy đứa nhỏ về vì có thể chồng tôi sẽ nhận một công việc ở Huế. Lúc bấy giờ, con gái lớn của tôi là Thanh Hương đang được ông bà ngoại thương yêu lắm, một hai đòi giữ con bé ở lại để cho theo học trường Pháp. Nhưng còn bé nhất định đi về Quảng Ngãi với chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi đã ở Quảng Ngãi từ năm 1943 đến năm 1951 và đã nếm mùi gian khổ của cuộc sống thời kháng chiến ở Liên khu 5. Tôi sẽ viết lại giai đoạn này ở một tập khác.

Năm 1946 hay 47 gì đó, khi đang ra phố để hỏi mua vài món hàng, tôi gặp lại Dõng tại một tiệm chụp hình. Như tôi đã kể, Dõng kết hôn với một viên chức mật thám theo lệnh của cha mẹ, sau khi thi đậu tiểu học và theo chồng vô Quảng Ngãi.

Tôi với Dõng thân với bà chủ tiệm hình, nên mỗi khi đi phố thường ghé lại đây uống nước và nói dăm câu rồi chia tay ra về. Dõng ở cùng đường với tôi, nên hai chị em thường đi bộ về nhà. Hôm ấy tôi đang nói chuyện với Dõng và bà chủ tiệm chụp hình, thì từ ngoài cửa một bà khách hàng đến hỏi lấy hình. Bà chủ tiệm chạy ra tiếp khách. Tôi nhìn bà khách thì thấy nét hơi quen, nên đứng lên đi ra đến gần để nhìn bà thật kỹ. Bỗng bà đưa tay lên sửa cặp kiếng, cử chỉ này làm tôi nhớ lại cô Loan, mỗi lần giảng bài cô thường sửa cái kiếng như vậy, nên tôi reo lên: “Cô có phải là cô Loan của tụi em hồi ở Đà Nẵng không?”. Cô vừa ngạc nhiên vừa mừng nhìn tôi hỏi lại:

- Vậy em là ai?

Lúc ấy Dõng chạy ra, ôm chầm lấy cô:

- Nó là Vân đó cô, còn em là Dõng đây mà!

Thế là thầy trò ôm nhau cười ra nước mắt. Cô Loan nói:

- Bao nhiêu năm rồi nhỉ… 1930, bây giờ là gần hai mươi năm rồi còn gì? Các em ở Quảng Ngãi sao?

- Còn cô?

- Cô ở Nha Trang.

Tôi lanh trí mời cô về nhà để thầy trò nói chuyện.

Cô rất ít nói về chuyện gia đình của cô, và khi tôi hỏi em nhỏ khi cô mang thai mà tôi đan áo là trai hay gái thì cô liền nói: “Nó là trai”. Rồi cô ngập ngừng không chịu nói thêm. Cô hỏi thăm về gia đình tôi, các con tôi, và vì sao tôi lại về Quảng Ngãi. Tôi cũng chỉ nói sơ cho cô biết. Lần đó là lần tôi gặp cô sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng tôi thấy dường như cô không vui và cũng không muốn nói nhiều.

Rồi từ đó cho đến lần cô từ tòa soạn báo Sài Gòn Mới vào nhà tìm tôi về một câu chuyện Gỡ Rối Tơ Lòng. Lúc ấy tôi mới biết qua tâm sự của cô trong thư là đứa con trai duy nhất của cô đã chết. Và cô đã nghe lời tôi, đứng ra gả con dâu cho một người đàn ông khác để khỏi mất mấy đứa cháu nội. (Tôi sẽ kể lại chuyện này với đầy đủ chi tiết hơn, trong một chương sau). Sau này tôi được biết qua một độc giả ở Nha Trang, là cô đã sống tiếp những năm vui vẻ bên các cháu.

Khi tôi viết những trang hồi ký này thì chắc cô Trần Phạm Thị Loan không còn nữa. Trên 20 năm sau ngày 30-4-1975, tôi mất liên lạc với cô. Nhưng tôi luôn nhớ về cô cũng như về tất cả những thầy cô khác, trong suốt những ngày đi học, cũng là những ngày tươi đẹp nhất cuộc đời tôi.

BTL

 

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay