Vượt ngục thành công nhờ chìa khóa giấu trong bánh gatô
Bánh gatô gửi vào nhà tù lại chứa chiếc chìa khóa vạn năng giúp Eamon de Valera vượt ngục và thành thủ tướng Ireland sau đó.
Eamon de Valera (1882-1975) là một trong những chính khách có công lớn trong việc giúp Cộng hòa Ireland ra khỏi lệ thuộc vào Vương quốc Anh. Trong sự nghiệp chính trị của mình, Eamon de Valera bị cảnh sát Anh bắt vào tháng 5/1918 với cáo buộc âm mưu cấu kết với Đức để phản quốc. Ông sau đó bị chuyển tới nhà tù Lincoln của Anh.
Eamon de Valera có công lớn trong việc giúp Cộng hòa Ireland không lệ thuộc vào Anh. (Ảnh: Getty).
Mở cửa từ 1872, nhà tù Lincoln là kiến trúc đồ sộ tọa lạc phía đông trung tâm London. Trong suốt 46 năm từ khi bắt đầu hoạt động cho tới lúc đó, nơi đây chưa có vụ vượt ngục nào thành công. Nhưng Eamon de Valera và tổ chức của ông luôn không ngừng tìm kiếm sơ hở nhằm trốn ra ngoài, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp độc lập của quốc gia.
Nhà tù Lincoln có hàng rào dây thép gai bao quanh, đằng sau hướng ra một cánh đồng rộng. Tù nhân được phép tập thể thao ở sân sau, mỗi khi chiều xuống nơi đây có lực lượng quân đội vũ trang đi tuần nên không thể vượt ngục bằng vũ lực.
Tổ chức của Eamon de Valera phát hiện cánh cổng ở sân tập thể thao dẫn ra bên ngoài có thể được dùng để trốn thoát. Trong nhiều ngày, họ cho thành viên giả làm người làm vườn tại khu vực gần nhà tù. Một ngày nọ, người này cất lời hát bằng tiếng Ireland để thu hút chú ý của Eamon de Valera, cũng như để qua mặt lính gác người Anh không biết tiếng.
Qua mật ngữ trong bài hát, Eamon de Valera biết được tổ chức sẽ giúp mình vượt ngục qua cửa sau, nhưng ông cần phải trộm được mẫu chìa khóa mở cổng.
Do có xuất thân Công giáo, Eamon de Valera được giao nhiệm vụ hỗ trợ cử hành nghi lễ tại nhà nguyện trong tù và để ý thấy bộ chìa khóa ra vào của người giám mục. Nhân lúc người này quay lưng, ông dùng mẩu sáp nến đã chuẩn bị từ trước để lấy dấu của chiếc chìa khóa mở cổng.
Kích thước chìa đã có, vấn đề tiếp theo là làm sao để truyền tin cho người bên ngoài trong khi thư từ của tù nhân đều bị cai ngục kiểm tra cẩn mật.
Sean Milroy, bạn tù của Eamon de Valera, được giao nhiệm vụ cất giấu bí mật trong bức biếm họa vẽ tay nhằm qua mặt cai ngục. Thoạt nhìn, bức tranh trông như chiếc thiệp mừng Giáng sinh, mô tả cảnh người đàn ông say rượu đang cố gắng nhét chiếc chìa to đùng vào lỗ khóa bé xíu, đi kèm hai dòng chữ "Xmas 1917, không vào được" và "Xmas 1918, không ra được".
Tấm thiệp ẩn chứa mật thư được Eamon de Valera gửi ra bên ngoài.
Khi bức thư bị kiểm tra, cai ngục không hề nhận ra hình vẽ trong tranh là bản sao chìa khóa cổng nhà tù đã được vẽ lại theo dấu in sáp nến. Eamon de Valera sau đó cũng gửi theo một số mật thư viết bằng ba thứ tiếng Anh, Ireland và Latin để cung cấp gợi ý, đảm bảo người nhận hiểu được nội dung giấu kín của bức biếm họa.
Tổ chức bên ngoài đánh chìa khóa theo kích thước trong bức biếm họa, giấu trong bánh gatô và trao nhiệm vụ vận chuyển cho một thành viên có tên Fintan Murphy. Dưới vỏ bọc là người bán hàng lưu động, người này mang bánh tới nhà tù Lincoln, nói có người nhờ chuyển cho Eamon de Valera. Quản ngục dùng dao đâm ngẫu nhiên vào thân bánh để kiểm tra nhưng may mắn không chạm phải chìa khóa.
Chiếc chìa khóa trót lọt tới tay Eamon de Valera, nhưng lại không vừa ổ khóa. Eamon de Valera nhận ra hình in trên mẩu sáp nến ắt hẳn đã co lại hoặc chìa khóa của vị giám mục không phải là loại vạn năng.
Không nản chí, Eamon de Valera gửi ra bên ngoài bức họa khác, hình vẽ chìa khóa lần này được giấu lẫn trong các họa tiết hoa văn trang trí. Tổ chức bên ngoài tiếp tục đánh khóa và gửi lại vào tù cho Eamon de Valera qua bánh gatô. Chiếc chìa khóa thứ hai vẫn không vừa ổ.
Lần thứ ba, tổ chức bên ngoài gửi vào trong một chiếc bánh trái cây khô hình chữ nhật, giấu trong đó là phôi chìa khóa theo kích thước Eamon de Valera yêu cầu, đi kèm bộ giũa để có thể tự chỉnh sửa cho vừa với ổ.
Eamon de Valera giao nhiệm vụ đánh chìa cho bạn tù tên Peter DeLoughry, vì người này trước đó đã thành công "giải phẫu" và nghiên cứu ổ khóa nhà tù. Từ phôi chìa khóa, Peter DeLoughry làm ra chiếc chìa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa trong nhà tù Lincoln.
7h40 tối ngày 3/2/1919, Eamon de Valera, Sean Milroy và một người nữa là Sean McGarry dùng chiếc chìa vạn năng trốn ra ngoài, không quên khóa cửa buồng giam lại như cũ. Ba người lần mò đi qua sân tập thể dục của nhà tù.
Trên đường trốn ra ngoài, nhóm người vượt ngục bắt gặp một tốp lính canh đang mải mê nói chuyện với các thiếu nữ nên không để ý. Trên thực tế, những thiếu nữ này là người do tổ chức điều động tới từ trước để tán tỉnh và đánh lạc hướng lính gác.
Nhà tù Lincoln. (Ảnh: The Lincolnite).
Ba người tới được cánh cổng, gặp một số thành viên của tổ chức đã đứng chờ sẵn. Một thành viên nôn nóng mở cổng, khiến chiếc chìa bản sao mang theo bị gãy kẹt trong ổ khóa. Tưởng như cùng đường, Eamon de Valera từ bên trong dùng chìa vạn năng cẩn thận đẩy phần bị gãy ra ngoài. Ổ khóa khẽ mở, ba tù nhân trong phút chốc được tự do. Cả nhóm người mau chóng lên taxi tới nơi an toàn.
9h30 tối cùng ngày, người ta mới để ý thấy ba tù nhân vắng mặt. Biết rằng dường như không thể bắt lại Eamon de Valera, lãnh đạo nhà tù đã cho dừng cuộc truy tìm sau một ngày lùng sục ráo riết khắp thành phố.
Sau khi vượt ngục, Eamon de Valera trở về Ireland và được nhận chức Thủ tướng vào tháng 4/1919. Khi Eamon de Valera qua đời vào tháng 8/1975, thọ 92 tuổi, ông đã trải qua ba nhiệm kỳ thủ tướng và giữ chức Tổng thống từ 1959 tới 1973.
Theo BBC, sau này hồi tưởng lại, Eamon de Valera nhận định nếu khi đó mình bỏ thời gian khóa cổng lại, thay vì nghe lời thúc giục vội vàng của các bạn thì không ai có thể phát hiện ba tù nhân trốn trại. Nhưng dù sao đây cũng là vụ "vượt ngục gọn gàng" vì không bạo lực và đổ máu.