Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

 

6205829143 04c232ccd4 o

Các nhà sư khối Ấn Quang biểu tình yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, ngày 3/4/1975. Ảnh: Bettmann/CORBIS.

Vào tháng 11/1975, mùa mưa ở miền Nam sắp hết nhưng không khí căng thẳng mà quân giải phóng đem đến thì chỉ mới bắt đầu.

Người miền Nam đi chùa như một thói quen hằng ngày nhưng lúc bấy giờ quân giải phóng đã không nghĩ như vậy. Cách mạng nếu không tịch thu thì cũng ra lệnh đóng cửa các ngôi chùa của khoảng 40.000 tăng ni lúc đó.

Không chùa nào được treo giáo kỳ. Không ngày lễ được tổ chức. Không có ngoại lệ nào cho các nhà sư, kể cả những người từng ngồi tù vì biểu tình chống chiến tranh hay chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Đàn áp và lao tù đến ngay sau ngày thống nhất.

12 tăng ni chùa Dược Sư tự thiêu

Vào lúc đó, cách tỉnh Cần Thơ khoảng 30 cây số về hướng Sóc Trăng bây giờ, trụ trì Thích Huệ Hiền cùng với 11 tăng ni ở Thiền viện Dược Sư đang chuẩn bị những ngày cuối cùng của mình.

Tất cả đã cùng nhau tự thiêu tại chùa vào ngày 02/11/1975.

12 tăng ni chùa Dược Sư đã tự thiêu như thế nào? Xác của họ được chôn ở đâu? Và vì sao các tăng ni, trong đó có một người 15 tuổi và một người mới 14 tuổi, lại chọn cách tự vẫn đau đớn như vậy trong khi đất nước vừa mới hòa bình?

Thiền viện Dược Sư là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), được thành lập vào cuối năm 1963 sau cuộc tranh đấu chống chính quyền Ngô Đình Diệm

Trong cuộc tranh đấu đổ máu đó, hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức, 67 tuổi, điềm nhiên châm lửa thiêu mình ở ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Sài Gòn đã làm xúc động thế giới.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh kể rằng sau cái chết dũng cảm của Hòa thượng Quảng Đức, chính quyền thủ đô Hà Nội đã tổ chức lễ truy niệm hòa thượng tại Quảng trường Ba Đình, dân chúng kéo đến đông không khác gì ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Nhưng thảm kịch tại chùa Dược Sư thì đã mau chóng bị vùi lấp.

GHPGVNTN và chính quyền lúc đó đã có những ý kiến trái ngược nhau về bi kịch này.

Theo nhật báo Chicago Tribune, ba tuần sau thảm họa chùa Dược Sư, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN lúc bấy giờ, người sau này trở thành Chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, đã gửi thư đến Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam để khiếu nại.

Hòa thượng Trí Thủ nói rằng cán bộ cách mạng đã tịch thu chùa Dược Sư và cả thi thể của các tăng ni.

Bức thư được gửi cùng với thư tuyệt mệnh của trụ trì Huệ Hiền, trong đó ghi lại tên tuổi của 11 tăng ni và lý do tự thiêu là để yêu cầu chính phủ cách mạng “tôn trọng triệt để tự do tín ngưỡng của các tôn giáo đúng mức”.

Trong thư, ông nói bi kịch chùa Dược Sư xảy ra sau khi cán bộ cách mạng cấm chùa treo cờ Phật giáo và cầu siêu cho những nạn nhân chiến tranh. Các tăng, ni được yêu cầu “ăn và nói một cách bình thường [như mọi người] để học theo những con đường của cách mạng”.

Cán bộ ra lệnh Đại đức Huệ Hiền phải cắt nghĩa cho các tăng ni về “chiến thắng quang vinh và lịch sử của cách mạng”, động viên họ tham gia sinh hoạt chính trị trong các tổ chức của cách mạng lúc bấy giờ.

Hòa thượng Trí Thủ viết trong thư: “Qua vụ việc trên, chúng tôi hy vọng ông [bức thư gửi đến một lãnh đạo của chính phủ] và chính phủ cách mạng sẽ lưu tâm đến những gì đang diễn ra ở cấp cơ sở. Chúng tôi không muốn tin rằng vụ việc đáng tiếc trên cũng như nhiều vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo khác phản ánh chính sách của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Chính phủ Cách mạng Lâm thời”.

“… đáng lẽ chúng tôi nên đến gặp ông để trình chi tiết và kín đáo hơn là gửi bức thư này. Tuy nhiên, một cuộc họp như vậy có vẻ là bất khả thi, kể từ khi thống nhất chúng tôi đã xin gặp chính phủ ba lần để nói về quan điểm của giáo hội đối với vấn đề tôn giáo nhưng liên tiếp bị từ chối”.

Tương tự như yêu cầu xin gặp chính phủ cách mạng, bức thư của Hòa thượng Trí Thủ không được hồi đáp.

Sau biến cố 30/4/1975, báo chí trong nước bị chính quyền kiểm soát. Các phóng viên quốc tế đã rời khỏi miền Nam, mọi biến động lúc đó đều không được đưa tin kịp thời. Phải đến gần một năm sau, báo chí quốc tế mới đưa tin về thảm kịch chùa Dược Sư.

Sau đó, tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc tế đã gửi thư đến Bộ Nội vụ Việt Nam vào tháng 9/1976 để yêu cầu cung cấp thông tin.

Khoảng sáu tháng sau, Bộ Nội vụ đã hồi đáp bức thư đó bằng một giải thích rất bất ngờ.

Chính phủ cho rằng theo lời khai của các nhân chứng thì ông Phạm Văn Có (tên khai sinh của Đại đức Huệ Hiền) đã giết hai ni cô lần lượt vào năm 1972 và năm 1974 sau khi ông ta làm hai người này mang thai, “và vẫn tiếp tục hành động vô đạo đức của mình sau ngày giải phóng”.

Theo tuyên bố của chính phủ, “vì sợ việc làm của mình bị lộ ra ngoài, ông Có đã quyết định tự sát, trước khi đốt chùa và tự thiêu mình, ông đã giết chết 11 người khác trong chùa, trong đó có hai thiếu niên”.

Trong một bài viết vào năm 1992, Hòa thượng Thích Quảng Độ, lúc đó là Tổng thư ký Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN, sau này trở thành tăng thống thứ năm của giáo hội, nói rằng ông và các vị hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang không chấp nhận lời giải thích của chính quyền.

Hòa thượng Quảng Độ đã tham gia một cuộc điều tra của chính quyền. Sau cuộc điều tra, ông đã từ chối công nhận bản kết luận của chính quyền vì nội dung kết luận không đúng với bức thư tuyệt mệnh của Đại đức Huệ Hiền.

Bản kết luận điều tra mà chính quyền yêu cầu Hòa thượng Quảng Độ công nhận ghi rõ rằng Đại đức Huệ Hiền đã tự sát cùng “11 người khác” vì các lý do sau: sợ bị cách mạng trừng trị vì đã làm chỉ điểm cho “Mỹ – Ngụy,” không còn lương thực để sống vì trước đó được “Mỹ – Ngụy” chu cấp và sợ chuyện dâm ô với các ni cô bị bại lộ.

Từ việc 12 tăng ni chùa Dược Sư tự thiêu tập thể để đòi quyền tự do tôn giáo (theo nhận định của GHPGVNTN), qua cuộc điều tra của chính quyền đã trở thành một vụ án dâm ô và giết người diệt khẩu.

Nhưng dù lý do là gì đi nữa thì bi kịch tự thiêu tập thể ở chùa Dược Sư cũng đã mở ra hàng loạt vụ tự thiêu sau đó.

 

to thenew year 2 compressed 1234x1536

Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội

Ngay trước ngày 30/4/1975, nỗi sợ chế độ cộng sản đã khiến hàng vạn người chạy khỏi miền Nam nhưng cũng có không ít gia đình đã chọn ở lại.

Một trong những lý do ở lại vào lúc đó là vì người ta tin rằng nếu không dính líu đến chính trị ở chế độ cũ thì vẫn có thể sống bình yên với cách mạng.

Đối với các tăng ni, phật tử nhiệt thành của khối Ấn Quang thì lại càng có nhiều lý do hơn nữa để ở lại đất nước. Họ là những người đã đổ máu trong những cuộc biểu tình vang dội để chống chiến tranh, chống các chế độ độc tài ở miền Nam.

Với khả năng tổ chức bậc thầy, Ấn Quang đã huy động được một lực lượng rất đông đảo là các tăng ni, phật tử, sinh viên theo chủ trương chống chiến tranh, chống chính quyền miền Nam trong những năm 1960.

 

1967 Demonstrations In Saigon Buddhist March by Co Rentmeester 1536x807

Các nhà sư khối Ấn Quang bước đi trên đường Lê Duẩn ngày nay trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1967. Ảnh: Co Rentmeester

Giáo sư Nguyễn Long, một phật tử nhiệt thành của khối Ấn Quang và giảng dạy về chủ nghĩa cộng sản ở Viện đại học Vạn Hạnh sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, cũng đã nghĩ như thế.

Mấy hôm trước ngày 30/4/1975, ông đã phân vân giữa ra đi hay ở lại quê hương.

Sau này, ông đã kể lại cuộc sống ở miền Nam sau ngày 30/4/1975 trong cuốn sách “After Saigon Fell: Daily Life Under the Vietnamese Communists” (Sau khi Sài Gòn sụp đổ: Cuộc sống thường ngày dưới tay những người cộng sản Việt Nam).

Ông Long sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Đà Lạt. Khi còn là sinh viên ở Sài Gòn, ông cùng với những sinh viên khác ở tuyến đầu của phong trào sinh viên phật tử chống chính quyền miền Nam từ Ngô Đình Diệm, chính quyền của tướng Nguyễn Khánh rồi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ông từng bị bắt giam hai lần và được hai hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Mãn Giác (thuộc khối Ấn Quang) can thiệp thì mới được thả ra.

“Do đó, tôi không cảm thấy mình cùng loại với những người miền Nam khác mà cộng sản cho là ‘ngụy quân’ hay ‘ngụy quyền’, nghĩa là có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với chế độ cũ hay chính sách của Mỹ. Nhiều người Việt ở các vị trí xã hội khác cũng có thái độ tương tự. Điều này đặc biệt đúng với các luật sư, bác sỹ, kỹ sư, nhà báo hay nhà văn. Hầu hết họ cảm thấy mình không phạm tội và không có mối quan hệ với chính trị trong quá khứ, do đó không lý do để rời khỏi Việt Nam”.

Và hơn nữa, ông là người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản. “Tôi thú nhận rằng trong một vài khía cạnh, chủ nghĩa cộng sản đối với tôi đã ngày càng hoàn thiện hơn, thực tế hơn và nhân văn hơn bất kỳ học thuyết phương Tây hay phương Đông nào mang lại”.

Nhưng mọi lý do kể trên đã thành con số không sau ngày 30/4/1975.

Ông Long buộc phải đi học tập chính trị. Cán bộ liên tục theo dõi ông, hàng xóm và kể con trai của ông bị chính quyền dùng để dò la xem ông đã nói gì, làm gì lúc ở nhà. Vì cách mạng cho rằng “ngụy thầy” (false educator) còn nguy hiểm hơn là “ngụy quân”.

Chính quyền đã thành lập hàng loạt các “hội yêu nước” để giáo dục và phân loại các thành phần công dân. Các phiên đấu tố diễn ra ở khắp nơi. Tất cả các hoạt động đi lại đều phải xin phép. Mọi người trong nhà ông đều phải trình diện vào khung giờ nhất định.

“Nhận thức của mọi người về bản thân mình và những người theo cộng sản đã khác nhau quá xa. Chúng tôi đã sớm thấy rằng xã hội dưới chế độ cộng sản mọi thứ đã bị chính trị hóa nhiều hơn bất cứ đánh giá nào của chúng tôi. Theo quan điểm của cộng sản, không có chỗ cho một cá nhân phi chính trị”.

“Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” là một tuyên truyền phổ biến lúc bây giờ.

Trong hồi ký của ông Long, chính quyền lúc đó đã dùng khẩu hiệu này để gắn kết giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản. Ngoài ra, chính quyền còn cố gắng đồng nhất chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa yêu nước, một người yêu nước thì phải là một người cộng sản, nếu anh ta không phải là cộng sản thì anh ta không yêu nước.

Sau hai lần vượt biên thất bại, ông đưa gia đình vượt biên thành công đến trại tị nạn ở Indonesia vào năm 1979.

Bối cảnh ngay sau 30/4/1975 có thể giải thích một phần nào đó vì sao khối Phật giáo trước năm 1975 được xem là có cảm tình với cách mạng lại phải hứng chịu những trận đàn áp không nương tay của chế độ mới.

 

Tre em hoc kieu chao moi compressed 1 1536x1386

Ấn Quang dưới tay chính quyền cộng sản

Sau cuộc điều tra về bi kịch tự thiêu tập thể ở chùa Dược Sư, bất đồng giữa chính quyền và khối Ấn Quang ngày càng gia tăng.

Vào đêm ngày 06/04/1977, sau khi tịch thu cô nhi viện Quách Thị Trang vào tháng Ba trước đó, công an đã bố ráp chùa Ấn Quang với khoảng 200 nhà sư đang tu tập ở đây.

Trong cuộc bố ráp này, các hòa thượng Quảng Độ, Huyền Quang, Thanh Thế, Thiện Minh, Thuyền Ấn, Thông Huệ và nhiều người khác đã bị bắt.

Ngay sau đó, Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Pháp (do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đứng đầu) đã tuyên bố rằng có 120 tăng ni miền Nam sẵn sàng tự sát để phản đối chính quyền đàn áp tôn giáo.

Lúc bấy giờ, báo chí độc lập không còn hiện diện ở miền Nam như trước kia. Cách mạng đã kiểm soát mọi kênh truyền thông. Các vụ đàn áp Phật giáo phải mất rất nhiều thời gian mới đến được báo chí quốc tế.

Khoảng sáu tháng sau cuộc bố ráp vào chùa Ấn Quang, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Phó hiệu trưởng của Viện đại học Vạn Hạnh, Ủy viên trung ương trong GHPGVNTN, đã vượt biên đến Paris (Pháp) để tố cáo cuộc đàn áp đạo Phật đang diễn ra rất trầm trọng ở miền Nam.

Ông nói mình đã mang theo nhiều tài liệu về xung đột giữa Phật giáo và chính quyền cộng sản.

Hòa thượng Thích Mãn Giác. Ảnh: Việt Báo. 

“Chế độ mới đang theo đuổi chính sách triệt hạ các cộng đồng tôn giáo ở đất nước chúng tôi. Hàng trăm các tăng ni bị bắt. Hàng trăm các ngôi chùa bị tịch thu rồi bị biến thành cơ quan hành chính. Các tượng phật bị hạ xuống để đập phá. Không được tổ chức lễ Phật Đản như một ngày lễ quốc gia”, Hòa thượng Mãn Giác nói với báo giới vào tháng 11/1977.

“Đảng Cộng sản dường như không hiểu cũng không khoan dung về ước vọng sâu sắc nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã rất đau khổ vì bị ngược đãi, kỳ thị và đàn áp”.

Phong trào Phật giáo của khối Ấn Quang “không tranh giành quyền lực chính trị… mà đòi hỏi sự khoan dung và quyền được tham gia xây dựng đời sống không phải như một cái máy mà bằng khối óc và trái tim”.

Hãng tin Reuters lúc đó đã dẫn tin rằng khối Ấn Quang đã bị mất sức ảnh hưởng ở miền Nam và bị chia rẽ trầm trọng khi kể từ khi nhà nước thành lập Hội Phật giáo Yêu nước.

Hòa thượng Mãn Giác nói Hòa thượng Thích Trí Quang, một trong các nhà sư nổi tiếng nhất thời Việt Nam Cộng Hòa thuộc khối Ấn Quang vì chống chiến tranh và chống chế độ cũ rất quyết liệt, có lẽ đang bị cách mạng giam giữ tại chùa.

 

Thich Tri Quang phat bieu sau ngay 30 4 1975 compressed 1 1536x965

Cuộc chiến sống còn

Mặc dù từng đổ máu trong các cuộc biểu tình những năm 1960, từng bị cảnh sát quốc gia tra tấn, nhưng các nhà sư khối Ấn Quang đã kinh hồn bạt vía vì những màn tra tấn của công an cộng sản.

Trong một bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiên Quang (hoặc Thích Thiện Quang), phó trụ trì chùa Ấn Quang, đã tiết lộ về màn tra tấn của chính quyền sau khi ông vượt biên đến Indonesia vào tháng 6 năm 1979.

Sau năm 1975, ông cho biết mình đã bị cách mạng giam cầm trong hai năm trước khi được thả vào năm 1977.

Ông nói rằng chuồng cọp của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dùng không là gì so với màn tra tấn mà Hòa thượng Trí Quang trải qua trong nhà tù cộng sản.

Ông cho biết Hòa thượng Trí Quang bị bắt nằm trong một cái hố như quan tài và không thể ngồi dậy trong suốt 16 tháng. Mỗi ngày ông được cho ra ngoài 15 phút để vận động và tắm rửa. Vì vậy mà hai chân của ông bị teo lại khi được cho về chùa vào năm 1977.

Hòa thượng Thiện Quang nói lúc ông rời khỏi Việt Nam thì Hòa thượng Trí Quang vẫn đang phải ngồi xe lăn, học cách đi lại bằng đôi nạng và bị giam giữ tại chùa. Trong số những người bị bắt của khối Ấn Quang chỉ có ba người nữa được thả ra và cũng bị cấm ra khỏi chùa.

Vào lúc đó, chùa Ấn Quang bị canh giữa nghiêm ngặt và phật tử chỉ được đến chùa thắp nhang hai lần trong tháng.

 

49365357296 61570777d9 o 1536x1020

 

Chùa Ấn Quang hay còn gọi là Tổ đình Ấn Quang là nơi chứng kiến các hoạt động sôi nổi của Phật giáo vào những năm 1960. Ngày nay, chùa nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp chùa vào năm 1998. Ảnh: Australian War Memorial.

Vào cuối năm 1978, sau khi Hòa thượng Thiện Minh đã chết trong trại giam, chính quyền đưa các hòa thượng của khối Ấn Quang ra xét xử với nhiều tội danh khác nhau. Dưới áp lực quốc tế, các hòa thượng Quảng Độ và Thanh Thế được trắng án. Hai hòa thượng Huyền Quang và Thuyền Ấn bị tuyên án hai năm tù treo. Hòa thượng Thông Huệ bị tuyên án ba năm tù giam.

Hòa thượng Thiên Quang nói rằng mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền sau năm 1975 đã bắt đầu từ vụ 12 tăng ni chùa Dược Sư tự thiêu ở Cần Thơ.

Ông cho biết trong năm 1977 và 1978, miền Nam đã có thêm 18 tăng ni khác tự thiêu riêng lẻ. Ông cũng cho biết rằng các tôn giáo khác như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo cũng đang bị đàn áp nặng nề không kém gì Phật giáo.

Khi được hỏi tại sao các nhà sư Ấn Quang phải tranh đấu với chế độ cộng sản sau khi đã gây ra quá nhiều rắc rối cho chính quyền ông Thiệu, ông trả lời: “Dưới chế độ của ông Thiệu, chúng tôi chỉ chống tham nhũng mà thôi. Bây giờ, dưới chế độ cộng sản, chúng tôi không thể tồn tại được. Giờ đây, chúng tôi phải chiến đấu để sống hoặc chết”.

Ngay sau ngày 30/4/1975, Phật giáo miền Nam đã bước chân vào một bi kịch mới. Số vụ các tăng ni đã chết vì tự thiêu bị che dấu. Tổng số các tăng ni bị giam giữ, chết trong trại giam từ sau ngày 30/4/1975 không được tiết lộ. Tổng số các chùa bị đập phá và tịch thu không được công bố. Chính phủ chưa bao giờ thừa nhận đã đàn áp Phật giáo miền Nam.

Đến những năm 1990, các vụ tự thiêu vì đàn áp tôn giáo vẫn còn tiếp diễn

 

 

nguon :  Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng | Luật Khoa tạp chí (luatkhoa.org)

 

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay