Trại Kiên Giam : Chương Mười

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

Chương Mười

Sáu mươi bảy người tập trung một phòng dưới ô để làm các thủ tục cần thiết để đi trại lao cải. Mọi người lo âu, băn khoăn vì sắp bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời tù tội. Căn phòng chật chội vẫn yên lặng, mỗi người ngồi thừ ra bên cạnh gói hành trang gồm ít áo quần và thức ăn còn lại của đợt thăm nuôi vừa qua.

Cơm chiều xong đa số đã đi nằm, chỉ có những người hút thuốc lào tụm lại với nhau thay phiên kéo chiếc điếu cầy, tiếng nước sôi sùng sục nghe rõ mồn một. Tôi lại nghĩ đến gia đình tôi, không biết thân nhân của tôi sống bằng cách nào trong hoàn cảnh càng lúc càng khó khăn. Qua gói quà gửi tôi hiểu gia đình đã sa sút lắm. Tôi không xin quà, để gia đình gửi cho tùy ý theo khả năng, đỡ cảm tưởng mình là gánh nặng cho thân nhân, vừa để có thể đo lường mức độ sinh sống ở nhà. Đã hơn mười sáu tháng rồi, tôi chưa gặp mặt vợ con. Nhớ lắm.

Hai phòng hình sự tập trung cũng chuẩn bị ra đi, anh em trẻ họ ca hát suốt đêm, hát giã từ thành phố để đi đến một nơi nào chưa ai biết, nhưng chắc chắn nhiều cam go. Có chịu đựng được không? Nghĩ đến ngày về xa vời vợi. Án tập trung là án dây thun, nó cứ dài ra mãi vì có tăng mà không có giảm án. Ngày về có thể ngày mai, mà có thể chục năm nữa, và có thể chẳng bao giờ.

Sáng sớm chúng tôi được gọi dậy ra ngồi ngoài sân, gần Tết trời lạnh se sắt, lạnh ngấm từ bên ngoài và cũng thoát ra từ bên trong, từ nỗi cô đơn và sự lo lắng.

Trại trưởng đến đọc lệnh tập trung, sơ yếu lý lịch và tội danh mỗi người để kiểm điểm lại lần cuối. Tôi bị ghi là tham gia tổ chức phản cách mạng, đúng như trưởng ban chấp pháp Năm Thành nói với tôi, không cần tôi nhận tội, không cần phải làm cung theo đúng thủ tục, không cần chứng minh tội trạng, công an giải thích “Đảng không bao giờ nhầm lẫn”, bị bắt là đương nhiên có tội, không tội này thì tội khác.

Không ai thắc mắc khiếu nại, chỉ uổng công, cán bộ không có thẩm quyền giải quyết. Chúng tôi được phát mỗi người một nắm cơm bằng quả bưởi và nhúm muối trắng cho một ngày ăn đường. Nhiều người thở ra nhẹ nhõm, ít ra cũng đỡ được một phần, chúng tôi đi cải tạo ở một trại gần Saigon.

Hai chiếc xe hàng chạy chầm chậm, buổi trưa mới tới trại Xuân Lộc. Trại nằm phía đông bắc núi Chứa Chan, từ ngã ba Ông Đồn trên quốc lộ 1 đi vào khoảng 4 cây số. Trại lập tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 53 Bộ Binh, bộ chỉ huy trại và phân trại A nằm ngay trên đồi Phượng Vĩ, phân trại B sâu vào rừng 2 km, và Việt Cộng đang xây thêm một trung tâm kiên cố gồm nhà xây tường đúc lợp tôle và có tường bao quanh.

Thời gian “Trăng mật” cũng qua nhanh. Tụi VC coi trại tù rất tâm lý, tù mới ở trại giam ra chúng cho làm việc nhẹ khoảng một tháng, ai cũng muốn được vận động, phơi nắng vì tù túng quá lâu trong phòng tạm giam nóng bức và ngộp thở. Chừng lao động được một tháng, chúng đưa vào những công tác chính như cuốc đất, xẻ núi làm đường đào ao, lúc đó tù nhân mới bắt đầu thấm mệt và hiểu thế nào là lao động cải tạo và chỉ mong được trở lại phòng tạm giam. Mỗi ngày làm việc quần quật, trên đất núi cứng như đá vôi, dụng cụ thô sơ, dưới trời nắng chang chang. Trưa và tối mỗi bữa một chén cơm độn khoai mì với nước muối, nên mới có hơn hai năm cải tạo mà những người trình diện trông đã tiều tụy lắm. Lương thực mỗi ngày cắt dần phần gạo, thời gian đầu ăn toàn cơm nhưng gạo hẩm, sau nửa cơm nửa ngô, rồi ngô được thay bằng khoai mì khô. Mức độ độn tăng dần theo thời gian, 50% độn, rồi 75%, 80% rồi đến cuối năm 1978 mỗi tuần trại Long Khánh chỉ ăn 2 bữa cơm, 12 bữa ăn còn lại chỉ ăn khoai mì khô. Phần gạo ít quá, không thể nấu chung với thức độn, anh em nhà bếp cũng kinh nghiệm hễ nấu chung với độn tên quản giáo nhà bếp ăn cắp nhiều gạo, nên họ đã nấu thành hai bữa cơm nguyên mỗi tuần còn ăn độn riêng để đảm bảo phần gạo ít ỏi của tiêu chuẩn. Cũng may là trại ở gần Saigon nên nhiều gia đình đi thăm nuôi đều đặn hàng tháng, nên kẻ có người không bạn bè còn chia sớt cho nhau để sống chung, thử thách với thời gian và gánh nặng gian khổ.

Sau 10 ngày ở trại lao động tôi được gia đình thăm. Chỉ mới xa cách 16 tháng mà vợ tôi trông già hẳn đi đến mấy tuổi và Thụy Vũ, đứa con trai mạnh khỏe bụ bẫm của tôi bây giờ trở thành đứa bé khẳng kheo. Mười mấy phút gặp mặt không đủ để hỏi thăm tin tức gia đình. Lần đầu được thăm nuôi, anh em đã có dặn trước, chuẩn bị trước những câu hỏi, khi gặp gia đình vẫn cứ lúng túng, có việc hỏi tới hai ba lần, còn có điều muốn hỏi lại quên đi, đến khi vào trại mới sực nhớ lại. Ba mẹ tôi ở Đà Nẵng đều khỏe mạnh, những đứa em trai tôi đều nghỉ học, đứa thì bị đại học gạt ra biên chế, đứa thì không được dự thi lớp 10. Học sinh thi theo lý lịch, mấy anh em tôi có 3 anh ở trong chính quyền và quân đội VNCH đương nhiên là lý lịch xấu, không được cấp giấy cho thi. Đời sống vợ con tôi đã rất bi đát; không còn cách gì để đủ ăn ngoài việc bán lần hồi những gì đang có kể cả quần áo cũ. Mong muốn con được đi học chắc không thành. Vợ tôi xác nhận Sào không bị bắt, hắn vẫn nhởn nhơ đi lại tại Saigon. Hắn đến nhà nói với vợ tôi là tôi sẽ không bao giờ về được vì tôi đã trốn trình diện mà còn tham gia tổ chức phản động.

Thành phần tù cải tạo ở trại Xuân Lộc lúc đó, phân biệt khá rõ, sĩ quan trình diện đa số là cảnh sát và sĩ quan biệt phái từ cấp Trung úy trở xuống. Tù chính trị mới đa số là thanh niên trẻ trong tổ chức Phục Quốc, một số rất ít tội vượt biên.

Cách biên chế đội, cách bố trí phòng ở và khu vực làm việc cũng nói lên sự phân biệt đó. Tù phản động biên chế từ đội 4 đến đội 10, ở trong các dãy nhà trung tâm phân trại, các đội trình diện ở các dãy nhà gần hàng rào hơn. Tại hiện trường lao động các đội trình diện làm gần bìa rừng, đội bị bắt làm khu vực giữa đồng.

Sự phối trí như vậy cho các anh sĩ quan trình diện cảm tưởng là họ nhẹ tội hơn và có thể được về sớm nên họ làm lao động rất hăng và kiểm soát lỏng lẻo vẫn không trốn trại. Cán bộ Việt Cộng giải thích sở dĩ các sĩ quan trình diện chậm được thả ra vì tình hình nội chính bên ngoài chưa ổn định, vẫn còn những tổ chức chống đối. Việt Cộng đã rất giảo hoạt khi chúng dồn sự oán thán chúng về phía những người đối kháng. Nhiều người đã dễ dàng tin sự giải thích đó, nên trong trại họ ít tiếp xúc với tù nhân bị bắt. Họ nghĩ là những người tù mới bị bắt là những người manh động, và tham vọng quyền lực mơ hồ. Về phía tù nhân bị bắt thì họ có sự kiêu hãnh riêng đối với hành động đối kháng của họ dù chưa làm cho Cộng Sản thiệt hại về người và vật chất, nhưng họ cũng chứng tỏ được tinh thần bất khuất của nhân dân miền Nam. Trong trại tù, họ thể hiện tinh thần đó qua cách lao động miễn cưỡng, lề mề. Lập trường của họ về lao động khác với bên tù nhân trình diện, họ không làm lao động tích cực như tù trình diện, xem sự tích cực lao động là hình thức đầu hàng. Họ không chịu ở trong các đội phục vụ cá nhân cán bộ. Xem đó là sự sỉ nhục. Họ ngấm ngầm phá hoại hoa mầu một cách có ý thức, vì hoa mầu là phục vụ trước hết đời sống cán bộ, còn lại mới cho tù. Trại trồng ngô, khi hái bắp, hái một bắp bỏ lại một hai bắp để đến khi đội có nhiệm vụ dọn cây lá có cái ăn. Tù trình diện coi việc làm của tù bị bắt là manh động, là “ruồi bu”, họ chưa thấy hành động chống đối nhỏ nhưng nó thể hiện được tính đối kháng hơn là thái độ phục vụ ngoan ngoãn làm đẹp trại theo khẩu hiệu và sự thúc đẩy của bọn cai tù.

Tập trung cải tạo là chính sách thực hiện chủ trương đấu tranh giai cấp của Cộng Sản để tiêu diệt và vô hiệu hóa thành phần khác giai cấp dù có đối kháng hay không. Về phương diện kinh tế, tập trung cải tạo để khai thác sức lao động; Việt Cộng không giết hàng loạt để tạo biển máu ở Saigon như hệ thống tuyên truyền của Mỹ và VNCH loan ra trước khi Saigon sụp đổ. Nhưng Cộng Sản vắt từ giọt máu của người tù ở trong trại cải tạo. Người tù đem sức ra làm lao động đến kiệt sức và chết ở đó. Lénine đã viết rất rõ để hướng dẫn chính sách lao động. Hắn viết “Tập trung chúng lại để làm công tác lao động, tạo cho chúng luôn luôn nuôi hy vọng chúng được thả, đổi trại thường xuyên để chúng nuôi hy vọng đó, cuối cùng chúng gặp nhau và chết ở Sibéria”. Trong thời khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 1920, Staline đã sử dụng các trại tập trung như những nông trường sản xuất nông nghiệp năng suất cao hơn những nông trường quốc doanh. Cộng sản Việt Nam rập khuôn theo đúng mô thức của Liên Xô. Cũng xây dựng nhiều trại tập trung, dùng sức tù làm công cụ sản xuất. Khi chiếm miền Nam, chính sách cải tạo đã có sẵn và Việt Cộng có chương trình đưa tất cả sĩ quan, nhân viên và các thành phần xã hội cần được “cải tạo” khác ra miền Bắc ở trong các trại tù, sau đó, nếu được thả cũng phải cư trú trên vùng rừng thiêng, nước độc miền Bắc không cho về miền Nam. Vì có sự mâu thuẫn trầm trọng với Trung Quốc, nên chương trình đưa cải tạo ra miền Bắc tạm ngưng từ tháng 4 năm 1977.

Do đó các lực lượng đối kháng của nhân dân miền Nam có tạo tình trạng bất ổn về chính trị cho Việt Cộng nhưng không có ảnh hưởng nhiều đến quyết định thả hay không thả tù cải tạo. Bọn Việt Cộng rất gian manh và chúng thường tìm mọi cách để giải thích các hiện tượng xã hội cũng như các quyết định để tuyên truyền. Đối với các gia đình thân nhân của người tù cải tạo, chúng giải thích là người tù học tập chưa tốt.

Số người được cho về sớm, đầu tiên là những người có quan hệ gia đình với bọn cán bộ Cộng Sản, có nằm vùng lập công trước 1975, sau đó đến các chuyên viên các ngành kỹ thuật. Trong những đợt xét tha có cả những người cấp bậc chức vụ lớn để tuyên truyền cho chính sách nhân đạo. Nhưng bên ngoài biết đâu những người này trước 75 có móc nối làm việc hai bên, hoặc những người có quan hệ gia đình với cán bộ cao cấp, hoặc những người quá già yếu cho về để chết ở nhà, những người hết sức đề kháng. Việt Cộng có thể thả một Đại Tá già vào thời điểm 1978. Nhưng mấy Thiếu Úy trẻ bị đánh giá là ngoan cố phải đến 1988 mới được thả. Việt Cộng quan tâm đến những người còn sức chống đối hơn là địa vị của tù nhân.

Tổ chức Phục Quốc tuy chưa gây được thiệt hại về vật chất cho Việt Cộng, nhưng sự nổi dậy của họ có nhiều giá trị:

– Về phương diện chính trị: cho thấy Việt Cộng không hoàn toàn chinh phục được nhân dân miền Nam, không phải chỉ có những người liên hệ đến chính quyền VNCH chống lại chúng như chúng đã tuyên truyền, mà những nông dân, công nhân là những người trước đây ủng hộ chúng đã chống lại.

– Về phương diện lịch sử: toàn dân Việt Nam đều mong mỏi đất nước độc lập thanh bình, người dân đã tham gia các phong trào yêu nước đánh thực dân Pháp, và Việt Cộng đã lợi dụng hoàn cảnh lịch sử đó để cướp đoạt quyền lãnh đạo kháng chiến.

Sau ngày 30-4-1975, các chiêu bài giải phóng dân tộc đã hết hiệu lực – Sự xây dựng xã hội chủ nghĩa không được dân chúng ủng hộ, nên phong trào chống đối nổi lên khắp nơi.

Tôi gặp Phố trong số anh em tù Phục Quốc đầu tiên tới trại Xuân Lộc. Tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt, vô binh chủng Biệt Động Quân, bị thương giải ngũ với cấp bậc Trung Úy. Phố hoạt động Phục Quốc bị bắt. Trong trại, Phố quy tụ được một số anh em cựu sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, có người trốn trình diện, có người đã là thương phế binh, và có cả những em còn là sinh viên sĩ quan khi Việt Cộng chiếm miền Nam. Hơn 10 anh em họ sống với nhau rất thân thiết, chia sẻ cho nhau từ món ăn nhỏ, đến những sự vui buồn trong những ngày tù tội đầy ải. Truyền thống Võ Bị Đà Lạt gắn bó họ sống thân thiết và có kỷ luật, giữ tinh thần huynh trưởng. Họ được các anh em trẻ quí mến, mỗi người tập họp được một số bạn khác.

Nhóm anh em đó thường tụ họp với nhau để trao đổi sự hiểu biết, kinh nghiệm, những nhận định về chế độ Cộng Sản, và họ cũng muốn duy trì một tinh thần chung cho những người tù bị bắt, dù nhiệt tâm chống cộng nhưng ô hợp không tổ chức. Những anh em sĩ quan trẻ này, cũng có những nhu cầu như Hoạt, như tôi khi sống chung với những tù nhân thế hệ trẻ, những người đối kháng sau 1975. Không nhiều thì ít chúng tôi đã có trách nhiệm trong việc làm mất nước, nên chúng tôi cũng phải có trách nhiệm với những người tù trẻ này. Chúng tôi không thể vô tình để mặc họ trước bao nhiêu những vấn nạn. Không thể tự tìm lấy lối sống khôn ngoan để tự bảo vệ lấy mình, làm Hàn Tín chịu luồn trôn hay Câu Tiễn nếm phân. Thực tế trong lịch sử Trung Hoa cũng như Việt Nam cũng không mấy ai đủ bản lãnh làm được như Hàn Tín và Câu Tiễn, nên những sự khôn ngoan lúc đầu nó là cái vỏ bảo vệ bản thân, nhưng rồi với thời gian chịu đựng, cái vỏ đó càng lúc càng biến thành một thứ xơ cứng đến khi muốn vùng lên cũng không còn đủ sức. Con người nhẫn nhục chịu đựng mãi qua thời gian lâu dài, sức phản ứng cũng bị tiêu tan như một cái lò xo bị nén lại lúc bung ra thì rất mạnh, nhưng nếu nén mãi không bung, sức đàn hồi bị tiêu diệt; khi sức đè nén bị cất đi cái lò so chỉ còn là một khoanh bẹp dí. Nhẫn nhục chịu đựng là một đức tính vô cùng quí báu của con người có đảm lược, nhưng với người bình thường trở thành sự nhu nhược. Chủ trương của Cộng Sản là tiêu diệt sức đề kháng của người bị chúng cai trị, chúng lấy thí nghiệm Pavlov với con chó cắt thực quản làm kinh nghiệm, làm cho người ta sợ hãi, làm cho con người phản xạ có điều kiện, lúc đầu là ý thức chịu đựng, nhưng dần dần thành thói quen. Chúng bắt một người tù gặp cán bộ phải giở nón chào, đi qua cổng gác phải giở nón cúi đầu, lúc đầu người tù làm vì bảo vệ an toàn cá nhân, nhưng nếu cứ làm mãi, làm mãi, trở thành thói quen, thấy cán bộ Cộng Sản là cúi đầu sợ hãi, không còn ý thức chống đối nữa. Không phải chỉ có những bài học tuyên truyền, bằng luận cứ một chiều, bằng những từ ngữ khuôn mẫu để tẩy não người tù; mà bằng cách sống hàng ngày, tạo sự sợ hãi và tuân phục cũng là một biện pháp tẩy não.

Chúng tôi thấy cần phải chống lại biện pháp cải tạo đó, để duy trì sức đề kháng, và chút hơi nóng còn sót lại trong bản thân của mình và truyền nhau giữ chung cái hơi ấm mỏng manh đó trong những người tù với nhau. Có nhiều anh em khác biết việc làm của chúng tôi, thương thì khuyên răn, ghét thì kê kích; họ gọi chúng tôi là những người ngu – nhưng chúng tôi cam chịu làm những người ngu. Có thể đất nước được xây dựng bằng những bộ óc khôn ngoan nhưng đất nước được bảo vệ bằng cả bàn tay của những người ngu lẫn người khôn. Dù có thể chịu nhiều nguy hiểm và thiệt hại, bản thân chúng tôi vẫn cố duy trì một hình thức chiến đấu trong tù, chiến đấu không phải để thắng, mà chiến đấu với bản thân, chiến đấu với những mưu toan của địch để duy trì sức đề kháng cần thiết.

Dịp Tết, gia đình thăm nuôi tấp nập, tù nhân qua lại thăm viếng nhau, tổ chức những bữa cơm bạn bè tập thể từ chiều 30 được nghỉ lao động. Anh em bên trình diện có nhiều phấn khởi vì họ nghĩ ra Tết chỉ khoảng hơn 4 tháng là hết hạn ba năm cải tạo, họ có thể được về. Khi các cửa nhà giam khóa lại sau buổi cơm chiều mọi người đều muốn giữ yên lặng để suy tư, nhớ về gia đình; không phải chỉ có mình họ ngồi trong tù tưởng nhớ mà giờ này gia đình cha mẹ vợ con cũng đang thổn thức nhớ thương. Một người nào đó như không chịu được không khí ngột ngạt nặng nề cất tiếng hát bài “Xuân này con không về”. Bài hát thật tầm thường, lời lẽ giản dị sao mỗi lần có người hát lên nghe buồn thúi ruột…. “Con biết bây giờ mẹ chờ mong con, khi pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi… nếu con không về chắc mẹ buồn lắm… đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ mang về cho tà áo mới, ba ngày xuân đi khoe xóm giềng…”. Tâm sự của người lính nơi chiến trường vì trách nhiệm không thể bỏ bạn bè để về thăm nhà mà nó da diết như vậy, huống hồ tâm sự của người tù, của những người đã mất nước không còn chiến trường để chiến đấu, không còn chiến tuyến để giữ, trở thành những người đói khổ, lếch thếch. Gia đình người tù không những buồn vì thương nhớ người thân mà còn phải lo chạy gạo hàng bữa nuôi con ở các chợ trời không đủ còn phải đem bán dần tài sản trong nhà từ cái áo quần, cho tới miếng gạch bông trong bếp hay miếng tôle đang lợp trên mái, cái gì cũng bán nếu thấy nó còn có thể bán được, nó không quá cần thiết cho sự sống bấp bênh hàng ngày.

Tiếng hát mới kết thúc là đã có tiếng phản đối:

– Hát buồn thúi ruột, hát bài khác cho vui không được sao. “Ly Rượu Mừng” đi, tiếng nói không có người hưởng ứng, người đó nói tiếp:

– Tết mà không có bài “Ly Rượu Mừng” là thiếu.

– “Ly Rượu Mừng” à, vô duyên quá, khung cảnh này mà mừng nỗi gì, mà chúc ai đây?

Một tiếng khác:

– Phải đó, hát bài nào cho hợp cảnh; “Ly Rượu Mừng” lạc lõng quá.

Người hát không chú ý đến những tán đồng hay phản đối chung quanh, với giọng thật buồn, anh chuyển qua ngâm thơ, anh thuộc gần như cả cuốn Chinh Phụ Ngâm lúc đọc lúc ngâm những câu thơ được anh diễn tả lúc hùng hồn, lúc tha thiết. Cả phòng không ai nói lời nào, mọi người đều lắng nghe. Nhiều tiếng thổn thức chứng tỏ có người đã khóc vì xúc động. Nhớ vợ con, nhớ cha mẹ anh em ở nhà. Hoàn cảnh giống nhau, tâm trạng giống nhau, cũng câu thơ, bài hát như xoáy vào trong lòng của người tù vào đêm 30 Tết chuẩn bị đón giao thừa. Người đàn ông nằm trong tù đày, những đàn ông đang bị đày đọa vì đã thua cuộc chiến, vì đã bỏ súng xuống mà không chiến đấu. Những người đàn ông không làm tròn bổn phận đối với tổ quốc và đối với gia đình, chỉ tội nghiệp cho những người đàn bà, khi trao thân ai cũng muốn cùng chồng sống hạnh phúc tới đầu bạc răng long, chỉ có tình yêu tổ quốc mới có thể đặt trên tình gia đình. Khi người chồng đi chinh chiến để bảo vệ tổ quốc, người vợ mới cam lòng làm kiếp chinh phụ nhưng ngày ra đi của người chinh phu thật đẹp đẽ và hào hùng (… giã nhà đeo bức chiến bào, thét roi cầu vị ào ào gió thu, … áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in…) và nhiều người vợ hiện tại cũng đã từng làm kiếp chinh phụ. Quảng Trị, Kontum, Bình Long, An Lộc… bao nhiêu địa danh bao nhiêu chờ đợi, người chinh phụ thời đại vẫn không sờn lòng. Nhưng rồi người chiến sĩ bỏ chiến trường, không chiến đấu. Ngày đi trình diện hay bị giặc bắt tận nhà đều thiểu não, còn đâu hình bóng hào hùng lúc chia tay, nếu không phải là một kẻ chiến bại ngơ ngác, thúc thủ gục đầu, còn đâu là hy vọng tương lai mong khúc khải hoàn về chốn triều trung hay chỉ là một kẻ đói rách còm cõi thân tàn ma dại, mà tháng tháng người vợ phải nhịn ăn, nhịn mặc mang thức ăn lên trại tù tiếp tế.

Tội nghiệp cho những người vợ ở nhà chờ chồng đi cải tạo, tiếng gì để gọi tên họ cho xứng đáng, vinh quang nào cho họ trong hoàn cảnh này.

Người mẹ, không có cái văn chương nào đủ để diễn tả được người mẹ Việt Nam, ngoài cái vinh dự cao quí nhất là đã đồng hóa mẹ với đất nước, “Mẹ Việt Nam” ai đã dùng ba chữ ngắn ngủi đó mà giá trị hơn cả ngàn bài thơ. Chỉ như thế mới xứng đáng với cái hy sinh của mẹ đối với con, của tình mẹ đối với con từ khi con lọt lòng đến khi con trưởng thành và kể cả con đã già. Ai mà không cảm động khi bà mẹ gần chín mươi tuổi lặn lội chống gậy mang đồ ăn từ Long Xuyên lên thăm con ở tù ở trại Xuân Lộc. “Ngoại đi thăm ai vậy ngoại?” “À, ngoại đi thăm thằng Hai,” thằng Hai tiếng gọi thật âu yếm của mẹ dành cho đứa con mà thằng Hai năm đó đã 64 tuổi.

Mẹ thương con, mẹ thương từ đứa con nên đến đứa con hư, đứa con thành công cũng như đứa con thất bại, vì tâm của mẹ không giới hạn, đứa nào mẹ cũng thương. Người cha cũng thương con, nhưng người cha vẫn thương đứa con thành công là ước vọng của người cha, hoài bão của người cha nhiều khi ông không đạt được. Cái trí của người cha nhiều khi làm cho tình thương của ông giới hạn, người cha cũng xót xa cho đứa con thất bại, nhưng không quí mến nó, và cũng có nhiều người cha ghét những đứa con hư; nhưng mẹ thì không vậy, vì mẹ sống với Tâm không giới hạn mà cha thường sống với Trí luôn luôn bị giới hạn.

Đêm giao thừa nằm nhớ nhà, người tù muốn dùng giây phút yên lặng thiêng liêng đó để trầm tư cho rõ lại thân phận mình và những lỗi lầm của mình trong thời gian qua, vì cuốn hút bởi cuộc sống, với những thành công cũng như thất bại, vui sướng hạnh phúc hoặc chán nản thất chí, người tù đều không có dịp để suy tư. Người tù đã thấy được cái tội lỗi của mình với nhân dân, cái tội buông súng không chiến đấu để bảo vệ cuộc sống tự do no ấm cho toàn dân, và người tù ước mơ, ước mơ có dịp chiến đấu trở lại.

Gặp gỡ đều đặn các anh em trong nhóm của Phố, trước tiên tôi khuyên họ nên đọc sách, trong nhà văn hóa có nhiều sách. Nếu anh em thấy cuốn “Tư Bản Luận” khó đọc thì đọc cuốn sách do Lénine viết, đọc để tìm hiểu thêm về Cộng Sản, cần đọc và chỉ đọc Lénine cũng đủ vì sách của Hồ Chí Minh hay các tác giả miền Bắc chỉ là những sách lập lại những gì Lénine đã viết. Cộng Sản Việt Nam muốn thần thánh hóa Hồ Chí Minh, ông ta có viết sách, làm thơ, nhưng tất cả ý kiến đều là lập lại, cóp nhặt; Hồ là một người đạo văn, đạo thơ trắng trợn nhất. Ở tù có 40 ngày ông ta viết tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký”, khi đọc Đường Thi mới biết ông ta cóp Đường Thi, có bài cóp nguyên chỉ sửa lại vài chữ, ý của ông chỉ lập lại ý của người xưa mà không ghi xuất xứ.

Anh em trẻ hầu hết đều chống việc đọc sách của Cộng Sản.

Cách thức tuyên truyền cái gì của địch cũng xấu, cũng dở và ngăn cấm tiếp xúc, tìm hiểu địch là cách thức của Đảng Cộng Sản đối với đảng viên và dân chúng của vùng họ cai trị, luôn luôn buộc đảng viên và người dân tin vào lãnh tụ và chỉ biết lý luận một chiều. Nhưng phía VNCH, các chính phủ trước cũng có sai lầm là cấm đọc sách Cộng Sản, nên sự hiểu biết về Cộng Sản quá ít.

Chúng ta đã theo chính sách giáo dục khai phóng, dân chúng có thể sử dụng mọi phương tiện truyền thông để tìm hiểu, thì không thể ngăn cấm bất cứ điều gì. Trong hoàn cảnh giao thời tranh tối tranh sáng của lịch sử, dân chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để học hỏi, họ có thể nhận định chưa chính xác, thì chính quyền cũng không nên ngăn cấm mà chỉ bổ khuyết bằng sự giải thích. Trong nhà tù những người có ý thức chống Cộng càng phải đọc sách của họ và vừa đọc vừa đối chiếu với thực tế, rất dễ tìm ra những sai lầm của họ, và hệ thống hóa những điều hiểu biết đó để chia sẻ với nhau. Chúng tôi đã lợi dụng được những bữa cơm, những buổi trưa nghỉ để trao đổi với nhau một số đề tài:

1- Các lý luận của Karl Marx trong tập Tư Bản Luận dựa trên sự đơn giản quá mức của sinh hoạt kinh tế vốn phức tạp và sinh động. Do đó, khám phá về “thặng dư giá trị” không đứng vững đưa đến kết luận về giai cấp bóc lột và bị bóc lột cũng sai, vì hiện tại đã cho thấy trong sự giao dịch giữa hai con người, hai tổ chức, hai quốc gia có thể đạt được lợi ích cho cả hai bên không cứ phải một bên có lợi và một bên bị bất lợi. Khối lượng tư bản được sử dụng trong quá trình sản xuất không phải để bóc lột giá trị thặng dư mà chính yếu là tái đầu tư tạo điều kiện để đẩy mạnh guồng máy sản xuất.

2- Chế độ Cộng sản chỉ phát triển tại các nước chậm tiến nghèo đói, mà không thể phát triển được ở các nước Tư Bản như Marx và Engels tiên đoán. Tại các nước Tư Bản, chủ thuyết Cộng Sản là một tư tưởng đối lập, để xã hội Tư Bản điều chỉnh những nhược điểm của họ nên các nước Tư Bản tổ chức xã hội càng ngày càng hoàn chỉnh hơn, trái với sự tiên đoán của Marx là “Tư Bản Sẽ Giẫy Chết”.

3- Lợi dụng được hoàn cảnh lịch sử và xã hội đầy bất công của chế độ Sa Hoàng. Lénine thành lập và phát triển Đảng Cộng Sản thành công để cướp chính quyền. Đảng Cộng Sản và chủ trương bạo lực là phương tiện để các nhà lãnh đạo củng cố chính quyền độc tài của mình, biến người dân thành một công cụ sản xuất. Tập trung Dân Chủ là một thuật ngữ để biện minh cho tính độc tài, đấu tranh giai cấp là một đường lối để tiêu diệt kẻ đối lập. Chính quyền Cộng sản trở nên lạc hậu hơn chính quyền quân chủ và phong kiến, không giải phóng giai cấp bị bóc lột mà họ biến đảng viên cộng sản thành một giai cấp mới bóc lột nhiều hơn bất cứ nhân viên các chính quyền từ trước đến nay.

4- Tôn sùng thần thánh hóa lãnh tụ. Đảng viên tin tưởng cuồng tín vào lãnh tụ. Đảng Cộng sản trở thành một tôn giáo xây dựng trên lòng thù hận. Mọi tôn giáo đều xây dựng trên tình thương đã tồn tại. Tôn giáo xây dựng trên thù hận không thể tồn tại được vì trái thiên nhiên, đi ngược lại tính người và ước vọng của con người. Chủ trương đấu tranh giai cấp từ 1976 đã bị một số đảng cộng sản ở Tây Phương như cộng sản Ý, cộng sản Pháp, cộng sản Nhật, là ba đảng cộng sản lớn ở các nước tư bản từ bỏ.

5- Phong trào chống cộng đang âm ỉ không dứt tại các nước Đông Âu, và định ước Helsinki năm 1976 sẽ tạo điều kiện để các phong trào đó lớn mạnh.

6- Mâu thuẫn Trung Quốc – Liên Xô không thể hàn gắn được. Trung Quốc đang đi tìm một đường hướng mới và muốn chứng tỏ mình là một mẫu mực phát triển cho các nước thế giới thứ ba, một chính quyền mạnh và một chủ trương kinh tế cởi mở.

7- Thuyết 4 thế giới của Brezinski nhằm đẩy mạnh sự chia rẽ của khối Cộng sản. Ba Lan là một điểm quan trọng để thực thi học thuyết đó vì Brezinski là người Ba Lan di cư.

8- Tại Việt Nam, Cộng Sản dùng chiến tranh giải phóng để ngụy trang cho cuộc xâm lăng của Cộng Sản Quốc Tế. Lénine đã viết rõ hai sách lược cách mạng, trong đó, cuộc cách mạng dân chủ nhân dân là bước một để đi tới Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa – chiến tranh giải phóng dân tộc là áp dụng linh động chiến lược đó.

9- Các lý thuyết gia Cộng sản đang truyền bá và cổ vũ cho lý luận về ba dòng thác Cách Mạng, sự tin tưởng này không còn vững vì “dòng thác số 1”, khối cộng sản thế giới chỉ là một đế quốc do Liên Xô chi phối đang có nguy cơ tan vỡ vì tinh thần quốc gia của nhân dân Đông Âu luôn luôn muốn nước họ độc lập với Liên Xô, gây ra một sự chia rẽ mà thế giới Tây Phương đang đẩy mạnh; ngoài sự chia rẽ đã có giữa Liên Xô và Trung Quốc. “Dòng thác 2” phong trào giải phóng dân tộc sẽ kết thúc khi các nước nhược tiểu độc lập. Thuyết 4 thế giới của Brezinski cũng giải tỏa không còn tương quan thuộc địa và mẫu quốc. Do đó, các nhà lãnh đạo ở các quốc gia này có tự do chọn lựa mô thức phát triển của họ, họ không có nguy cơ bị lệ thuộc trở lại mẫu quốc nên không bị đẩy một cách tự nhiên về phía Cộng Sản, “Dòng thác thức 3”, Cộng sản mong đợi là các phong trào đòi dân sinh ở các nước Tư bản, hệ thống an ninh xã hội ở các nước Tư bản giải quyết hầu hết mâu thuẫn chủ nhân và công nhân, tạo sự gắn bó quyền lợi của công nhân vào nhà máy (ưu điểm quản trị của Nhật Bản) – nếu có đấu tranh chỉ là những phản ứng và đòi hỏi nhỏ sẽ được giải quyết thỏa đáng với sự trọng tài của chính quyền. Do đó, những vận động đó không thể là phong trào làm sụp đổ chế độ Tư bản như Cộng sản mong đợi.

10- Chế độ Tư bản không phải là mẫu mực lý tưởng nhưng so với chế độ Cộng sản thì vẫn hơn. Người công nhân trong chế độ tư bản cũng phải làm để phục vụ quyền lợi chủ nhân nhưng họ được tự do và no ấm. Trái lại, công nhân trong chế độ Cộng sản được gọi là làm chủ xã hội nhưng không có tự do và bị nhà nước và Đảng Cộng sản bóc lột.

11- Các tác giả Cộng sản thường chỉ trích nạn thất nghiệp trong xã hội Tư bản. Điều này đúng; nhưng Tư bản đã giải quyết một phần nhờ quỹ thất nghiệp và chế độ an sinh xã hội. Chế độ Cộng sản tự hào là mọi người có việc làm không bị thất nghiệp. Nhưng thực tế, nhân công bị bóc lột, lương không đủ sống, làm việc không năng suất, tạo tình trạng thất nghiệp trá hình cho cả xã hội. Trong khi đó, đảng và nhà nước tập trung thành phần ăn bám không sản xuất quá đông đảo.

12- Vì hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, Việt Cộng sử dụng hữu hiệu lá bài dành độc lập dân tộc và họ dùng cả Viện Sử học để lý luận cho tính dân tộc, và tự nhận là thành phần yêu nước trong lúc họ miệt thị các thành phần dân chúng khác. Càng dùng lịch sử để ngụy chứng dân tộc, Cộng sản càng đi xa căn bản của họ là chính sách quốc tế. Khi nhu cầu giải phóng dân tộc không còn nữa, tuyên bố xây dựng xã hội chủ nghĩa họ đã đi ngược lại, tự mâu thuẫn với quá khứ.

13- Lịch sử Việt Nam không cần thiết phải qua giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và Marxism không thích hợp với văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là một văn hóa hội nhập và lọc lựa của Nho Thích Lão, và Ki Tô, văn hóa Việt Nam không chủ trương độc tôn như Marxism, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thống nhất, sự chia rẽ là do các âm mưu của nhà cầm quyền, nên chủ trương phân chia giai cấp, đấu tranh tiêu diệt thành phần dân tộc khác là sai lầm. Xã hội Việt Nam không có giai cấp tính những thứ bực trong xã hội thay đổi rất nhanh qua cố gắng của mỗi người.

14- Hồ Chí Minh là con người Cộng sản quốc tế. Cũng từ một người yêu nước đi tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ Pháp. Hồ Chí Minh quá tin vào chủ nghĩa Cộng sản, và nhờ sự giúp đỡ của Cộng Sản Quốc Tế ông đã đoạt được chính quyền trong tay thực dân Pháp lại đưa dân tộc vào con đường nô lệ mới, nô lệ tư tưởng Marxism và nô lệ cho đế quốc Liên Xô và Trung Quốc.

Vì Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản quốc tế, nên trong cuộc chiến tranh ý thức hệ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam trở thành một chiến trường tranh chấp và thử nghiệm của hai thế lực quốc tế. Dân tộc Việt Nam phải điêu linh và chết chóc hàng chục triệu người.

Nếu ông Hồ Chí Minh là người quốc gia, việc thu hồi độc lập ở Việt Nam dễ dàng hơn, không tốn xương máu, vì phù hợp với phong trào giải thực, kinh nghiệm các nước Indonesia, Malaysia, Miến Điện thu hồi độc lập dễ dàng là một minh chứng.

Sau năm 1975, nhiều nhà trí thức đã lập thuyết nhằm chống lại thuyết Cộng Sản, ai cũng nghĩ là một trong những khuyết điểm của chính quyền cũ là họ điều hành chống Cộng không có lý thuyết. Việc lập thuyết là việc của những bậc trí thức, triết gia, chúng tôi cũng chờ đợi để có lý thuyết hướng dẫn tư tưởng và có người lãnh đạo. Ở vị trí một người kém hiểu biết về triết học; chúng tôi chỉ đọc và suy nghiệm một số ý kiến để trao đổi với nhau để cùng nhau giữ một niềm tin và một chút hơi nóng để chống lại âm mưu hủy diệt của địch và để làm cho thời gian ở tù bớt vô ích. Tạo điều kiện cho đầu óc làm việc. Trí óc không làm việc con người trở nên yếu hèn và mụ mẫm đi, trong lâu dài con người sẽ trở nên đờ đẫn hết sinh khí, đó là chủ trương tiêu diệt sức đề kháng của Cộng sản. Cần phải chống lại chủ trương đó bằng cách giữ cho được sức đề kháng dù phải trả những giá đắt trong xà lim.

Suy nghĩ về tổ chức đảng và chính quyền Cộng sản, chúng tôi nhận thấy Cộng sản là một tổ chức đồ sộ gồm hai hệ thống Đảng và Chính quyền, bên cạnh đó còn có những đoàn thể ngoại vi, Đoàn, Đội. Một tổ chức phải có qui luật của nó, nên muốn hiểu Cộng sản phải tìm cho ra các qui luật điều hành bộ máy đó. Khuynh hướng phát triển tự nhiên của các guồng máy là càng ngày càng bành trướng đưa đến sự phí phạm nhân lực và tài chánh bởi những khu vực vô ích hoặc không hợp thời. Tính nguyên tắc và sự bó buộc tôn trọng nguyên tắc đưa đến tính thư lại bàn giấy, kém hiệu năng. Cán bộ trong một hệ thống tổ chức vừa nặng nề, thư lại vừa độc đoán tàn nhẫn như vậy không thể nào có sáng kiến vì rõ ràng là sáng kiến nếu đúng không đem cho họ một lợi ích nào hoặc rất ít – ngược lại nếu sai họ sẽ bị trừng phạt một cách rất nặng. Từ đó, thái độ đương nhiên là họ phải tìm cách bảo vệ bản thân bằng cách dựa vào luật lệ cứng nhắc và sự trình báo tốn thì giờ.

Kết lại, trong một tổ chức như vậy, nếu người lãnh đạo muốn phục vụ dân thì tổ chức cũng không phục vụ được, muốn sửa đổi không thể sửa đổi được. Đảng Cộng sản chỉ có thể là phương tiện tranh đoạt chính quyền mà không thể làm cách mạng xã hội.

Trường hợp ở nhà tù, cán bộ quản lý ở trại trình gia hạn bản án tập trung để Bộ Nội Vụ sẽ thuận đề nghị một cách rất dễ dàng – nhưng ngược lại nếu trình xin thả một người tù rất khó khăn và có thể đưa đến cho người đề nghị nhiều phiền toái nếu người tù được tha lại tái phạm.

Chính sách của Cộng sản đã phi nhân, tàn nhẫn mà tổ chức chính quyền còn làm cho sự tàn nhẫn đó tăng thêm nữa.

Hệ quả khác của tính tổ chức là Cộng sản nhằm tiêu diệt các tổ chức đối kháng một cách triệt để. Lénine đã phân biệt một hành động có tính tự giác và tính tự phát. Họ đánh giá cao tính tự giác do đó kinh nghiệm rút ra là đừng để Cộng sản phát hiện tính cách tổ chức khi hoạt động, nếu bị phát giác làm cho họ tin đó là hành động cá nhân lẻ tẻ.

Về sau vì số các em càng đông, không thể ngồi nói chuyện được, anh em đề nghị làm tài liệu viết. Thể thức này rất khó khăn và tốn thì giờ, nguy hiểm và dễ bị khám phá, và khi khám phá thì không chối được yếu tố buộc tội. Tuy nhiên nó có lợi là có thể phổ biến được rộng rãi hơn; công việc làm cũng trở nên quan trọng hơn, tập đức tính cẩn thận cho anh em khi làm việc, khi đọc và có thể càng làm việc khó anh em trở nên gắn bó hơn.

Chúng tôi bắt đầu phổ biến tài liệu viết, đặt tên là tập “Rèn Luyện”. Thể thức phổ biến là lập các địa điểm hộp thư tại sân khấu hội trường, anh em thân thiết tin cậy được chỉ những hộp thư đó, đọc xong để lại và thống nhất cách khai nếu bị bắt, khai là lượm được tò mò đọc chơi không biết của ai. Những anh em có nhiệm vụ “lên khuôn” cố gắng viết chữ in và tránh nét chữ quen thuộc của mình để tránh điều tra phát hiện. Tài liệu “Rèn Luyện” được duy trì cho tới tháng 3-1979, đa số anh em chuyển trại vào khu nhà xây mới chấm dứt.

Đến giữa năm 1978, tù bên phía trình diện bắt đầu thất vọng vì hết hạn ba năm họ không được thả theo chính sách qui định. Cái buồn của anh em trình diện nhưng là sự thuận lợi chung của trại tù. Anh em trình diện bắt đầu hiểu Cộng sản hơn, sự cách biệt giữa hai thành phần tù được xóa đi và tù sống thông cảm nhau hơn; anh em tham gia nếp sống chung ở trại hơn là tìm cách đi riêng để tìm thuận lợi do bọn cán bộ Cộng sản ban phát.

Chúng tôi được anh em đội nhà bếp thông báo trong lần chở bắp đi đổi khoai mì, cán bộ hậu cần và cán bộ quản giáo nhà bếp thông đồng nhau chở về 10 tấn khoai mì thối của kho thực phẩm huyện Xuân Lộc. Trại sản xuất chính là ngô trắng, ngô dùng ăn độn là phần tự túc của trại cùng với phần tiêu chuẩn gạo của Bộ Nội Vụ. Theo công thức đổi các loại lương thực của nhà nước Việt Cộng đề ra là gạo = 2 ngô = 3 khoai lang = 4 khoai mì tức 1kg đổi 4kg khoai mì. Như vậy tiêu chuẩn phần ăn là 15kg gạo cho mỗi người tù trong một tháng; nếu độn 50% thì đáng lẽ phải ăn 7.5kg gạo + 15kg ngô hoặc 7.5kg gạo + 22.5kg khoai lang hay 30 kg khoai mì (sắn). Nhưng quản lý trại đã ăn gian chỉ cho ăn 7.5kg gạo + 7.5kg ngô, hoặc 7.5kg khoai các loại – tức là giảm lược tiêu chuẩn tổng cộng chỉ 15kg dù ăn loại lương thực nào. Đó là bước gian lận thứ nhất. Bước thứ hai là chúng đem ngô trắng chúng tôi sản xuất ra kho huyện đổi thành ngô đỏ. Giá ngô trắng gấp đôi giá ngô đỏ.

Đến năm 1978 thì mức độn càng cao, chúng càng ăn gian qua bước thứ ba là đem ngô đổi khoai mì khô. Tù nhân vẫn chịu đựng. Họ sống nhờ vào quà gia đình thăm, người không có gia đình tiếp tế thì nhờ anh em khác hay là phải… khắc phục. Tù càng chịu đựng chúng càng tăng thêm sự bóc lột. Ban quản lý ăn gian từ ngô ra sắn, hai thằng cán bộ lẻ tẻ lại ăn gian bằng cách nhận sắn mục thối của kho hợp tác xã để lấy tiền riêng.

Nhà bếp lưu ý nếu anh em không có ý kiến thì sẽ ăn khoai mì thối dài dài vì ngoài huyện cả kho hàng mấy trăm tấn bị hư hỏng vì quản lý kém ngoài việc đẩy cho tù chịu họ không có cách giải quyết khác.

Hội ý chớp nhoáng nhiều anh em, các đội đưa đến quyết định là lần phát khoai thối đầu tiên sẽ trả lại không nhận.

Kết quả 23 đội tù ở phân trại, trừ “đội 1 hoàng gia” toàn anh em tù có thân thế đi làm các công tác lẻ tức công tác phục dịch cán bộ và giữ an ninh trật tự, các chức vụ tự quản coi nhà thăm nuôi, văn hóa, y tế, chăn nuôi, đội 1 “xe be” là đội được tin tưởng đi làm xa lấy gỗ trong rừng sâu làm lợi cho giám thị trại và đội 23 của đội trưởng thiếu úy cảnh sát Nghĩa – còn 20 đội gồm cả 2 thành phần trình diện và bị bắt đều không nhận khoai mì thối. Thiếu úy Nghĩa, người đã “cương quyết giúp đỡ”, cho anh em cải tạo tức là báo cáo rất kỹ hành động của các bạn tù trong đội anh, đồng thời anh đã góp ý kiến rất nổi danh để xây dựng trại, xin cho tù đi làm ngày mưa vì theo anh “mưa lớn, xem như mưa nhỏ, mưa nhỏ xem như không mưa.” Ban chỉ huy không chấp nhận. Cho tù nghỉ mưa không phải chúng thương tù phải lao động dưới mưa ướt mà chúng sợ nhân trời mưa tù trốn.

Hai mươi đội trả phần ăn để phản đối, lần đầu tiên xảy ra trong trại tù Xuân Lộc. Cộng sản luôn luôn đấu tranh trong nhà tù mục đích để đạt được điều chúng đòi hỏi nhưng đồng thời là kỹ thuật rèn luyện cán bộ, cán bộ được tổ chức, học tập, luôn luôn phải có hành động cụ thể như là học tập.

Cái gì Cộng sản thường làm thì chúng ngăn cấm người khác làm. Chúng học văn hóa trong trại tù, chúng ngăn cấm tù học văn hóa, chúng thường đấu tranh trong nhà tù chúng quyết liệt tiêu diệt đấu tranh.

Thượng úy Vinh, trại phó kiêm phân trại trưởng họp các đội trưởng và đích thân xem xét lại thức ăn. Các đội trưởng hoan hỉ khi nghe hắn nói: “Đúng là khoai thối, lợn cũng không ăn được,” hắn chỉ thị nhà bếp ra kho cán bộ đem gạo về nấu ngay phần cơm bù thế, và ngày mai chở khoai mì thối ra lấy gạo. Anh em được một bữa bàn tán và khỏi sinh hoạt trước giờ ngủ – 9 giờ tối nhận bữa cơm trắng ngon lành.

Quyết định của tên phân trại trưởng quá dễ dàng và “quá dễ thương” nên chúng tôi rất nghi ngờ, thông báo anh em cẩn thận để tránh sự điều tra và thu lượm tin tức của hệ thống an ten (tù nhân làm tay sai báo cáo).

Quá phấn khởi trước sự đồng lòng của anh em tù không nhận khoai mì thối, anh Trần Danh San họp nhóm anh em trẻ mới gia nhập tổ chức nhân quyền của anh để biểu dương thành tích. Việc làm của anh San đem lại cho anh hai điều hại, anh bị bọn an ten phát hiện báo cáo đồng thời gây ra một sự mất đoàn kết. Các nhóm chính trị khác chỉ trích anh là người “cướp công”, vì việc trả khoai là hành động chung của toàn thể người tù không riêng gì của tổ chức chính trị nào.

Anh Trần Danh San là một luật sư tại Đà Nẵng – một người có kiến thức rất uyên bác và nhiều ý kiến sâu sắc. Anh là mẫu người trí thức dám dấn thân để đấu tranh, dám làm, dám chịu. Trong thời gian ở trại tạm giam và sau này ở trại lao động lúc nào Anh San cũng tuyên truyền các lý luận chống Cộng, tổ chức và thúc đẩy đấu tranh. Anh San có ưu điểm là sự chịu đựng bền bỉ, tính kiên trì đáng phục. Ngay khi bị cùm chân trong xà lim tối, Anh San vẫn đều đặn tập thể dục để giữ cho thân thể không hủy hoại, tê liệt, và luôn luôn suy nghĩ và trao đổi ý kiến và lý luận chống Cộng Sản với người khác. Sinh hoạt và tập thể dục trong xà lim để chống lại sự hủy hoại và sự chết là một kinh nghiệm quí báu của Anh San đã giúp chúng tôi tồn tại sau những thời gian bị giam cầm kỷ luật có những lần kéo dài hơn cả hai năm.

Trần Danh San bị bắt giam vào xà lim vì bị xem như là người cầm đầu xúi giục đấu tranh trả khoai mì thối. Tinh thần anh em lung lay, sợ hãi; nên tên Thượng úy Vinh cho chở lại 10 tấn khoai mì thối. Anh em không ăn được thì lấy đổ đi không trả lại nữa. Qua kinh nghiệm này, chúng tôi rút được một kết luận là Cộng sản quan niệm mọi hành động đều phải có người cầm đầu xúi giục; và khi chúng tìm ra người lãnh đạo hay gán cho một người nào đó trách nhiệm lãnh đạo thì công việc xem như đã giải quyết phần lớn, chúng cũng không truy cứu tiếp tục.

Chúng tôi khẳng định đấu tranh trong nhà tù Cộng sản chỉ nhằm mục đích duy nhất là duy trì sự phản kháng để nhà tù không phải chỉ là nơi người tù cam chịu một cách tồi tệ, nhục nhã. Cuộc đấu tranh trong nhà tù hoàn toàn đơn độc – khác với trường hợp tù nhân Cộng sản trước kia – họ đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo và liên hợp với bên ngoài và còn đạt được sự ủng hộ của dư luận quốc tế do mặt trận ngoại giao của họ đem lại. Họ đấu tranh để thắng, tù nhân chúng tôi đấu tranh chỉ để truyền cho nhau chút hơi ấm và một niềm tin tương đối mỏng manh, đấu tranh để giữ danh dự.

Sau thời hạn 3 năm anh em không được về, đã làm nhiều người thức tỉnh và họ chịu hiểu hơn về Cộng sản. Cán bộ trại chính thức giải thích ba năm chỉ là một mốc thời gian; như vậy người tù cải tạo có thể ở 3 năm, 6 năm, 9 năm, 12 năm hay 15 năm…

Thuật ngữ “tập trung cải tạo” đã đánh lừa được nhiều người, rất nhiều người kể cả người Việt Nam cũng lầm tưởng là “tập trung cải tạo” không phải là tù, hoặc nhẹ hơn tù có án. Khởi đầu mức độ tội phạm của họ là nhẹ, nhưng khi thụ hình cũng cùng một qui chế như người có án, từ việc mặc quần áo có đóng dấu, mức lao động, chế độ ăn uống hoàn toàn như nhau.

Sự khác biệt chỉ ở vấn đề quản lý hồ sơ; một người tù có án do tòa phán quyết, khi thụ hình, công an quản lý họ, trách nhiệm công an phải theo dõi và ghi hồ sơ cải tạo, nhưng thực tế, công an quản lý không bị gắn chặt vào trách nhiệm với người tù, nên nếu người tù không phạm một tội nặng khác họ sẽ được thả ra khi hết án. Ngoài ra luật pháp của Cộng sản cũng có cơ hội đặc xá, giảm án hàng năm cho tù có án.

Ngược lại, đối với tù cải tạo tập trung, khởi đầu mức độ tội phạm nhẹ, tòa án không thụ lý, giao quyền cho công an xử trên quan điểm bảo vệ an ninh xã hội. Công an có quyền xử tập trung mọi người trong thời hạn ba năm, có tái hạn. Sự tàn nhẫn nhất là quyền tái hạn tập trung trong ba năm và không có giới hạn, tức là hết ba năm gia hạn thêm ba năm khác nếu họ kết luận người tù chưa cải tạo tốt.

Từ cơ quan công an xử lý tội tức các ty sở công an, giao qua công an quản lý tức cục quản lý trại giam mà đại diện là bộ chỉ huy các trại tù. Công an ở trại cải tạo có trách nhiệm quản lý và theo dõi thái độ cải tạo của người tù tập trung cải tạo và họ có quyền đề nghị gia hạn hay xét tha sau suốt các mốc cải tạo ba năm; nguyên tắc thì không khác với sự quản lý tù có án, nhưng đối với cơ quan công an, tội trạng của tù có án đã được tòa án quyết định rồi, trách nhiệm của họ với người tù có án không quan trọng. Trái lại trách nhiệm của công an quản lý với người tù tập trung rất nặng nề.

Trong một hệ thống chính quyền đầy tính thư lại, nặng nề và tàn nhẫn, cơ quan công an quản lý phải tự bảo vệ họ trước nên họ không dám đề nghị xét tha rộng rãi cho tù cải tạo. Họ phê xấu để gia hạn tập trung là một việc thông thường, nhẹ nhàng nhưng rất tàn nhẫn. Ngoài ra cũng từ tính thư lại, tắc trách của hệ thống chính quyền quản lý đó, những đề nghị xấu tức đề nghị gia hạn tập trung lại được chấp thuận dễ dàng ở Bộ Nội Vụ, mà đề nghị xét tha thì rất khó được chấp thuận vì qua mỗi cấp độ quyền hành họ cắt bớt. Sợ trách nhiệm là đặc tính của chính quyền Cộng sản làm họ giải quyết chậm chạp mọi việc. Do đó, trên thực tế, vận mạng của người tù cải tạo tập trung được quyết định tăng án ở cấp thấp nhất và được quyết định thả ra ở cấp cao nhất. Một lỗi nhỏ trong thời gian thụ hình như ăn cắp một củ khoai bị phạt 7 ngày giam xà lim sẽ không ảnh hưởng đến việc tha ra trại khi mãn án đối với người tù có án. Nhưng cũng với lỗi lầm nhỏ đó, là một yếu tố chắc chắn để gia hạn tập trung ba năm khác.

Một phường trưởng, một công an khu vực có thể đề nghị tập trung cải tạo một người dân, nhưng khi thả ra cấp quyết định thấp nhất phải là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ chiếu đề nghị của Cục trưởng quản lý trại giam.

Về phía tập trung cải tạo hình sự, có nhiều trường hợp điển hình cụ thể, thời gian 1975, 1976 khi người dân miền Nam chưa hiểu ý nghĩa của sự học tập cải tạo, có nhiều gia đình có con ngỗ nghịch hay bỏ học, khuyên răn không được, đưa lên phường nhờ giáo dục, phường đề nghị đưa đi tập trung cải tạo, sau thời gian gia đình thấy đủ để phạt con em mình, làm đơn xin cho con được tha, phường không có thẩm quyền tha, đưa lên quận cũng không có quyền tha, sở cũng không có quyền; vì quyết định tha phải từ bộ, sở chỉ làm đề nghị và chuyển đơn của gia đình lên bộ. Bộ chưa cứu xét thì đứa con đã chết trong trại cải tạo vì sốt rét.

Đó là phân tích trên ý kiến là các cán bộ ở mọi cấp của Cộng sản có thiện chí giúp người dân mà họ cũng đành bất lực trước nguyên tắc của tổ chức. Trong khi thực tế, người cán bộ Cộng sản không “dễ thương” như vậy, tuyệt đại đa số là những người rất ác, vì Đảng dạy cho họ hận thù mà không dạy cho họ tình thương. Con người bản chất có tính ác và tính thiện, nhưng tính ác dễ phát triển hơn tính thiện; điều kiện xã hội tốt tính thiện phát triển, cô lập tính ác; điều kiện xã hội xấu tính ác phát triển tiêu diệt tính thiện. Xã hội Cộng sản, con người chỉ phát triển tính ác. Tóm lại, chế độ Cộng sản được xây dựng trên một lý thuyết sai lầm, dùng hận thù làm một động lực kết hợp và phát triển, khai thác tính ác, tính xấu và tính đố kỵ bần tiện của con người; tổ chức nặng nề và thư lại nên chế độ Cộng sản là một chế độ cực kỳ xấu xa, con người Cộng sản hầu hết là những người độc ác và đê tiện. Dân chúng sống trong chế độ Cộng sản cực kỳ nghèo đói, khổ sở.

Năm 1978, Việt Cộng lại đổi tiền, mở chiến dịch đánh tư sản. Sau lần đánh tư sản thứ hai, người dân lại nghèo hơn nữa – phải ăn bo bo thay gạo. Bo bo là nông sản dùng cho ngựa ăn, hạt tròn tròn bằng đầu mút đũa, có vỏ dầy, dẻo như cao su, ăn vào không tiêu, hôm sau bài tiết ra nguyên hột. Bo bo, Việt Cộng gọi là cao lương, một trong những tài của Cộng sản là sự giải thích và sử dụng từ ngữ, việc tệ hại đều có những giải thích nghe hợp lý, có những nhà trí thức được trả lương để làm công việc giải thích. Trong xã hội Cộng sản, có nhiều từ ngữ được sáng tạo để phục vụ chủ trương đường lối giải thích tô hồng chế độ, suy tôn lãnh tụ mà không cần biết thực chất.

Trại tổ chức học tập nói về thắng lợi to lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm viếng Ấn Độ. Bà Thủ tướng Indira Gandhi đã trải thảm đỏ từ phi trường về đến nhà quốc khách. Bà quả phụ Nehru nhận ông Phạm Văn Đồng là em nuôi. Trong chuyến công du “thắng lợi vĩ đại” đó, có hai văn kiện được ký kết. Thứ nhất sự trao đổi hàng hóa Việt Nam đổi gạo lấy bo bo của Ấn. Một tấn gạo đổi lấy 4 tấn bo bo và văn kiện thứ hai là Ấn Độ viện trợ cho Việt Nam 4 con trâu Murat để lấy sữa và gây giống – nhà nước làm lễ thật lớn để nhận 4 con trâu và đem về nuôi ở trại nông nghiệp Tam Đảo.

Chuyện về kinh tế của một nước mà như chuyện diễu, thắng lợi thật vĩ đại với 4 con trâu sữa, trong lúc toàn dân đang đói, nền kinh tế đang xuống dốc.

Cán bộ giáo dục cũng giải thích sự khôn ngoan ưu việt của các lãnh đạo Đảng qua việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký với Thủ tướng Ấn Độ hiệp ước giao thương đổi một tấn gạo lấy 4 tấn bo bo của Ấn Độ.

Cuối buổi thuyết trình tài liệu học tập, cán bộ giáo dục còn khoe uy tín của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hắn nói: “Bây giờ nước ta là một cường quốc chính trị, ta sẽ làm cố vấn cho mọi phong trào chống đế quốc trên thế giới, những nhà lãnh đạo của Đảng ta đi tới đâu cũng được đón tiếp long trọng; trong hội nghị các nước phi liên kết ở Colombo, các nhà lãnh đạo trên thế giới không ai dám phát biểu, phải đợi Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trước rồi họ mới phát biểu tiếp theo sau”. Hắn nói rất thành thật. Tội nghiệp cán bộ Cộng sản khi họ nói họ tin lời nói của họ là thật nên nói không ngượng miệng. Trình độ hiểu biết cán bộ quá thấp, họ nói theo bài học cho Đảng viết ra. Họ tin vào tài liệu dối trá của Đảng.

Chính sách ngu dân của Đảng Cộng sản có kết quả khi trình độ dân trí còn thấp, giờ đây trước nhóm người nghe là tù nhưng có trình độ hiểu biết khá, nên cảnh học tập thật buồn cười. Người nghe bị buộc phải ngồi nghe, nên miễn cưỡng, còn người nói dóc lại tin là mình nói thật, nên giảng viên không biết mình trở thành tên hề diễu dở.

Chế độ Cộng sản có thể phát triển trong xã hội nghèo đói, bất công, trình độ dân trí thấp kém. Khi dân trí đã cao, đời sống kinh tế sung túc, không ai tin được những lý luận của Cộng sản nữa.

Hoàn cảnh kinh tế càng ngày càng xuống dốc thê thảm ảnh hưởng cả nước không riêng gì trong trại cải tạo. Gia đình bên ngoài dù thiếu ăn vẫn tìm mọi cách để thăm nuôi tiếp tế, người trong tù cũng hiểu hoàn cảnh ở nhà, nhưng vẫn chờ đợi giỏ đồ thăm vì nếu không có thăm nuôi hàng tháng hay vài tháng một lần không ai chịu đựng nổi. Đi làm lao động kiếm thêm ngọn rau dại, củ sắn, khoai mì còn sót, bắt con dế, cào cào, châu chấu, chuột, nhái, bất cứ vật gì có thể ăn được. Nhưng người đông, phạm vi lao động đi lại trong đám ruộng nhỏ bé, đâu dễ gì tìm ra cọng rau hay sinh vật ăn được, chỉ những anh em được làm ruộng, làm tự giác, chăn nuôi, làm rừng mới có thể tìm thêm miếng ăn bằng cách đó thôi. Còn các đội đào ao, làm đường, đập đá thì cứ tiêu chuẩn nhà nước chén cơm, chén khoai mì và muỗng nước muối mỗi ngày và chờ gia đình.

Hình ảnh của khu kinh tế mới Xuân Trường bên cạnh trại làm cho anh em tù càng lo nghĩ về gia đình nhiều hơn. Họ là những người dân nghèo ở Saigon trong những ngày đầu sau 30-4-1975, họ được cấp phát gạo cứu đói, sau đó lãnh gạo cứu đói là một lý do vững chắc để phải đi vùng kinh tế mới, họ cũng còn là gia đình của những sĩ quan viên chức đi cải tạo vì sợ nên sớm chấp hành chính sách giãn dân; những người đi sớm nên còn được đến vùng Long Khánh này không có nước độc. Những người bị cưỡng bức về sau bị đưa lên các vùng Bình Long, Sông Bé, Tây Ninh, nước độc và sốt rét chết bao nhiêu người. Làm ngoài bãi lao động gặp những trẻ em, phụ nữ đi tìm rau dại, đi mót ngô, khoai mì còn sót trong các ruộng của trại cải tạo. Khu kinh tế mới nghèo lắm, nhà cửa được làm sơ sài không che nổi nắng. Trời mưa thì dột như xối, đó là công trình của thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới cho dân. Chế độ Cộng sản người ta làm gì cũng giả dối, cái gì rồi người dân cũng phải chịu không ai dám phê bình phản đối. Nếu đọc báo những bài phóng sự về công tác của thanh niên xung phong, người ta có cảm tưởng đó là hiệp sĩ của thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng có ở vùng kinh tế mới, có biết một vùng kinh tế mới, thì sẽ thấy cái tinh thần tắc trách của đám “hiệp sĩ” đó.

Tin về một vụ tự tử ngoài khu kinh tế mới làm trong trại xôn xao. Hai chị em gái đang tuổi thanh niên, cha là một sĩ quan đi cải tạo, mẹ ở nhà đi mất biệt theo tình nhân mới, bỏ lại 5 đứa con, hai gái lớn và 3 con trai. Cô chị 18, cô em 16 phải bỏ học ở nhà bán chợ trời nuôi em. Vừa buôn bán chợ trời, vừa bán đồ nhà tưởng đắp đổi qua ngày chờ cha cải tạo hoặc mẹ hồi tâm trở về. Không may nhan sắc cô gái 18 tuổi lọt vào mắt xanh của tên bí thư phường ủy, tuổi đã gần 40, thuyết phục giúp đỡ để dụ dỗ không xong, đến đe dọa cô gái vẫn không chấp thuận. Tên bí thư phường đã trả thù bằng cách đưa cả gia đình đi kinh tế mới. Năm chị em mới ngày nào sống dưới sự che chở của cha mẹ êm đềm hạnh phúc; thời thế đổi thay, xáo trộn đời sống nhưng trời xanh cay nghiệt lại bắt các em chịu sự thay đổi nặng nề quá.

Không tiền, không sức khỏe, không biết làm nông, nhận một căn nhà lụp xụp trên đồi tranh, các em không biết cách gì để sống ngoài đi làm lặt vặt như mót củi, hái rau. Chịu đựng không nổi hoàn cảnh đó, hai chị em gái đã tự tử chết để lại bức thơ, hai em cho biết mua thuốc độc về định giết chết cả 5 chị em, cuối cùng nhìn các em còn thơ ngây hai chị lại không nỡ nên nhờ bà con trong khu thương tình nuôi giúp ba em, chờ ba mẹ về nhận. Bà con khu kinh tế mới đem xác hai em chôn trên một ngọn đồi nhìn vào trại cải tạo như để hai em trông chờ một người cha trong đó.

Thảm kịch làm bàng hoàng mọi người tù, ai cũng thương cảm các em và trách người mẹ – người nào cũng liên tưởng đến bản thân mình, đến vợ con ở nhà, qua ba năm cải tạo bao nhiêu là cay đắng. Nhiều người vợ vẫn kiên trì nuôi con chờ chồng, nhưng thời gian còn dài, hoàn cảnh kinh tế càng khó khăn, sức người có hạn, mỏi mòn trông ngóng và chịu đựng không biết đến bao giờ.

Thảm kịch của hai em nhỏ vùng kinh tế mới chưa hết xúc động thì thêm một chuyện đau lòng khác lại được truyền lan trong trại. Chuyện riêng của một người nhưng cũng thành cái đau chung của mọi người. Kỳ thăm gặp vừa qua, vợ bác sĩ T lên thăm để từ giã anh, chị báo tin là thăm lần cuối cùng. Bác sĩ T còn trẻ, anh là một Đại úy Bác sĩ trưng tập. Chị T đẹp lắm, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, ông trời thật đa đoan, không cho ai hạnh phúc trọn vẹn; nhất là ông trời cay nghiệt với phái yếu, người con gái sinh ra không có nhan sắc đã là cái khổ cho họ và nếu có nhan sắc rồi cũng chịu cái khổ do đời đưa đến. Chồng đi cải tạo, chị T dấn thân đi buôn bán để nuôi gia đình – chị đi buôn hàng lậu từ Nha Trang về. Nói là hàng lậu nghe ly kỳ nhưng sự thật chị đã đi buôn cà phê; cà phê dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là một thứ quốc cấm. Khối xã hội chủ nghĩa chỉ mới có Việt Nam là xứ nhiệt đới, nên sản phẩm nhiệt đới như trà, cà phê, hồ tiêu, quế, trầm hương đều trở thành món hàng hiếm có trong khối các nước anh em. Việt Nam là con nợ, bán hàng trả nợ, nợ súng đạn mà lúc sinh tiền ông Hồ đã cả quyết là con cháu sẽ trả được. Ông đâu có biết được khi ông quyết định dùng súng đạn đánh miền Nam rồi con cháu sẽ trả nợ súng đạn đó, sẽ đem lại sự đau khổ cho dân chúng đến bao giờ không? Khi chiến tranh thì khổ sở chết chóc vì bom đạn; hết chiến tranh thì phải dồn nỗ lực để trả nợ. Ông đày ải dân chúng từ thế hệ này qua thế hệ khác để thỏa mộng giải phóng của ông.

Miền Nam trước 1975, người ta chỉ sợ chết vì chiến tranh mà không sợ đói, không có người tự tử vì đói, không có cán bộ hạ tầng cưỡng bức dân, không được ép dân đi kinh tế mới. Không có tình trạng người đàn bà vừa phải nuôi con, vừa phải nuôi chồng trong tù. Miền Nam trước đây có trại tù, nhưng tù được nuôi no đủ. Ông có biết cán bộ của ông ở tù đấu tranh vì mỗi ngày phải ăn cá khô, mà là cá khô sặc, Hoàng Quốc Việt viết: “Bọn ngụy quyền tàn ác bắt tù phải ăn cơm với cá khô mỗi ngày.” Ông có biết là những người cán bộ thấy bị ăn cơm với cá khô mỗi ngày là một việc không chấp nhận được. Khi họ nắm chính quyền, họ cho tù ăn gì không? Gạo hẩm với nước muối đã là một ân huệ, phải ăn độn đến 80%; mỗi tuần chỉ có hai buổi cơm, còn 12 buổi khác phải ăn khoai mì mục. Cá khô không bao giờ có trong nhà tù của chế độ ưu việt do ông lập ra, nếu có cá khô đó là một bữa đại tiệc của tù trong chế độ Cộng sản. Miền Nam trong thời chiến tranh bị xem là lệ thuộc kinh tế, nhưng người dân được đầy đủ tất cả, cà phê, trà, tiêu, là những sản phẩm tự do, ai muốn mua bán cũng được, lúc nào cũng có, không phải là thứ qui hoạch nhà nước và bị xem là hàng quốc cấm.

Trước kia người dân miền Nam buôn bán gạo, nông sản người ta kể hàng trăm tấn, hàng ngàn tấn. Theo lời kể của cán bộ đó là phồn vinh giả tạo, nhưng đến khi “đất nước ta hòa bình, đất nước ta giàu đẹp, tiền rừng bạc bể do những đỉnh cao trí tuệ của loài người, lương tâm của thời đại, do Bác muôn vàn kính yêu của đảng Cộng sản bách chiến bách thắng và chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch” thì buôn bán gạo trên giỏ hàng vài ký, nông sản khác cũng buôn lậu tính theo đơn vị hàng ký lô. Người dân được cho ăn nhiều từ ngữ đẹp để thay cho gạo cơm.

Chị T đã đi buôn lậu cà phê từ Nha Trang về Saigon. Đi buôn lậu nhờ sự che chở của những bọn tài xế và lơ xe đò hoặc phải móc ngoặc với bọn công an. Chị đã kể lại với anh T là chị đi nhiều chuyến qua cũng kiếm được ít tiền để nuôi gia đình, lúc đem hàng lên xe nhờ tài xế cất giấu cán bộ, chị góp vốn buôn càng ngày càng nhiều hơn. Sự đời đâu có trôi êm ả cho một người đàn bà trẻ cô thế mà lại đẹp não nùng. Tài xế xe đò là tên gian ác, nó lừa hôm chị mua nhiều cà phê, nó chạy xe đến trạm nghỉ buổi tối, trắng trợn đề nghị chị phải ăn nằm với hắn, nếu không đến trạm gác công an, hắn sẽ chỉ để công an bắt. Khó khăn nào bằng khó khăn của chị T lúc đó, phải chọn một bên là tiết hạnh, danh dự một bên là cái ăn của gia đình. Cuối cùng chị đã đành nhắm mắt để bảo vệ món hàng. Chị quá đau khổ, thấy không còn xứng đáng với chồng nên chị quyết định lên thăm anh và nói sự thật với anh T lần cuối cùng rồi đem con ra khỏi gia đình chồng. Tai nạn của chị T không phải chỉ một mình chị mà là một trường hợp khá phổ biến – nhiều người đàn bà đi buôn hàng chuyến trên xe đò, xe lửa đã phải trao đổi thân xác với bọn công an, với bọn tài xế, bọn lơ xe là những thành phần ưu thế của xã hội mới, nhưng nhiều chị đã giấu giếm rồi trở thành quen. Chỉ có chị T là dám nói sự thật với chồng. Còn đau khổ nào cho người đàn bà Việt Nam nữa không?

Sự an nguy bền vững của gia đình bây giờ là mối quan tâm chính của người cải tạo, hầu hết đều có vợ, có con. Có người trách chị T là đầu hàng hoàn cảnh dễ dàng. Làm sao trách một người đàn bà khi người đàn ông không bảo vệ được họ. Đến tuổi lấy chồng, cô gái nào cũng muốn được trao thân cho người đàn ông họ tin tưởng sẽ bảo vệ và đem hạnh phúc suốt đời cho họ. Những đổ vỡ nếu không trực tiếp cũng gián tiếp là cái lỗi của người chồng. Người đàn ông không bảo vệ được đất nước làm sao giữ được sự bình an cho gia đình. Từ xưa đến nay, kẻ xâm lăng nào cũng chiếm đoạt của cải, tài sản và phụ nữ, giết chóc và nô dịch đàn ông.

Cộng sản miền Bắc cũng vậy, họ đã chiếm của cải của miền Nam đem về miền Bắc, tài sản của dân họ không trực tiếp cướp đoạt thì bằng cách đổi tiền, đánh tư sản họ làm cho dân miền Nam nghèo đi phải đem đồ vật ra bán, rồi họ tung tiền, thứ giấy lộn được in không bảo chứng ra vơ vét mua hết. Đàn bà họ không trực tiếp chiếm đoạt như kiểu quân Hung Nô thời trước, thì họ bằng nhiều cách làm cho gia đình người miền Nam ly tán, người đàn bà miền Nam trước khó khăn về đời sống, cán bộ của họ giả nhân giả nghĩa giúp đỡ, dụ dỗ, gây tình cảm hoặc mạnh hơn là ép buộc đe dọa, cuối cùng nếu không tự ý hoặc gượng ép kết hôn với cán bộ thì phải đi vùng kinh tế mới hoặc phải chịu đối xử như là một loại dân hạng bét bị mọi thứ kỳ thị bất công. Họ ban hành luật gia đình qui định việc ly dị dễ dàng phá vỡ hệ thống gia đình theo tập tục cổ truyền, trong đó chồng đi cải tạo là lý do luật pháp xem là chính đáng để người vợ ly dị.

Hoàn cảnh xã hội như vậy làm sao trách người đàn bà tội nghiệp. Hãy tôn vinh những người đàn bà vượt qua mọi khó khăn để thủ tiết chờ chồng cải tạo, và yên lặng thông cảm cho những người đàn bà có những quyết định khác. Cảm thông chứ không phải tha thứ vì người đàn ông làm mất nước, lỗi lầm còn nặng hơn nhiều thì còn tư cách gì để nói chuyện tha thứ cho người khác.

Sau đợt cho về đông đảo dịp Tết 1978 dành cho những người cải tạo ngắn hạn dưới ba năm, từ giữa năm 1978 hầu như không có đợt về nữa, chỉ có trường hợp lẻ tẻ. Cán bộ trại giải thích rằng do tình hình bên ngoài chưa thuận tiện hoặc là cải tạo bước qua mốc khác. Nếu bình tĩnh thì thấy rõ ràng là thời gian cải tạo của anh em trình diện kéo dài, nhưng Việt Cộng vẫn tiếp tục mánh lới giảo hoạt lừa đảo, chúng không cho người tù thất vọng, nên bằng mọi cách tung ra nhiều tin tức thất thiệt về những đợt sắp thả. Chúng không nói hay hứa hẹn công khai trong các buổi học tập như trước: “chuyện về của các anh tính hàng giờ, hàng ngày không tính hàng tháng, hàng năm”. Chúng gián tiếp tung tin qua người bán hàng rong cho gia đình thăm nuôi để gia đình nói lại, hoặc hai cán bộ đứng nói chuyện với nhau: “ kỳ lễ tới cải tạo về hết rồi lấy ai làm đây.” Chúng nói với nhau nhưng biết có người tù đứng gần đó nghe lén. Người này nghe được tin phấn khởi về trại nói ra. Chúng nhờ người tù khéo tay may quần áo, hẹn 10 ngày lấy, rồi đột nhiên sau vài ngày đến lấy, cán bộ giục: “anh may gấp giùm tôi kẻo sợ không kịp”. Người tù hỏi tôi còn ở lâu làm sao không kịp? Hắn úp mở: “Biết đâu đấy, gần đến lễ các anh về hết thì sao?” Người tù nghe như mở cờ trong bụng. “Lễ có lịnh về hở cán bộ?” Hắn làm ra vẻ bí mật: “Làm sao nói được, anh phải tự nghĩ ra chứ…” Ban giám thị bảo một vài đội bỏ bớt một khoảnh đất canh tác – tù nghi ngờ bàn tán, rồi có người tù thân tín với cán bộ quản giáo hỏi vì sao thu hẹp hoạt động, cán bộ quản giáo trả lời: “Nay mai các anh về hết lấy ai làm” v.v… Đủ mọi cách, cán bộ thì tiếp tục bịp và tù tiếp tục tin và ngoan ngoãn chấp hành vì e nếu mình không chấp hành vi phạm lỗi gì khi có tên sẽ bị giữ lại. Việt Cộng quản lý tù rất nhiều kinh nghiệm, người tù không có án mong đợi ngày về, ngày mai có thể về, đợi mãi, đợi mãi và ngoan ngoãn chấp hành mãi, không bao giờ để cho tù nhân quá thất vọng – thất vọng tù có thể trốn trại, chống đối hoặc không làm lao động.

Những anh em tù bị bắt ít hy vọng ngày về hơn nên không tin vào những sự hứa hẹn và những tin đồn, anh em gọi đó là “thuốc an thần” – anh em cứ chuẩn bị những cơ hội thoát thân.

Những lần có người trốn trại, anh em phấn khởi, bạn bè thoát thân được xem như mình thoát. Hình như ai cũng như ai, khi nghe ba phát súng báo động mọi người đều ngước mắt lên sáng rỡ và thầm cầu xin cho bạn mình thoát khỏi sự truy lùng vì nếu bị bắt lại thì sẽ bị cắt gân chân hoặc đánh hội đồng cho đến chết, nếu không bị đánh chết thì bị cùm vào xà lim thiếu ăn, bị bệnh hoạn như ho lao rồi cũng sẽ bị chết.

Thấy tù có nhiều hành động chống đối, bọn chỉ huy một mặt trấn áp, đe dọa nhưng mặt khác lại tìm cách xoa dịu, ban ân, chúng làm thêm nhà thăm gặp để gia đình có thể ngủ lại, gọi đó là nhà hạnh phúc và ban qui chế hưởng ân huệ về nhà hạnh phúc. Những trại viên thực hiện tốt 4 chỉ tiêu cải tạo và được cán bộ quản giáo đề nghị. Bốn chỉ tiêu cải tạo là:

– An tâm tin tưởng vào chính sách của Đảng và nhà nước.

– Lao động học tập tốt.

– Phê và tự phê, để giúp đỡ người khác tiến bộ.

– Phát hiện hành vi sai trái của người khác và báo cáo.

Hai mục trước liên hệ đến thái độ chấp hành và hai mục sau tức là làm tay sai báo cáo bạn bè. Ngoài ra phải làm vừa lòng cán bộ quản giáo, tức phục dịch bản thân của hắn để được hắn chấp thuận phê tốt.

Phần thưởng cho việc này là được ở lại đêm với vợ tại “nhà hạnh phúc”. Qui chế ban hành, nhiều anh em phấn khởi chấp hành, đa số bên thành phần trình diện, xa gia đình, xa vợ đã ba năm nay được gần gũi một đêm, đề nghị quá hấp dẫn, ai trách được sự thèm muốn rất người đó. Nhưng muốn được cái “hạnh phúc” nhỏ nhoi đó phả bước qua sự đau khổ của bạn bè. Đa số anh em trẻ bên thành phần bị bắt họ chống đối, bài xích những người được phần thưởng này. Tôi nhớ mãi câu nói của Nam, cậu bé ở tù từ năm 1976 lúc 16 tuổi vì đã hát bản Thu Vàng trong lớp học ở trường Đạt Đức, Nam hỏi một người sĩ quan được hưởng nhà hạnh phúc: “Người ta đem vợ anh ra làm giải thưởng mà anh cũng nhận sao?” Dĩ nhiên là người bạn sĩ quan rất khó trả lời. Ai bảo tuổi trẻ không sâu sắc. Hưởng một ân huệ của Việt Cộng không phải dễ và phải trả một giá đắt, nhiều khi cái giá của lương tâm. Còn ân huệ thì chính Việt Cộng không bỏ ra, nó lấy của chính người tù để cho họ hoặc lấy của bạn bè cho họ. Những anh em đi làm lẻ, đi làm các công tác đặc biệt như trật tự, thi đua, thăm nuôi, văn hóa, nấu bếp, chăn nuôi đều được cho tiêu chuẩn ăn cao hơn tù khác, nhưng phần ăn của họ cũng lấy trong tiêu chuẩn chung của tù ở nhà bếp, Việt Cộng không bỏ thêm ra một hột gạo. Do đó, trong trại tù, những anh em tự trọng biết suy nghĩ đều từ chối tất cả ân huệ của Cộng sản cho họ và từ chối tất cả công tác riêng rẽ. Họ xem như là ăn trên mồ hôi và sống trên sự an nguy của anh em.

Nói đến tốt hay xấu cũng tùy quan niệm, luân lý Cộng sản người nào báo cáo người khác, rình mò đời sống người khác họ cho đó là cá nhân tốt, người tù tiến bộ. Nếu không làm những hành động đó là thành phần xấu.

Khi người ta thuần tính là một con thú người ta bảo con thú ngoan, nuôi một con chim, thả ra chim không bay vào bầu trời bao la mà quanh quẩn bên chiếc lồng, gọi con chim đó khôn. Người tù ngoan ngoãn chấp hành, có cơ hội không đào thoát, gọi đó là người tù tốt, người tù tiến bộ. Con thú sống với rừng xanh, con chim bay trong bầu trời và con người phải có tự do, người cai tù quên điều đó, nhưng tù không thể quên được. Sự chống đối trong nhà tù để duy trì mức đề kháng và giữ ý thức tự do.

 

 

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay