Cô Thơ thân mến,
Là nhà giáo, đồng nghiệp với Cô, thấy Cô bị sa thải chỉ vì một sự cố nghề nghiệp nhỏ nhoi, tôi rất buồn và xin được chia sẻ nỗi bức xúc với Cô.
Tuy nhiên đọc lời chia tay của Cô với các sinh viên, các giảng viên của trường, tôi thấy yên tâm, vì Cô có một tâm thế bình tĩnh, hiểu nhân tình thế thái và giữ vững bản chất nhân cách của mình. Với trình độ và bản tính ngay thẳng của Cô, tôi tin Cô sẽ tìm được công việc và môi trường làm việc xứng đáng với mình. Trong cái rủi có khi lại có cái may đó Cô!
Bây giờ trên tình đồng nghiệp, chúng ta chia sẻ với nhau đôi điều để giải tỏa những bức xúc cho nhẹ lòng.
1. “Tội” của Cô là nói đúng SỰ THẬT và KHÔNG VÔ CẢM!
Xem đoạn video cô tranh luận với một sinh viên, thấy điều Cô nói là đúng SỰ THẬT. Tôi ở TP HCM, chứng kiến những dòng người lao động nghèo khó hoảng sợ dịch covid-19 chạy tán loạn khỏi thành phố, mà thấy bàng hoàng. Vợ tôi nhìn cảnh sản phụ ôm con chín ngày tuổi, ngồi trên xe máy cùng toàn bộ đồ đạc, trốn chạy; nhìn cảnh cả gia đình 5 người trên chiếc xe máy cùng đồ đạc lỉnh kỉnh rời thành phố; cảnh từng đoàn người nằm vật vã ngủ trên đường… cũng đã rơi nước mắt. Những người Việt Nam ở trong hay ngoài nước và cả người nước khác, có tình thương đồng loại đều cảm thấy đau đớn, xót xa.
Cô cũng nói đúng sự thật, là nhiều nước châu Âu, Mỹ bị dịch covid chết rất nhiều người, nhưng chính phủ của họ lo an sinh xã hội rất tốt, không có cảnh mạnh ai nấy chạy đi tìm sự sống, như cảnh diễn ra trên đèo Hải Vân mà Cô thấy… Nhìn cảnh đồng bào cơ cực mà mình bất lực, không làm gì cứu giúp được, cảm thấy nỗi nhục nhã. Đó là tình cảm tự nhiên của một người có lương tri.
Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện thời, Cô đã mắc hai “sai lầm” là NÓI THẬT và bức xúc, hổ thẹn, NHỤC NHÃ khi bất lực trước nỗi đau của đồng bào mình. Hai thứ đó ở thể chế này từ lâu đã là thứ xa xỉ! Phải như cậu sinh viên đối thoại với Cô, mới là “hạt giống đỏ” của chế độ!
2. Cô là một giáo viên chân thành, nhiệt huyết
Cô dạy tiếng Anh và giảng về Văn hoá phương Tây cho sinh viên. Những điều Cô so sánh hai nền văn hoá và chỉ ra những khiếm khuyết của văn hoá châu Á nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng là rất cần thiết để khai trí cho học trò. Những điều này Cụ Nguyễn Trường Tộ, Phạn Chu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đã nói hàng trăm năm trước rồi; nhiều người sau này vẫn nói, Cô cũng nói… Nhưng não trạng của nhiều người Việt đã bị lập trình, chỉ biết phản ứng trước những kích thích quen thuộc, không có khả năng tiếp nhận cái mới, nhất là những giá trị tinh thần cao đẹp.
Cô là một giảng viên muốn thực thi đúng sứ mệnh của một nhà giáo là cố gắng khai mở, truyền đạt những điều mới mẻ cho sinh viên; muốn sinh viên biết độc lập tư duy bằng những sự kiện thực tế do mình tự tìm kiếm và biết so sánh quốc tế; biết tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự trải nghiệm để rút ra kết luận cho mình… Sứ mệnh của người giáo viên nói chung, nhất là giảng viên Đại học phải như vậy.
Nhưng nền giáo dục XHCN từ lâu đã giết chết những điều đó. Giáo viên phải trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục”, là người của Tuyên – Giáo! Giáo viên phải tuyên truyền như đài, báo nhà nước; giáo viên không cần độc lập, sáng tạo, cứ nói đúng giáo trình, học sinh, sinh viên đọc, chép đúng giáo trình. Vậy là Tiên tiến, xuất sắc. Nhiều lớp 100% tiên tiến cơ mà! Nhờ đó nền Giáo dục XHCN mới đào tạo ra những lớp người ngu trung, chỉ biết tư duy rập khuôn, phục tùng máy móc; chỉ biết căm ghét những gì khác với họ và tự hào về những gì Đảng CS đã làm, dù đó là tội ác…
Cô hãy xem vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải… bất chấp sự thật và công lý mà chính quyền vẫn làm nhiều người dân “tin tưởng tuyệt đối” kia mà! Nếu giáo viên nêu vấn đề sinh viên hãy thu thập tư liệu, phân tích trên cơ sở cơ sở pháp lý, đạo lý của vụ án, để tìm sự thật, công lý, thì lập tức giảng viên bị quy kết là “kích động học sinh chống phá nhà nước”… Thân phận người giáo viên khốn nạn thế đó!
3. Nỗi nhục nhã ê chề không thuộc về Cô
Cô đã cố thuyết phục một sinh viên hãy nhìn thẳng vào sự thật, biết tư duy độc lập trên những sự kiện thật… Nhưng đã thất bại. Chuyện này cũng bình thường trong nghề dạy học. Tôi nhớ một lần nghe một vị lão thành kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời là sinh viên trường Đại học Đông Dương, đã tranh luận với giáo sư người Pháp rằng: Những giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái ông truyền giảng chỉ là lý thuyết suông; người Pháp ở Đông Dương đang chà đạp lên những giá trị đó…
Sinh viên Giáp chứng minh hùng hồn bằng những sự kiện thực tế… Thầy người Pháp gật gù, bảo, anh khá lắm. Nhưng ở đây thì anh có quyền tự do biểu đạt, còn ra ngoài kia, anh nói vậy, cảnh sát họ làm phiền đấy… Nhờ trường Đại học của thực dân Pháp có TỰ DO học thuật, tự do tư tưởng, nên mới có được lớp người gây dựng nên nền văn minh hiện đại của châu Âu cho Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhất là văn minh tinh thần.
Nay mà sinh viên Võ Nguyên Giáp sống lại, nói, hãy nhìn người dân khổ cực trên đèo Hải Vân kia, khẩu hiệu “không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để người dân nào tụt lại phía sau” chỉ là loè bip, chắc hẳn bị Ban giám hiệu trường Đại học Duy Tân giao nộp ngay cho công an!
Cô chỉ có “Phát ngôn phiến diện về công cuộc phòng chống dịch covid-19” như báo chí đưa tin, vậy mà nhà trường sa thải Cô ngay và làm việc với công an để xử lý! Cái Hội đồng của Đại học Duy Tân không hiểu nó là cái gì? Nó không biết bảo vệ giảng viên của mình; nó sợ hãi trước dư luận vớ vẩn; nó như cái tay nối dài của công an; nó không coi người giáo viên ra gì cả! Rồi cái Công đoàn và các tổ chức mà Cô tham gia của nhà trường này đâu, các đồng nghiệp đâu, sao không lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp của mình? Tất cả thật nhục nhã ê chề! Cái trường như vậy mà mang tên “Duy Tân”?
Việc Đại học Duy Tân sa thải Cô, cho thấy thêm một tín hiệu về nền giáo dục ngày càng tha hoá, không hy vọng gì vào công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện”…
Cô Thơ thân mến,
Nỗi đau buồn của Cô cũng là nỗi đau buồn của tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đến tương lai của đất nước.
Chúc Cô bình tĩnh vượt qua nghịch cảnh này trong sự đồng cảm của rất nhiều người.
Thân mến!