Bài viết của Thi sĩ Luân Hoán :  Nhật Ngân, người Đưa Em Sang Sông

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

Bài viết của Thi sĩ Luân Hoán :  Nhật Ngân, người Đưa Em Sang Sông

 

 

NN          Mỹ nhân, và Âm nhạc là những đề tài ưu tiên mà bọn học sinh choai choai, ở lứa tuổi cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên 40, của thành phố Đà Nẵng thường hay trao đổi với nhau, khởi đầu từ những năm 1958, 1959. Đa số trong cặp sách, trong túi áo của mỗi nam sinh các trường Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ, Bán Công, Sao Mai, Bồ Đề, Kỹ Thuật…có lẽ đều có nhốt những tên gọi, những ca khúc. 

         Về mỹ nhân, cá nhân tôi xin thành thật tạ ơn “những môi, những mắt, những da thịt nồng/ những vồng đất biết trổ bông” dù họ “thuận (hay) không, tôi cũng đã trồng ra thơ” . Chắc chắn những Huỳnh Thị Phú, Hồ Thị Hồng, Thu Hà, Quỳnh Chi, Thu Liên, Như Thoa, Thạch Trúc, Minh Xuân, Bích Hà, Lâm Vui, Lâm An, Quỳnh Cư, Bích Quân, Trân Châu, Thúy Oanh, Quỳnh Như, Quỳnh Cư, Hồng Hạnh và hàng trăm bông hoa hương sắc khác từng rủa thầm, chửi nhắn tôi bất tận ngôn, nhưng làm sao bây giờ, khi tôi đã lỡ trang trọng mời họ sống đời với thơ. “Thôi thì xin cảm ơn người/ háy, hứ đôi cái, rồi cười bỏ qua”. Tôi xin hứa rằng chừa và thành tâm “nguyện đem theo xuống suối vàng” những tình yêu vớ vẩn, nhưng rất chân tình một thời của mình, không chia xẻ với ai nữa, kể cả Diêm Vương, ông bạn vàng trong tương lai, đang chờ đón tôi.

          Về âm nhạc, thời đó, chúng tôi thích những Hình Ảnh Một Buổi Chiều (Lâm Tuyền), Dứt Đường Tơ (Dzoãn Mẫn), Dư Âm (Nguyễn Văn Tý), Trăng Mờ Bên Suối (Lê Mộng Nguyên), Nụ Cười Sơn Cước (Tô Hải), Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)… kèm theo những Chàng Đi Theo Nước, Bên Bờ Đại Dương, Thoi Tơ, Đường Chiều…Và bất ngờ, một bài ca, không đến với chúng tôi qua những giọng ca từ Ty Thông tin Đà Nẵng, từ Đài Phát thanh Sài Gòn…, mà đến với chúng tôi bằng những giọng hay-hát-hơn-là-hát-hay,trong đám học sinh.  Bài ca có tên Tôi Đưa Em Sang Sông.

          Chuyện gì chứ chuyện đưa em, tôi rất khoái. “Em” ở đây, đương nhiên là một người đẹp, hiểu đậm hơn chút nữa là một tình nhân. “Em!”, một tiếng gọi gọn nhẹ, nhưng tức thì thấy rõ tất cả cái lộng lẫy, dịu dàng của người thục nữ.

          “Lãnh thổ thơ tôi, một cõi Em/ hàng trăm chánh thất, chỉ một tên/ và không cung nữ, không hoàng hậu/ lộng lẫy trong cùng một dáng Em  (LH-Mời Em Lên Ngựa).

          Si tình, trọng vọng rất đúng tinh thần “Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương” đến thế, nên tôi mau chóng tâm đắc với lời ca tiếng nhạc của Tôi Đưa Em Sang Sông, dù chỉ mới nằm lòng chập chờn mấy câu:

          “Tôi đưa em sang sông/ chiều xưa mưa rơi âm thầm/ để thấm ướt chiếc áo xanh/ và đẫm ướt mái tóc em…”

          Tội ơi là tội, chưa chi mà đã thấy thương đến bạc những sợi tóc. Cái hoàn cảnh chưa từng xảy ra với chính mình và gần như ước lệ cho nhiều cuộc tình dang dở, đầy tính chất phổ thông, nhưng sao nghe ra như chuyện thật của mình, tưởng chừng như đang diễn ra, và mình đang chịu đựng.

          … “Nếu tôi đừng đưa em / thì chắc đôi mình không quen/ đừng bước chung một lối mòn/ có đâu chiều nay tôi buồn…”

          Những điều đương nhiên đó, cận kề với “sáu câu” đến thế, nhưng giai điệu ngũ cung đã xóa bỏ ranh giới giữa trí thức và bình dân, để cho câu chữ có nhịp đập của trái tim, có hơi thở của đời sống, đủ thu hút sự thưởng ngoạn thoải mái của nhiều người, nhất là đám trẻ đang yêu, chuẩn bị yêu. Bài ca được chép tay, chuyền miệng rộng rãi, mau chóng trong đám “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” (tục ngữ)  của thành phố Đà Nẵng. Tôi có chút ngạc nhiên khi biết ca khúc này chưa xuôi qua cầu Câu Lâu, chưa vượt khỏi đèo Hải Vân mà đã có sức sống. Nhất là nó không thành hình từ ông thầy Hoàng Bích Sơn, dạy nhạc ở Phan Châu Trinh, cũng không từ lòng một người đã thơm tay, Phạm Thế Mỹ. Nó ra đời từ một người còn vô danh, tuổi đời nhỏ hơn tôi đến những một năm.

          Chưa vội tìm hiểu tác giả, đám bạn tôi đã mách ngay cái thằng viết ra bản nhạc nghe rất “được” đó. Thằng Ngân. Anh chàng không lớn xác này cũng là dân Phan Châu Trinh, thuộc lớp đàn em, vì “mài quần” sau tôi một năm. “Thùng rỗng kêu to” (tục ngữ), tôi không kêu, nhưng không thiếu những cao ngạo rất trẻ con. Lần đầu dòm qua ông nhạc sĩ, ánh nhìn của tôi giả bộ tẻ nhạt, dù trong bụng đã có đôi phần nể phục.

          Tôi không có ý định làm quen với Nhật Ngân dù năm 1960, ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông được in ấn, phát hành rộng rãi. Tên tác giả Trần Nhật Ngân được ghi trên bản nhạc, bên cạnh một tên khác: Y Vũ. Bài hát đi vào quần chúng thật mau lẹ, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. Trong phạm vi của một thành phố nhỏ, chúng tôi biết đến tên nhau, cùng những lần tình cờ thấy nhau, không lạnh lùng nhưng chắc chắn không thiếu dửng dưng.

          Nhật Ngân, có đạo Thiên Chúa, anh đến với âm nhạc qua sự dìu dắt, chỉ dạy của các vị linh mục và hai nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nhật Bằng. Khởi đầu anh muốn trở thành một nhạc công, một nghệ sĩ trình diễn.  Mê Violon và Piano, hai nhạc cụ, Nhật Ngân từng mơ ước sử dụng. Nhưng nhà nghèo, anh chỉ có thể kéo nhờ cây vĩ cầm của một người em họ, và dĩ nhiên phải bỏ cuộc. Người em họ, Nhật Hiền, đã thay anh thành tài, thành danh, nắm giữ chức Giám Đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế một thời gian.

          Dựa theo đối thoại giữa Nhật Ngân cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn CNN, đăng trên tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật, volume 01 No.7  1999,  và lời dẫn nhập từng ca khúc của chính Nhật Ngân viết, trong tập Tình Yêu và Quê Hương, dành cho buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật, do nhà thơ Lê Hân, nhà giáo Đoàn Phế và nhóm bạn, tổ chức tại thính đường Noel Ryan, số 301 Burnhamthorpe, Mississauga, Ontario, Canada, ngày chủ nhật, 05 tháng 11 năm 2006, giới thưởng ngoạn âm nhạc biết rõ hơn về sáng tác đầu tay của Nhật Ngân: Tôi Đưa Em Sang Sông, cụ thể như sau:

          “Tôi bước chân vào lãnh vực âm nhạc tương đối sớm. Năm 14, 15 tuổi, thời đang còn học đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8, 9 bây giờ), tôi đã ôm đàn lên sân khấu nhà trường hát và được các bạn cùng trường, cùng lứa tuổi (nhất là các cô) ưa thích.

          Cũng vì yêu nhạc, thích hát và lông bông tối ngày, nên việc học hành của tôi không khá, cuối năm đủ điểm lên lớp là may. Năm đệ nhị (lớp 11), cô bạn gái của tôi, cũng có thể nói là người yêu của tôi thời bấy giờ, thấy tôi tối ngày đàn hát mơ mộng như người đi trên mây, nên cô ta đi lấy chồng. Không biết chuyện buồn này là chuyện xui của đời tôi hay là may mắn cho sự nghiệp âm nhạc của tôi, và thời điểm đó, 1960, tôi đã viết ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông (tính tới nay, bài hát này đã có số tuổi gần 50)…” (Tình Yêu Và Quê Hương, phần 1: nhạc tình yêu thời tuổi trẻ)                                          

          Nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn CNN (mà Nhật Ngân gọi là “giáo sư”, bỏ trong ngoặc kép đàng hoàng), ghi lại lời tâm sự của Nhật Ngân:

          “ … “Giáo sư” CNN hỏi. là khơi lại vết thương lòng của ‘tớ’ rồi. Tôi Đưa Em Sang Sông ! Sau khi mình thọ giáo thầy Đỗ Thế Phiệt, khoảng 59, 60. Với số vốn nhạc lý làm hành trang, sẵn lại đang có mối tình đầu tới thời kỳ lên cao độ. Nàng là gái Huế, thuộc gia đình khá giả. Tuy hai trẻ yêu nhau ra-dzít, nhưng tình yêu không thắng nổi lý trí . Là một chàng trai còn đang lêu bêu, nàng làm sao dám chấp nhận lập gia đình với một cậu học trò rách. Thế rồi một ngày đẹp trời, nàng báo tin lên xe hoa về nhà chồng. Tuy còn yêu nhau tha thiết, nhưng hai người đành chia tay, mình liên tưởng tới những buổi trưa, đưa nàng qua sông Hương, buồn quá, viết thành khúc hát để “chúc” nàng hạnh phúc…”   (Nguyễn Ngọc Chấn - Thế Giới Nghệ Thuật)                                                                  

          Nhật Ngân cho biết tiếp về sự phát hành của bài hát, qua bài viết của ký giả kịch ảnh, sân khấu Trường Kỳ :      

          … “ Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng "Tôi Đưa Em Sang Sông" đã trở thành một ca khúc được giới học sinh Đà Nẵng rất ưa thích, chép tay chuyền cho nhau hát. Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông Tin. Lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át.

          Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ" cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

          Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa."

          Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình, khi chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

          Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi, nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên với "Tôi Đưa Em Sang Sông" để dễ dàng đến với quần chúng hơn. Khi được phát hành, "Tôi Đưa Em Sang Sông" được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ…” (Nhật Ngân 40 năm Âm Nhạc-Trường Kỳ)                                                   

        Nhật Ngân và Y Vũ hiện nay, không những sống giữa hai vùng địa lý khác nhau, mà còn khác biệt ở thể chế chính trị của hai quốc gia đối nghịch, tư bản và cộng sản. Những sáng tác của Nhật Ngân bị cấm phổ biến trong nước, điều này có thể mang đến việc không được nêu tên anh dưới bất cứ hình thức nào tại nơi Y Vũ đang sống ?

          Gần đây, tôi đọc thấy trên trang điện toán Vietnamdaily.com, số 4969 lên ngày 21-01-2006,  một bài kể lại chuyện về thăm quê hương, gặp được một số bạn cũ, mới của nhạc sĩ Trịnh Hưng từ Pháp về. Nhạc sĩ Trịnh Hưng sau khi được bạn cũ, nhạc sĩ Y Vân, giới thiệu lần đầu tiên với Y Vũ (em trai, kém Y Vân 9 tuổi, theo Trịnh Hưng), đã có hỏi về nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông. Và Y Vũ cho biết: (nguyên văn của nhạc sĩ Trịnh Hưng)

          … “ Y Vũ ngậm ngùi tâm sự:

          Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho.Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi.

          Được tin nàng lấy chồng, em buồn quá, lủi thủi ghé nhà một người bạn ở xóm nghèo, gần nghĩa trang. Tối đó lần đầu tiên em uống rượu say. Mãi đến 2 giờ sáng mới tỉnh rượu, em mở cửa sổ, nhìn ra thấy mưa hiu hắt trên những nấm mộ, em bèn cầm cây đàn guitar và ứng khẩu hát như người ứng tác:

          Nếu như trời không mưa

          Đường đâu cần tôi đưa

          Nàng đã quên cả lối về, quên cả người trong gió mưa

          Từ đó tới sáng, em hoàn thành bài nhạc một cách bất ngờ…”  (Trịnh Hưng - Nhạc sĩ Y Vũ với bài ca TĐESS )

                                                                          

          Nhạc sĩ Trịnh Hưng ghi lại lời kể của nhạc sĩ Y Vũ một cách giản dị, dễ hiểu và chắc chắn rất trung thực. Tôi nghĩ ông cũng tin 100% như thế, bởi Y Vũ đã đưa ra rất nhiều điểm cụ thể, mong chứng minh sự thành thật của mình, trong ý định dành tác quyền. Những điểm cụ thể nhạc sĩ Y Vũ nêu gồm: tên gọi người yêu của ông, địa điểm cây xăng và những diễn tiến rất nhịp nhàng, trôi chảy có cốt truyện hẳn hoi. Duy có một điều ông quên nhắc đến cái tên Trần Nhật Ngân, một cái tên đã từng nằm trước cái tên Y Vũ trong ấn bản đầu tiên, cũng như trong những lần tái bản về sau. Khó có thể tin Y Vũ vô tình quên, cũng khó có thể tin ông vì lo sợ điều gì khi phải nhắc đến cái tên Trần Nhật Ngân. Tôi nghĩ, nhạc sĩ Y Vũ có vẻ cố tình gạt ra cái tên của một người đích thực đã góp phần lớn để hoàn tất một ca khúc, đã có thời được đón nhận rộng rãi.

          Một chi tiết rất đáng thắc mắc qua lời kể của Y Vũ, hy vọng đây là một nhận định hời hợt do sự yếu kém hiểu biết về sáng tác nhạc của tôi mà ra. Người thanh niên thất tình, “nửa đêm về sáng” mở cửa sổ nhìn trời hắt hiu mưa trên những nấm mồ và cất tiếng hát. Những câu hát này không là điểm khởi hành của bài nhạc, sao vậy nhỉ ? Tác giả bắt hứng từ hình ảnh trời mưa một chặp, rồi sau đó mới quay trở lại điểm xuất phát để đi một hơi. Trong sáng tác, nhạc cũng như thơ, người viết có thể viết trước bất cứ đoạn nào trong tổng thể của bài viết, sau đó mới bố cục lại, là chuyện bình thường. Nhưng theo lời kể của nhạc sĩ Y Vũ, tôi cảm thấy, có chút ít lấn cấn, ngờ ngợ. Dòng sông, bối cảnh chính của bản nhạc, dĩ nhiên không cần có cụ thể như sông Hương hay sông Hàn, bởi dòng sông được đưa ra chỉ có ý niệm cho một sự sang ngang. Y Vũ có lý khi không cần nhắc đến một con sông nào từng có kỷ niệm giữa ông và người yêu. Kỷ niệm của ông và cô Thanh thiết thực hơn. Những nghĩa cử cho đổ xăng chùa nói lên cái nặng tình một cách đậm đà hơn là đưa đón. Từ những kỷ niệm đơn giản, chất phác này tưởng tượng ra cảnh đưa em sang sông, đón em dưới mưa quả thật khó thực hiện nổi nếu không có một tâm hồn nghệ sĩ.  

          Nhân vật chính trong Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ, đã đi lấy một ông bác sĩ già. Không biết đoạn đời sau của nàng ra sao. Nhân vật chính trong Tôi Đưa Em Sang Sông của Nhật Ngân cũng con nhà giàu, lấy chồng môn đăng hộ đối, nhưng cũng không hạnh phúc. Nhật Ngân bật mí cho Nguyễn Ngọc Chấn biết:

Toi dua em sang song Y Vu Nhat Ngan 1

          “ Tôi Đưa Em Sang Sông trở thành tiếng lòng nức nở của hàng triệu con tim rướm máu, tình khúc bỗng nổi một cách bất ngờ. Chồng nàng bị chọc quê, dằn vặt, cuối cùng không kèn, không trống, họ gãy cánh giữa đàng”

          Và Nhật Ngân “…rất ân hận, vì vô tình phá vỡ hạnh phúc người mình yêu. Về sau gặp lại, mình tôn trọng nàng và nàng muốn chứng minh với đời : tụi này chỉ là bạn. Sau đó, giòng đời chia cắt đôi nơi, tớ thành “mây bốn phương trời” không gặp lại nữa”

          Tôi quả thật đang giấu một số hoài nghi trong lòng, trước những tường thuật của Nhật Ngân.

          Y Vũ tên thật Trần Gia Hội, em ruột của nhạc sĩ Y Vân, Trần Tấn Hậu. Nhạc sĩ Y Vân là một nhạc sĩ đã nổi tiếng. Khó có thể nêu lên lý do thuyết phục, về việc cái tên của Nhật Ngân trên bản nhạc, mà ông ta không có công sáng tác. Một anh chàng thư sinh hoàn toàn vô danh và nghèo khó, ở tận miền Trung, không dưng được đứng tên chung trong một sáng tác, kể cũng lạ. Đây quả là chuyện khó tin và… không có thật. Sự thật và nửa-sự-thật đáng tiếc này hy vọng trong tương lai sẽ được xác định rõ ràng và chân thực hơn.

          Rất may, thực tài của Nhật Ngân lẫn Y Vũ đã thể hiện trong những sáng tác về sau, riêng rẽ, của hai người. Tính đến nay, những sáng tác của Nhật Ngân, có phần lấn lướt về số lượng cũng như được sự chọn trình bày của ca sĩ, lẫn sự đón nhận của giới yêu âm nhạc, nếu so với Y Vũ và cả Trịnh Hưng

          Nhật Ngân họ Trần, ra đời năm 1942 tại Thanh Hóa. Anh là con út của cặp vợ chồng có 6 con. Thân phụ anh, một nhân viên công chức, đã thất lộc. Nhật Ngân theo mẹ, cùng các anh chị vào miền Trung, sống tại Đà Nẵng một thời gian trước khi vào Sài Gòn. Anh theo học tại trường Võ Trường Toản. Có Tú Tài, Nhật Ngân trở ra dạy việt văn và âm nhạc tại trường trung học tư thục Phan Thanh Giản. Năm 1965, anh gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tùng sự tại Cục Tâm Lý Chiến. Một năm sau, anh được chuyển về làm trưởng ban văn nghệ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

          Chị Mai Nương đã chấn dứt cuộc sống độc thân của anh từ năm 1969. Tình yêu của Ngân và Nương đã đúc kết được ba tác phẩm lớn. Sau 30 tháng 4-1975, Nhật Ngân chậm chân lên tàu, nhờ đó tạo được 7 năm kiến thức thực tế về chế độ xã hội chủ nghĩa. Năm 1982, anh vượt biên đến tỵ nạn tại Sikiu Thái Lan, không có đoàn thê tử bên cạnh. Năm 1984, anh được nhận vào Hoa Kỳ. Gia đình ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ anh về sống ở phía bắc Hollywood, trước khi thuê chung nhà cùng nghệ sĩ Nguyễn Long, tục danh Long Đất tại Orange County.

          Trong thời gian đầu ở Mỹ, Nhật Ngân được gọi thủ vai một quân nhân “mệnh yểu” trong phim Đoạn Cuối Tình Yêu, bên cạnh những Băng Châu, Ánh Hoa, Huy Khánh, Mai Khanh… Cuốn phim này do Nguyễn Ngọc Chấn CNN thực hiện. (Nguyễn Ngọc Chấn là cựu học sinh Chu Văn An… Sài Gòn, bằng hữu thân thiết cùng Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương, Phương Triều, Vũ Thành An… Ông được bè bạn gọi là “cậu trời”, tôi không được rõ ba chữ viết tắt đi liền sau tên và họ).

          Sinh hoạt âm nhạc tại hải ngoại trong giai đoạn này còn hạn hẹp, Nhật Ngân xoay qua làm báo sau khi được nhà văn Hoài Điệp Tử (1943-1987) mời về cộng tác với báo Mai. Phong trào phim bộ cùng những trung tâm thương mại âm nhạc ra đời, kéo theo sự sinh động trong bộ môn âm nhạc. Nhật Ngân cũng như nhiều nhạc sĩ khác đã có cơ hội sinh hoạt theo sở thích của mình không ngừng nghỉ. Năm 1990 vợ con anh được sang đoàn tụ. Nhật Ngân phải đi cày nhiều hơn để nuôi vợ và con đến trường. Chị Nhật Ngân đã trở thành một y tá. Trưởng nữ, Ngân Khánh, tốt nghiệp Cử nhân Âm nhạc tại Đại học Fullerton, California. Em trai thứ nhất của Ngân Khánh theo học ngành dược và cậu út, tốt nghiệp ngành điện toán.

          Nhật Ngân ngã bệnh vào năm 1992. Cái bao tử của anh dan díu với bệnh ung thư, phải cắt bỏ mất hai phần ba. Nhưng nhờ biết vui sống với bệnh nan y, Nhật Ngân hồi phục dần và anh tiếp tục sáng tác. Chị Nhật Ngân không xuất bản thêm cho anh tác phẩm nào, nhưng ca khúc thì Nhật Ngân có đều đều. Thử lược kết lại những gì Nhật Ngân đã viết qua từng giai đoạn:

          Thời phơi phới thanh xuân, Nhật Ngân viết: Tôi Đưa Em Sang Sông,  Đêm Nay Ai Đưa Em Về (kỷ niệm cuộc tình với một ca sĩ. Giọng hát Lệ Thanh khởi đầu với sự phụ họa của Hồng Phúc, Thanh Sơn), Ngày Vui Qua Mau, Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ, Lời Đắng Cho Một Cuộc Tình, Nỗi Buồn Con Gái,Cho Vừa Lòng Em, Lời Tình Tự, Tình Buồn Trong Mưa,Trách Ai Vô Tình, Xin Chia Buồn, Trời Còn Mưa Không Anh, Rước Xuân Về Nhà,…

          Thời mặc áo màu ô liu: Xin Làm Chim Rừng Núi,  Một Mai Giã Từ Vũ Khí (một ca khúc chứa đựng nhiều hình ảnh của một đất nước giàu chiến tranh, ca khúc này nhà văn Song Thao rất thích, ông đã say mê hát nho nhỏ khi ngồi nghe một ca sĩ trình bày ca khúc này trong buổi sinh hoạt ngày 5-11-2006 tại Mississauga, Ontario, Canada), Xuân Này Con Sẽ Về,…

          Thời hậu 1975 tại quê nhà, có ca khúc Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh.(bài ca được hát đầu tiên tại hải ngoại bởi ca sĩ Ngọc Minh, sau đó Elvis Phương thâu vào băng do trung tâm Phượng Nga tại Pháp thực hiện)

          Thời tự do tại hải ngoại, Nhật Ngân viết thoải mái, gồm:

          Sáng tác: Tôi Biết Tôi Sẽ Buồn, Vẫn Mơ Về Đà Nẵng, Quảng Nam Quê Ta Ơi, Tình Yêu Và Chiếc Bóng Bay,Về Đây Hỡi Em, Có Mất Gì Đâu, Hãy Hát Lên Tình Yêu, Bao Giờ Gặp Lại Em, Một Đời Tiếc Nuối, Một Đời Tìm Nhau, Một Lần Dang Dở, Ngày Mình Thôi Yêu Nhau, Sỏi Đá Buồn Tênh, Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu (Nhật Ngân cho biết viết bài này theo ý của Duy Khánh)

          Phổ thơ: Hương (thơ Nguyễn Long), Kiếp Sau (thơ Trần Mộng Tú), Một Thời Đà Nẵng Dấu Yêu (thơ Luân Hoán),Con Đường Năm Xưa (thơ Lê Hân), Khản Cổ Gọi Tình Về (thơ Trần Yên Hòa), Hồi Âm (thơ Thành Tôn), Phượng (thơ Nguyễn Nam An), Thôi Cười Cho Em Vui (thơ Hạ Quốc Huy), Nỗi Nhớ Bỗng Quay Về (thơ Hồ Thành Đức), Ngày Trở Lại Hội An (thơ Hoàng Lộc), Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ (thơ Trần Trung Đạo), Chút Tình Cho Huế (thơ Phan Xuân Sinh), Xa Vắng Mẹ (thơ Thái Tú Hạp),Chia Tay (thơ Trần Mộng Tú), Hương Tình Muộn (thơ Hương Thảo), Mặt Trời Độ Lượng (thơ Nguyễn Bình Thường)…

          Lời Việt cho ca khúc ngoại quốc: Về Đây Hỡi Em (nhạc Pháp), Mưa Trên Biển Vắng (nhạc Pháp), Tình Xưa Xa Rồi (nhạc Trung Hoa), Bến Thượng Hải (nhạc Trung Hoa)…

          

         Ngoài những sáng tác riêng, Nhật Ngân còn viết chung một số ca khúc với nhạc sĩ Trần Trịnh (chồng cũ của ca sĩ Mai Lệ Huyền, hiện ở Hoa Kỳ) dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân. Bút danh này được kết nối giữa ba người bạn. Hai người là nhạc sĩ, một người là con rể ông Tám Oanh, chủ hãng dĩa Sóng Nhạc, anh Lâm Đệ (đã qua đời). Những ca khúc dưới tên Trịnh Lâm Ngân được phổ biến:

         Bao Giờ Ta Gặp Lại Ta, Cảm Ơn, Chiều Qua Phà Sông Hậu, Em Vẫn Hoài Yêu Anh, Hai Trái Tim Vàng, Hạnh Phúc Nơi Nào, Hồn Trinh Nữ, Lính Xa Nhà, Lửa Mùa Hạ, Mùa Phượng Tím, Mùa Xuân Của Mẹ, Ngàn Đợi Chờ Mong, Ngày Xuân Thăm Nhau, Người Tình Và Quê Hương, Qua Cơn Mê, Rộn Ràng Niềm Vui, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Tình Trinh Nữ, Trời Huế Vào Xuân Chưa Em, Yêu Một Mình, Xuân Này Con Không Về (ca khúc này là bài tủ của ca nhạc sĩ Duy Khánh, sống rực rỡ qua từng mùa xuân), Vòng Tay Yêu Thương, Mắt Xanh Con Gái… 

          Chính Nhật Ngân và Trần Trịnh đã dựng nên đôi song ca nhạc kích động Mai Lệ Huyền-Hùng Cường. Tất cả những sáng tác của Nhật Ngân cũng như của Trịnh Lâm Ngân đều có số tiêu thụ cao trước 1975, tại miền nam. Nhật Ngân cho nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn biết nhịp phát hành, phổ biến nhạc của anh vào thị trường âm nhạc Sài Gòn, trong hơi thở của Việt Nam Cộng Hòa :

          “Bài bản do nhạc sĩ bỏ tiền in, rồi phân phối cho đại lý, lời ăn, lỗ chịu. Ế quá thì thâu về chất đống dòm chơi. Một bài hát vốn in 1 đồng, in nhiều, kỳ kèo có thể xuống 90 xu. Cậu rinh bán cho đại lý là 3 đồng 8 mỗi tờ, tiệm bán cho khách 5 đồng…

          Những bản nhạc ăn khách có số bán cao lên đến 500, 700 ngàn, bán lai rai, bán dài dài trong vài năm. Khi phong trào nhạc giựt vừa ra, bản Gặp Nhau Trên Phố, Hai Trái Tim Vàng chẳng hạn, tụi này bán 300, 400 ngàn bài trong vòng một tháng. Nhà in khắp Sài Gòn, Chợ Lớn được trưng dụng một số đủ cho khách…”

          Việc làm ra tiền nhờ vào sáng tác xem ra cũng rất lý tưởng, dù bên cạnh đó không thiếu một vài bực mực vì nạn cắt xén, ăn chận, hoặc cạnh tranh. Nhật Ngân kể lại một kỷ niệm với ông Nguyễn Ngọc Chấn:   

          “…Lúc thịnh thời, tụi này đặt nhà in Tuyết Vân, trước mặt Sở Cứu hỏa Sài Gòn. In xong, nhận hàng đủ, chất đầy ba chiếc xích lô, đem phân phối cho đại lý. Trên đường đi, tớ nhớ bỏ quên cái hộp quẹt trên bàn quản lý. Vừa quay đầu trở lại, tụi này chưng hửng, lại thấy ba xe xích lô khác, cũng đầy nhạc của mình, cũng Ba Trái Tim Vàng, cũng Gặp Nhau Trên Phố, chở vào một ngõ hẹp nào đó…”

         

          Nhờ âm nhạc, tên tuổi Nhật Ngân mỗi ngày một được biết đến nhiều hơn trước. Nhưng sự quan hệ giữa anh và tôi không hề phát triển. Ngoài lý do sinh hoạt trong hai bộ môn khác nhau, chúng tôi không sống cùng một địa phương. Thêm vào đó, những nhận định, đánh giá của tôi về âm nhạc thời bấy giờ, có nhiều điểm có phần hơi làm dáng, thiếu chân thực.  Tuy vẫn nghe nhạc thời trang đều đều vì đang là lính chiến, nhưng vẫn không chịu chấp nhận đó là một phần tâm sự của chính mình. “Xuân Này Con Không Về” là một chuyên chở tình cảm dung dị, chân tình, nghe vô cùng cảm động, nhất là đang ở ngoài tiền đồn, nhưng tôi đã không đặt nó trong vị trí trang trọng đáng có trong sự thưởng ngoạn của mình. Trong ca khúc Việt Nam, ranh giới giữa trí thức và bình dân là điều có thực. Nhưng không phải bài ca phổ thông nào cũng không có những nét trí tuệ, vốn  được lồng rất khéo vào sự bình dị như ca dao. Ngay những bài ca thời tiền chiến, thường được gọi là nhạc của những người có trình độ, vẫn không thiếu những câu “thường thường”

          Quan niệm ấu trĩ của tôi cũng như của nhiều người khác, thật sự đã có cơ hội thay đổi sau khi lưu lạc trên xứ người. Thú thật tôi đã từng ứa nước mắt khi được nghe lại những ca khúc vinh danh người lính, những ca khúc tỉ tê tâm sự của những em hậu phương, ướt sũng những giận hờn, trách móc, nhớ nhung… đậm đà tình Lan và Điệp. Tôi tìm nghe lại những giọng ca Duy Khánh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Chế Linh, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Sơn Ca…trong những ca khúc mà một thời tôi nghe chỉ để nghe cho hết thì giờ. Tôi gặp lại rất nhiều lần Nhật Ngân qua những gì anh đã viết.

         Ngân là một thanh niên lãng mạn rất yêu đời, dù cuộc đời như “áng mây bay khắp phương trời”

         Ngân cô đơn, bi quan trước những khám phá niềm vui qua mau cùng những hờ hững vô tình cuả tuổi trẻ.

         Ngân ưu tư, thao thức về nỗi đau của dân tộc của đất nước.

         Ngân ngỡ ngàng cay đắng cho đời tù tội vì chính lý tưởng của mình.

         Ngân lạc lõng, hoang mang trên bước đường chạy tìm một vùng đất mới.

         Nhìn chung, ở đâu, nơi nào, Nhật Ngân cũng thấy được cái tôi của anh từ cái chung của mọi người, và ngược lại. Điều này đã giúp cho hồn nhạc của anh cận kề với cuộc sống hằng ngày của mọi người. Có thể công nhận sinh hoạt của Nhật Ngân tại hải ngoại có phần thịnh vượng hơn trước 1975. Chính Nhật Ngân cho biết những yếu tố bên lề đã giúp cho những nhạc sĩ tị nạn, trong đó có anh, thành công trong sáng tác:     

-   Phong trào phát thanh, phát hình mỗi ngày một cải thiện, lớn mạnh.

-   Việc phát hành băng dĩa vừa tối tân vừa dễ dàng, thuận tiện hơn.

-   Những trung tâm thương mại âm nhạc góp tay tích cực trong việc phổ biến.

-   Phong trào yêu nhạc Việt được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia.

-   Thành phần ca sĩ đông vui, và có trình độ kỹ thuật vững vàng, sự cạnh tranh khắt khe tạo được trau dồi liên tục.

-   Nhạc sĩ có được một đời thường thoải mái trong tự do để yên tâm cho sáng tác.

-   Tên người cha đẻ của ca khúc đã thật sự được nhắc đến trong mọi chương trình trình

diễn, có vẻ trang trọng và thật tình hơn từ trước rất nhiều.

         Với những ưu điểm cụ thể như trên, Nhật Ngân đã ngưng làm nhiều việc để “viết nhạc full time”. Và ngoài những ca khúc rời, Nhật Ngân viết nhiều nhạc cảnh cho phổ biến qua các băng video, những buổi đại nhạc hội, cụ thể như: Nhạc truyện Tấm Cám, Đêm Vu Qui…

          Từ Montréal, tôi gặp Nhật Ngân qua nhiều cuốn vidéo của các trung tâm ca nhạc lớn nhỏ. Với dáng người tầm thước, khuôn mặt rắn rỏi, nuôi hàng râu trên môi nhẹ nhàng, Nhật Ngân không đẹp trai, nhưng không thể là người thiếu dễ thương. Nét mặt điềm đạm đó luôn thu hoạch được những tình cảm thân thiện, thương mến của nhiều người khi tiếp xúc. Chúng tôi vẫn chưa hề là bạn thật sự của nhau, dù đã có vài lần liên lạc qua thư từ, điện thoại. Tôi thích nhạc của Nhật Ngân qua các ca khúc anh phổ nhạc. Bản Kiếp Sau, thơ của chị Trần Mộng Tú thật mượt mà xinh xắn như những nụ hoa, nhạc Nhật Ngân đã giúp bài thơ thêm duyên dáng, dễ thương. Bài Hồi Âm của nhà thơ Thành Tôn chân tình, giàu hình ảnh. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã đưa những ưu điểm của bài thơ vượt khỏi cái vần điệu bình thường của thể loại 8 chữ. Ranh giới giữa thơ và nhạc bị xóa nhòa. Âm thanh và ngôn từ trở thành một khối đồng nhất, trong một nỗi ngậm ngùi man mác đến vô cùng. Nhật Ngân, theo tôi, rất thành công trong việc dùng thơ phổ nhạc. Nếu phải chọn 10 nhạc sĩ có trình độ cao nhất về cái tài này, tôi không ngần ngại, đề cử Nhật Ngân. Sự thành công của Ngân ngoài phần có căn bản nhạc lý, còn có sự tương thông giữa những tâm hồn đồng điệu, cùng một vốn sống cần thiết cho việc sáng tác. Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng rất bén nhạy trong vấn đề nhận xét, đánh giá những thăng trầm, thành bại của bộ môn anh sinh hoạt. Đại ý vài nhận định của anh:

-   Tại hải ngoại, nhạc sĩ có thể sống được với ngành âm nhạc.

-   Không có sự khác biệt giữa hai môi trường sáng tác, quốc nội hay hải ngoại, nếu tác giả   bắt gặp được những rung động, cảm xúc thật sự từ những tình huống, hoàn cảnh của cuộc sống.

-   Mức độ sáng tác của mỗi nhạc sĩ tùy theo lòng yêu nghề, sự tha thiết với sự nghiệp mình đã chọn .

-   Nên thông cảm với những khó khăn của các trung tâm thương mại âm nhạc khi phải căn cứ vào giá trị nghệ thuật ca khúc, và danh tiếng của tác giả để chọn nhạc phổ biến.

-   Nhạc viết từ những nhạc sĩ trong nước đã có một số ca khúc được giới thưởng ngoạn hải ngoại đón nhận, bởi giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Nhưng số lượng chưa được nhiều so với một đội ngũ nhạc sĩ rất hùng hậu trong nước. Và rất đáng quan ngại, số lượng những ca khúc chấp nhận được hình như chưa hề gia tăng, nếu không muốn nói đang ngừng lại.

image006LHNNN          Hy vọng những nhận định của Nhật Ngân, tôi tóm lược trên, sẽ đem đến cơ hội suy nghĩ cho những người quan tâm đến nền âm nhạc Việt Nam, không phân biệt, trong ngoài đất nước hình chữ S.

          Tháng 7 năm 2006, tôi ghé quán cà phê Factory tại thành phố Westminster, California, nơi tụ họp cuối tuần của anh em sinh hoạt văn học, văn nghệ. Không khí đông vui cởi mở của những người bạn văn khiến tôi cảm động, tối trở về khách sạn, vui tay, tôi viết liền mấy câu:

         “Hẹn nhau tại quán cà phê/ tay bắt mắt ngó chỉnh tề, ba hoa/ đi đâu ta cũng là ta/ bạn cũng là bạn, tà tà giống nhau

          mỗi thằng thòng một nhúm râu/ thằng để thằng cạo hơn nhau điểm nào?/nhìn chung, một bọn tào lao/ viết hay nói cũng tầm phào quanh năm.

          thèm đi, thèm ngủ, thèm nằm/ thèm bao nhiêu thứ…trăm năm bình thường/ hơn gì nhau chuyện yêu thương/ thua gì nhau nỗi vui buồn chung riêng .

          nói nhảm vẫn ấm nét duyên/ chửi thề vớ vẩn đâu phiền lòng ai/ cà phê từng ngụm lai rai/ cái ngon ở chỗ cụng vai nói cười’  (tạp chí Hợp Lưu  số 91, tháng 10 và tháng 11-2006) 

                                                               

          Bài thơ cốt để tặng một số bạn có mặt hôm đó như Bé Ký, Hồ Thành Đức, Đặng Hiền, Nguyễn Nam An, Thái Tú Hạp, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Văn Nam, Hạ Quốc Huy, Đạm Thạch, Ái Cầm, Nguyên Ngọc, Trinh, Thành Tôn, Phạm Phú Minh, Rừng, Trần Yên Hòa, Vương Trùng Dương ….Ông nhạc sĩ Nhật Ngân, người tôi hy vọng gặp cho biết mặt, đang thong dong ở Việt Nam. Chẳng dễ gì trở lại quận Cam lần thứ hai, cơ hội gặp Nhật Ngân một lần coi bộ mong manh. Tôi muốn gặp để cảm ơn cái tình anh đã dành cho Quảng Nam, cho Đà Nẵng, nơi anh tự nhận đã có những gắn bó khó quên với con người, với phong thổ của quê quán tôi.  

          Giữa lúc phân vân có nên nhận lời rủ của Thái Tú Hạp, qua thủ đô người Việt tị nạn một lần nữa hay không, tôi được tin nhà thơ Lê Hân tổ chức buổi nhạc thính phòng cho Nhật Ngân tại thành phố Mississauga, tỉnh bang Ontario của Canada. Hân réo tôi cùng nhà văn Song Thao qua góp mặt cho vui.

         Lê Hân cùng anh Đoàn Phế và nhóm bạn ở Toronto đã từng tổ chức rất thành công những sinh hoạt đại loại rất văn học như thế này. Thính phòng ấm áp, trang trọng với ánh sáng, với ghế ngồi tiện nghi, sang trọng. Âm thanh đủ tiêu chuẩn cần thiết. Nhạc sĩ, ca sĩ góp sức thừa tài nghệ, chuyên nghiệp. Và nhất là thành phần khán thính giả rất có lòng, giàu trình độ thưởng ngoạn. Tôi và nhà văn Song Thao vui vẻ nhận lời. Dự tính lên đường vào ngày 03 tháng 11 năm 2006 để thong thả dự buổi sinh hoạt sẽ tiến hành vào 2 ngày sau. Ngoài hai chúng tôi, ông ký giả nổi tiếng về ca nhạc, kịch ảnh Trường Kỳ cũng ham vui, theo chân, với ý định sẽ viết phóng sự, tường thuật.

          Trời Montréal đổi mùa, giờ đồng hồ được vặn lui lại một tiếng. Không mấy ảnh hưởng, nhưng chuyến đi của chúng tôi chậm thêm một ngày, vì cái nhức đầu sổ mũi của tôi chưa cho phép. Một điều rất lạ, sức khoẻ tôi khá bình thường, đang bình thường, chợt có một cơ hội đi đây, đi đó, hơi quan trọng một chút, là tôi tức thì có vấn đề. Tôi không đóng kịch, không giả bộ để thối thoát. Cái bệnh lười biếng của tôi có giới hạn thôi. Cái bệnh trở chứng ể mình luôn luôn có thật. Chính điểm này, mọi dự trù, toan tính của tôi chỉ được quyết định vào phút chót. Và như vậy, cuối cùng, dù mệt, tôi cũng phải lên xe của nhà văn Song Thao.

          Với ngựa mới thay, đầy đủ tiện nghi, rộng rãi, mã lực mạnh, Song Thao, gài régulateur de vitesse 120 cây số rồi 140 cho mỗi giờ, lao đi. Chúng tôi đến nhà Hân khá sớm. Dù ông hay Phiếm chuyện đời vẫn dành năm phút, để ngả lưng lim dim trong lòng chiếc Honda Accord, chỉ mới về với anh mới mấy tháng. Đoạn đường non non 600 cây số, con ngựa bốn bánh đang chạy lần thứ ba, thật vất vả cho người và ngựa.

          Vợ chồng Nhật Ngân đến Toronto trước chúng tôi một hôm. Anh chị tạm trú ở một khách sạn, gần nhà Hân. Chúng tôi gặp nhau vào khoảng 7 giờ tối. “Tay bắt, mặt mừng” tình như anh em. Dĩ nhiên tôi luôn luôn là “ông anh” vì như đã nói, tôi già hơn Nhật Ngân đến một năm tuổi. Nhật Ngân “bắt hình dong” tôi:

-   “Trông ông không được khoẻ !”.

         Khỏe thế nào được, khi cuống họng như có cái gì chận lại. Nước bọt trong cổ tôi thật đặc biệt. Vào những ngày “trái gió, trở trời” chúng trắng xóa như bột xà phòng, và dính đặc như một chất keo. Chúng làm tôi khó thở, may là không khò khè bao giờ. Bác sĩ phán bệnh suyễn, nhưng tôi nghĩ không chính xác. Tôi tự kê toa thuốc cho mình nhiều khi rất khả quan. Chỉ tiếc có quá nhiều loại thuốc phải có toa của bác sĩ thứ thiệt mới mua được. Trong đôi ba tháng vừa qua, có ít người quen biết với sách báo qua đời vì bệnh suyễn. Nhà văn Thanh Tâm Tuyền, con trai nhà thơ Viên Linh và hình như còn ai đó nữa. Mai mốt, một ngày xấu trời có thêm tin: Luân Hoán đã thăng hà vì bệnh suyễn cũng là điều bình thường, bạn bè chắc có thể tiên đoán trước, không ngạc nhiên.

          Có lẽ thấy tôi “nhác chơi” nên ngay sau khi gặp mặt, câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu, đi vào nhiều thứ bệnh. Nhật Ngân khổ vì cái bao tử, khả năng ăn uống của anh đương nhiên bị hạn chế. Trường Kỳ đang ở giai đoạn ngày phải chích bốn mũi vào bụng để trị bệnh tiểu đường. Vợ Nhật Ngân là một y tá chuyên nghiệp, nên chị rất hào hứng trong việc trao đổi cách chữa trị và thuốc men. Theo kinh nghiệm, chị khuyên chúng tôi nên ăn hành lá xanh mỗi ngày, sẽ ngăn ngừa được nhiều thứ bệnh nhất là về đường tiểu.

         Sau chuyện đau ốm, chúng tôi bàn đến chương trình sinh hoạt chiều hôm sau. Mọi thứ đều được Lê Hân, Đoàn Phế và nhóm ca nhạc sĩ của họ ổn định cả. Tôi nhìn thấy trong cuốn chương trình, có chỗ Nhật Ngân định mời tôi lên sân khấu để thưa chuyện với khán giả. Tôi cảm ơn anh và xin anh rút lại ý định. Tôi sẽ vô cùng xấu hổ khi phải cà nhắc lên trình diện trước đám đông. Năm 1970, thực hiện tập Nén Hương Cho Bàn Chân Trái là cái tình của bè bạn dành cho, nhưng tôi đã từng bị chỉ trích, dùng cái đau của mình để làm nổi. Sợ rồi, tôi chả dại để ai thương hại. Hơn nữa tài ăn nói của tôi đã cùn mòn từ lâu. Không mặc cảm về thanh giọng phát âm, nhưng hồ nghi mình nói có ai nghe hiểu kịp không? Tôi từ chối “xuất đầu lộ diện” là thượng sách, chứ chẳng phải khiêm nhường.

          Bữa ăn tối của tất cả chúng tôi, đêm 04-11-2006,  được anh chị Đoàn Phế đãi tại nhà hàng Đào Viên, Mississauga. Bạn bè thường nhận xét tôi ăn ít. Trật lất cả. Tôi ăn không ít, nếu không muốn nói tôi ăn nhiều. Tốc độ nhai nuốt của tôi, ngó qua rất từ tốn chạm chạp, nhưng thật ra nhanh nhẹn vô cùng. Thêm vào đó, trong lúc bè bạn vừa chuyện trò vừa ăn, thì tôi im lặng để nhai, để lượng chừng cái bao tử của mình còn chứa được bao nhiêu. Thức ăn ngon, nhưng tôi ăn đúng mức. Sau bữa ăn trở về nhà Hân chúng tôi lo tiếp vài việc cho ngày mai. Nhà văn Song Thao mở từng cuốn Chốn Cũ, và các cuốn Phiếm 2, Phiếm 3 ra đóng dấu sẵn. Nét son đỏ của con dấu làm tăng cái duyên cho cuốn sách rõ ràng. Người mua sách chắc sẽ hãnh diện, sung sướng. Cả đời tôi chưa sắm nổi một con dấu, nhìn bạn bè làm thì thích, mà mình muốn làm thì lười, đành tự hẹn có ngày sẽ thực hiện. Không khó lắm.

          Tôi xớ rớ một chặp bên bàn có anh chị Nhật Ngân, Bắc Phong, rồi xuống phòng. Tôi có ngay một đêm thức trắng sau đó. Thiếu hơi vợ một phần, tiếng động của cái máy điều hòa độ ẩm một phần, làm tôi trằn trọc. Không gác tay lên trán mà vẫn suy nghĩ , nhớ thử, mình đã phải đi “tè” nhiều lần như mấy bạn mắc bệnh tiểu đường không? Tôi vốn cực kỳ hảo ngọt, ngày nào cũng ăn bánh, kẹo, hoặc chè, thì chuyện dính tiểu đường không chừng dễ lắm. Áp huyết đã cao, đã có rồi, đang uống Novo-Triamzide, tạm ổn định. Nhưng nghe Trường Kỳ nói cái bộ ba tiểu đường, cao máu, thừa mỡ, thường đi cặp kè với nhau, đâm ớn. Suốt đoạn đường từ Montreál đến Mississauga tôi ngưng ngay việc ngậm kẹo, dù có mang theo một gói khá nhiều. Hết nghĩ về bệnh, tôi nghĩ đến những bài viết chưa thực hiện được. Những khuôn mặt, những kỷ niệm sẽ song hành cùng ngón “nhất dương chỉ” của tôi trước bàn gõ. Mọi chuyện đều tầm phào, vui chơi thôi, nhưng vẫn thấy canh cánh một bên lòng.

          Trời hừng sáng, lò mò mang chân giả, tôi mau chóng hoàn tất thủ tục vệ sinh cá nhân rồi lên phòng khách. Chưa ai dậy. Tôi uống nửa ly nước trong. Một chút hồi hộp bâng quơ khi nghĩ đến buổi chiều sinh hoạt sắp tới. Bè bạn tôi có những ai đang sống tại hai thành phố Toronto, Mississauga sẽ vui chân tới dự ? Ở đây có nhóm cựu học sinh Phan Châu Trinh, có thể tìm thấy một vài người đã quen ? Thời gian ngồi chờ Song Thao, Trường Kỳ, Lê Hân thức dậy khá lâu, tôi lục chồng báo cũ, đọc những quảng cáo, nhìn một số ảnh chụp, qua đi mấy giờ.

          Anh Nguyễn Anh Lễ của tuần báo Thời Báo mời Song Thao, Trường Kỳ đi ăn phở ở Rùa Vàng. Kỳ và Thao là hai cây bút thường trực của báo này. Tôi ngại ngùng chút đỉnh, nhưng không lẽ ngồi nhà một mình, đành lặng lẽ đi theo ăn ké.

          Cũng như buổi nhạc thính phòng của Từ Công Phụng trước đây, thính đường Noel Ryan đông đầy khách mời. Chương trình khá dài. Phần trình làng tập truyện Chốn Cũ của Song Thao và cuốn Dựa Hơi Bè Bạn, hồi ký rời của tôi, trôi qua gọn nhẹ, nhờ tài ăn nói có duyên và lưu loát của anh nhà văn gốc Hà Nội Song Thao. Tôi chỉ có việc làm duy nhất là ngồi nghe và vỗ tay.

          Phần nhạc của Nhật Ngân dĩ nhiên sôi động, thu hút hơn. Tôi không viết lời dẫn nhập cho nhạc Nhật Ngân, như đã làm cho Từ Công Phụng, vì sợ người nghe nhàm chán. Tôi đề nghị Nhật Ngân trực tiếp hướng dẫn chương trình để có cơ hội nêu lên “lý lịch” của từng ca khúc anh viết, người nghe sẽ thú vị hơn. Nhật Ngân đã làm điều này rất tốt.

          Tình khúc Tôi Đưa Em Sang Sông với giọng nam ca sĩ Quốc Thắng đã mở đầu rất hợp lý cho chương trình ca nhạc. Dáng người dong dỏng cao, chững chạc và phơi phới thanh xuân cùng chất giọng trầm ấm, Quốc Thắng đang bước những bước vững vàng trong sự nghiệp ca hát. Tiếp theo là giọng nữ Lâm Quỳnh Như trong ca khúc Tình Yêu Và Chiếc Bóng Bay. Lâm Quỳnh Như là một giọng ca vừa đoạt hạng ba giải Ca Sĩ Tượng Vàng của Cơ sở Văn hóa Đông Phương tại Hoa Kỳ. Tiết tấu bài hát nhí nhảnh như người trình bày. Niềm vui đi liền với nỗi buồn. Từ một hình ảnh rất thơ ngây trong sáng, Nhật Ngân liên tưởng đến những phôi pha của cuộc tình, cuộc đời, và anh nghiệm ra “ …tình một ngày tình cũng trăm năm, tình một đời tình vẫn xa xăm…” Giọng Lâm Quỳnh Như rất thích hợp với ca khúc này. Lần lượt các giọng hát chuyên nghiệp tại Toronto đến với khán thính giả.

          Tôi thấy một Hoàng Lan xinh đẹp, rất đài các trong y phục màu sậm quí phái. Nụ “Hoa Vàng Mấy Độ” vẫn giữ thói quen tĩnh tọa trong lúc hát. Cái kính mát gài hờ trên mái tóc phảng phất nét Ngọc Minh (ca sĩ). Chiếc nhẫn trên ngón trỏ của bàn tay cầm micro không nói lên sự ràng buộc. Hoàng Lan se sẽ khép mi nhiều lần để diễn đạt tâm sự.  Ca từ của Nhật Ngân mềm mại, đơn giản… “Tình như bóng mây, ngàn năm mây bay, mây ơi mây hỡi cánh mây giang hồ. Ngày tháng lênh đênh, bờ bến nơi đâu, biết cho tình em vẫn luôn chờ mong..” Những nhớ nhung quấn quít cùng những hồi tưởng, truy niệm về một cuộc tình tưởng đã xa mà vẫn chưa khuất. Có lẽ Hoàng Lan đã thay Nhật Ngân nói hộ cho nhiều người, những người từng có những cuộc tình đẹp không trọn vẹn.

          Tôi thấy bên trái dãy ghế tôi đang ngồi có một thiếu nữ, đương nhiên là xinh đẹp. Cô mặc một chiếc áo xường xám uyển chuyển của người Trung Hoa. Nhờ dáng người thanh cảnh, mượt mà, cái áo tỏa ra sức lôi cuốn lạ thường. Người mặc quả khéo chọn một chiếc áo có  màu sắc điều hòa, nghệ thuật. Vừa có cái lộng lẫy của màu đỏ, vừa có cái thâm trầm, sâu lắng của màu đen. Bên cạnh đó những vụn vàng nhạt, nâu, trắng, hồng phấn của những hoa văn làm tăng phần lãng mạn. Tôi có thể đã vụng tay với những nét vừa minh họa, vì thú thật, tôi không thể vô phép quan sát một cách tỉ mỉ. Hơn nữa mái tóc của người thiếu nữ, mới là nguyên nhân chính giữ lại ánh mắt tình cờ của tôi. Mái tóc rất giống Lê Thị Quỳnh Như, một tiểu thư tôi từng nghiêng chào:

         “Chào em, Lê Thị Quỳnh Như/ xin đừng nghiêng nón, nắng thu rất hiền/ con đường này đã dành riêng/ cho người con gái có duyên như là/ cô hoa khôi của Tam Tòa/ thong dong dạo bước trong ta mỗi ngày/ ngón chân như những sợi mây/ lòng ta ngậm vóc tình đầy tiểu thư/ thưa em, Lê Thị Quỳnh Như/ em thơm như ngọn thơ từ Nguyễn Du”   (Trôi Sông – LH)                                                                                                                  

         Tôi đoán thầm cô gái là một ca sĩ, chắc sẽ lên sân khấu, và tôi chờ, và tôi không thất vọng. Cô là ca sĩ thật. Ca sĩ My My. My My không hát một mình, cô song ca cùng nam ca sĩ Duy Hùng. Cả hai cải trang đúng như cặp tình nhân trong phim Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải của Hồng Kông. Duy Hùng là giọng ca lỗi lạc của Toronto. Sự điêu luyện trong lối trình diễn của Duy Hùng, My My đã gây thích thú cho khán giả. Nhạc phim bộ Hồng Kông một thời tôi từng chú ý, nhưng rất bất ngờ lời Việt của ca khúc này của Nhật Ngân. Anh thật có tài, tôi nghĩ vậy, dù không rõ anh dịch từ nguyên bản hay dựa theo cốt truyện và vịn vào nốt nhạc để viết lời ?

          Trong thính đường ấm áp cùng những trái tim kính cẩn lắng nghe. Âm nhạc chợt trở nên rất thiêng liêng, ngọt ngào, tôi được gặp thêm những Điền Nguyên, Thảo Hương, Thanh Hằng, Minh Luân, Xuân Mai, Nguyên Hải, Hoàng Dũng, Nhật Lâm, Trần Thái Hà…Mỗi người mỗi vẻ, mỗi chất giọng riêng. Tôi muốn ba hoa vẽ vời từng giọng hát, nhân đó đi nhẹ vào nội dung từng ca khúc của Nhật Ngân. Nhưng tôi chưa thực hiện được. Hẹn vậy.

          Trong chương trình, Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng hát một bài anh phổ thơ. Đặc biệt bài thơ lại là của tôi. Nội dung bài thơ nói về những tình yêu vu vơ một thời. Người nghe có thể nghi không thật. Nhưng sự thật đến chín mươi phần trăm. Giọng ca Nhật Ngân không thể so sánh với Vũ Khanh, Tuấn Ngọc…nhưng tôi rất khoái, rất quí, vì được nghe chính tác giả trình bày.

          Tất cả các giọng hát đều được bàn tay đệm đàn nhà nghề của anh Phạm Xuân Khôi, con trai nhạc sĩ Xuân Tiên, và anh Nguyễn Hữu Tuệ trải âm thanh đi kèm, giúp cho buổi trình diễn thành công trọn vẹn. Chương trình được khép với với một bất ngờ, khi Nhật Ngân, không giống Song Thao khoe sách, mà anh khoe giọng hát của vợ anh. Không khí thân mật càng trở nên ấm áp thân tình.

          Tôi gặp Nhật Ngân chỉ ngắn ngủi trong một sinh hoạt đơn thuần vì nghệ thuật như vậy, nhưng tôi vẫn lượm được những kỷ niệm đẹp. Tôi xin giữ riêng. Mấy chục năm trước, Nhật Ngân đã Đưa Em Sang Sông, giờ đến phiên tôi. Loay hoay tìm dòng sông, tìm con đò mới chợt nhớ ra “cô em tưởng tượng” của tôi đã sang sông lâu rồi. Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết:

          “ …Nhìn nhau buồn vời vợi

            Có nói cũng không cùng

             …nhìn nhau mà lệ ứa

             một ngày một cách xa…”

           (Mùa Đông  -  Lưu Trọng Lư)

          Tôi làm sao dám viết gì hơn ? Nhật Ngân đưa em sang sông, Tôi đưa tôi sang một dòng tình.

Luân Hoán  

Tháng 11.2006

nguồn : https://www.luanhoan.net/tacpham/DuaHoiBeban2/web/6_NhatNgan.htm

 

 TDESSAILATACGIA

 

 Mời đọc :

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay