Thùng tiền 5 ngàn. Internet
Khi một người được hỏi quê quán ở đâu, người ấy sẽ không ngần ngại cho biết ngay sinh quán- cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng nếu hỏi thêm về nơi thật sự sống, làm ăn hay dựng vợ gã chồng thì đa số sẽ cho biết nơi mà họ sống lâu nhất, chỗ mà họ cảm thấy an toàn nhất, chốn mà họ gặp nhiều cơ hội và ấm áp tình người nhất.
Người Việt ngày càng di cư nhiều hơn, nhất là trong vài chục năm trở lại đây. Cuộc sống công nghiệp đã cuốn trôi nhiều tầng lớp dân chúng tụ về thành phố, nhất là Sài Gòn, nơi người dân cả nước tụ về kiếm sống bằng nhiều cách. Làm kinh doanh, công nhân, viên chức nhưng nhiều nhất vẫn là mua gánh bán bưng. Con số người di dân ngày càng nhiều và ranh giới giữa họ với người “sinh quán” tại Sài Gòn ngày càng nhạt nhòa khó biết nếu ta không nghe giọng nói của họ.
Nhưng giữa họ có một điểm chung mà không ai phủ nhận. Mặc dù không bao giờ họ tự cho mình là dân Sài Gòn, nhưng hình như đã có một sợi dây thân thiết trói họ vào nhau, qua cái danh xưng mà chung quanh họ nhiều người nhắc nhở một cách bình thản nhưng đầy cảm xúc: “Người Sài Gòn”.
“Người Sài Gòn”, viết hoa, không chỉ định cho ai được sinh đẻ hoặc nói tiếng Sài Gòn nhưng nó là chỉ định cho cái tính cách, tấm lòng, ứng xử và nhất là sự chia sẻ rất Sài Gòn.
Hào phóng là tính cách nổi bật để nhận ra Người Sài Gòn. Hào phóng không phải kiểu hảo hớn miền Tây mà còn thấm đẫm ảnh hưởng hai nền văn hóa Pháp và Mỹ. Hào phóng khi dám móc ra những đồng tiền cuối cùng trong túi để giúp người giữa đường. Hào phóng khi sẵn sàng ra tay cứu giúp kẻ yếu hơn mình ngay khi chỉ bằng lời nói. Thái độ hào phóng ấy đầy rẫy hàng ngày trong sinh hoạt của người Sài gòn và lần truyền ăn sâu vào cả thói quen của những người di dân từ nơi khác đến.
Tấm lòng của Người Sài Gòn thì rõ rệt và không lẫn vào đâu được. Nó trở thành dấu ấn và người dân cả nước nhìn nhận đó như một vết son khi nhắc tới Người Sài Gòn.
Người ta không lạ lẫm với những ổ bánh mì đựng trang trọng trong những chiếc thùng sạch sẽ, có gắn một tấm bảng nho nhỏ với dòng chữ ghi vội “Nếu đói bạn có thể lấy dùng”, hay thông thường hơn là những thùng trà đá, những chai nước lọc để ở ven đường, chờ người đi qua khát thì ghé lấy mà uống. Không ít Người Sài Gòn để tấm bảng trước gánh sửa xe nhỏ bé : “Bơm vá xe không tính tiền cho học sinh nghèo” hay một thùng đựng tiền không bao giờ vơi đặt bên con đường lớn với lời nhắn đơn giản: “Bạn có thể lấy 3 tờ nếu thấy cần”…
Những hành động hào hiệp ấy diễn ra khắp mọi nơi trong thành phố. Đi đâu người ta cũng thấy tính cách ấy hiển hiện và lâu dần người nhận cảm thấy thật tự nhiên, như một vòng tay ấm áp, một giọt mồ hôi chân tình nhỏ xuống giúp cho họ, những người vốn cũng là Người Sài Gòn trong những lúc khó khăn bất hạnh.
Nói về sự chia sẻ thì không ở Việt Nam đâu bằng Người Sài Gòn. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trong lúc nhà nước còn lu bu với những lời hứa thì Người Sài Gòn đã cho xuất hiện những cây “ATM gạo” giúp người khó khăn giữa thời lockdown khốn khó. Hết tấn gạo này tới tấn gạo khác, Người Sài gòn âm thầm cùng nhau chia sẻ với những cái ATM độc đáo ấy. Những chiếc honda lặng lẽ chở gạo tới đổ vào máy như những con kiến âm thầm tha mồi làm tổ, chiếc tổ tình thương đậm chất Người Sài Gòn.
Trong những tháng ngày giãn cách người nghèo không thể ra đường kiếm sống thì lập tức những buổi chợ “tập thể” diễn ra. Hàng ngàn bọc thực phẩm được gửi tới tận nhà cho người khó khăn, hàng ngàn phần thức ăn được đưa ra cho người già, cơ nhỡ… Những con người âm thầm chung tay ấy có thể không phải là dân Sài Gòn theo nghĩa khai sinh, nhưng họ đã thấm đến từng tế bào phẩm cách của Người Sài Gòn, nói theo ngôn ngữ thân yêu hôm nay cho những ai biết chia sẻ và cảm thông với người tứ xứ.
Sau năm 1975, mất mát lớn nhất của dân Sài Gòn là cái tên. Từ Sài Gòn đổi thành Hồ Chí Minh không phải ai cũng chấp nhận được. Nó hình thành một vết thương âm ỉ. Người sinh quán tại Sài gòn không chấp nhận đã đành, người dân tứ xứ đổ về có khi cũng không chấp nhận nốt. Nhiều người cảm thấy bị xúc phạm khi được người khác cho rằng “về thành phố HCM kiếm sống” nhưng lại thản nhiên hãnh diện khi được nhìn nhận mình “về Sài Gòn làm ăn”. Điều đó cho thấy thái độ chính trị đã đành, nó còn thể hiện giá trị gốc rễ của nền văn hóa mang tên Sài Gòn.
Người Sài Gòn trở thành một danh xưng thú vị dành cho tất cả những ai biết thương yêu và chia sẻ hạnh phúc của mình cho người khác. Một miếng ăn, một hành vi trân trọng đối với người nghèo, một ứng xử chân thành hay một thái độ sống vì người khác đều được gọi là Người Sài Gòn.
Thú vị hơn, những người tha phương cầu thực, những người không có mấy đồng tiền dư trong túi cũng được gọi là Người Sài Gòn khi họ có những chia sẻ dù nhỏ nhất đối với đồng bào của họ, bất kể họ nói tiếng Quảng, tiếng Bắc hay Cà Mau, Đà Lạt… tất cả họ đều là Người Sài Gòn, và họ xứng đáng với cái danh xưng vô cùng giàu có ấy.
Người Sài Gòn xuất hiện như để bù đắp lại những tha hóa, những bất nhẫn, những vô cảm đang tồn tại khắp nơi, để rồi một ngày nào đó người ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe thấy những Người Việt Nam viết hoa được nhắc đến. Bởi, Người Sài Gòn chính là nguồn cảm hứng cho những gì đẹp đẽ nhất của tính cách con người còn lại trên mảnh đất đáng ra phải rất Sài Gòn.
Mặc Lâm (SGN)